Navibank Sài Gòn sẽ được đổi thành tên gì?
Thế là cái tên NaviBank SG sau ba mùa bóng sẽ trở thành cái tên X, Y, Z gì đó tùy thuộc vào “gã lái buôn” gả nó cho nhà nào. Lạ ở chỗ người ta dễ dàng xóa một cái tên để phục vụ cho việc mua bán như kiếm chênh lệch thời kinh tế thị trường.
Phái đoàn của AFC khi đến với bóng đá Việt Nam tư vấn, hướng dẫn về bóng đá chuyên nghiệp đã đề cập về CLB NaviBank SG và nói đây là đội bóng thiếu tính chuyên nghiệp nhất.
Thực chất thì bóng đá Việt Nam có rất nhiều CLB thiếu tính chuyên nghiệp nhưng chỉ có NaviBank SG được VFF “xưng tội” với AFC xuất phát từ công văn xin chuyển giao đội bóng và làm ảnh hưởng đến tiến trình mùa giải 2013 của VFF và VPF…
Tôi tin chắc AFC chưa thể nắm đầy đủ về hoạt động của các CLB Việt Nam và càng không thể biết chuyện mua bán ở các CLB bóng đá Việt Nam đã bị thương mại hóa theo kiểu… “chợ trời” chứ không theo quy chuẩn của FIFA.
Trước hết hãy nói về cái tên của bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam. Nó khác với các quốc gia ở chỗ cái tên được lắp ghép và thay đổi theo từng mùa, tùy thuộc vào người bỏ tiền nhiều hay ít và mục đích của ông chủ. Điển hình bóng đá Nam Định từng thay tên đổi họ đến bốn lần trong bốn mùa bóng và mỗi mùa gắn với tên của một ông chủ khi thì là Sông Đà, Đạm Phú Mỹ, rồi đến Megastar…
Với NaviBank SG, khởi nguyên của CLB này là Quân khu 4 và chỉ một cú điện thoại bàn bạc, nó chạy từ Nghệ An vào TP.HCM và có tên NaviBank SG. Sau ba mùa bóng đội bóng đấy chuẩn bị ra đời với một cái tên rất mới…
Cứ thế không biết đội bóng này sẽ còn đầu thai biết bao nhiêu lần và mang bao nhiêu cái tên.
Với Sài Gòn XT cũng vậy. Từ Xuân Thành Hà Tĩnh đến cái đuôi Quảng Nam, rồi Sài Gòn Xuân Thành sang Sài Gòn FC và nay lại là Sài Gòn XT… Nghe đâu lãnh đạo CLB này lại muốn nó trở về với cái tên Sài Gòn FC, nhưng người đã đăng ký bản quyền cái tên đấy là ông Lưu Quang Lãm (ông chủ cũ của đội bóng vào đầu mùa 2012) nên bây giờ bầu Thụy muốn cái tên đấy cũng không thể.
Những cái tên cứ thay đổi xoành xoạch như thế thì làm sao có được giá trị truyền thống vốn là điều kiện cần của một đội bóng?
Với NaviBank SG hiện tại, bây giờ nhiều người cứ phải dò xem lộ trình của nó đi đâu về đâu sau khi đã được mua đứt bởi những tay kinh doanh bóng đá hơn là làm bóng đá.
Navibank Sài Gòn đang được rao bán
Rất nhiều người xem công văn của ông Giám đốc điều hành NaviBank SG – Nguyễn Vĩnh Thọ gửi cho ông Chủ tịch LĐBĐ TP.HCM Trần Anh Tú đã cười nhạo nói rằng ông chủ CLB NaviBank SG không biết làm công văn. Thực tế thì cái gì cũng có căn nguyên của nó và ẩn ý của người gửi chỉ là thư riêng, là động tác đánh động cho dư luận chuyện chúng tôi đuối quá và sẽ “giao” đội bóng lại cho đơn vị có khả năng hơn.
Bằng chứng là chỉ vài ngay sau bức thư được hiểu như công văn là động tác mua đội bóng từ mối tình tay ba: Bộ đôi bầu Thụy- “cò Đại – Giám đốc điều hành NaviBank SG Nguyễn Vĩnh Thọ - Giám đốc Trung tâm TDTT Thống Nhất Trần Đình Huấn.
Điều khiến nhiều người ngỡ ngàng là chuyện mua một CLB giờ giống như mua bó rau giá sỉ và phân loại bán lẻ khi nó đã bắt đầu thuộc thẩm quyền của những tay chuyên kinh doanh bóng đá bất chấp điều đấy có lợi hay hại cho bóng đá nước nhà.
Kịch bản NaviBank SG vào tay “đầu nậu” sẽ được xẻ thịt và phân phối ra bán lẻ lẫn bán sỉ rồi sau đó bán xác (cho một CLB cần đá chuyên nghiệp) đã được nhiều người chỉ ra bởi hơn ai hết giới bóng đá quá hiểu về đường đi nước bước của những người chuyên kinh doanh bóng đá.
Thật đáng lo ngại khi chuyện mua bán đội bóng như mua rau giờ lại là chuyện được nhà nhà chấp nhận trong đó có cơ quan quản lý bóng đá. Ở đây vai trò quản lý của VFF lẫn LĐBĐ TP.HCM cứ như người ngoài cuộc và đấy là sự im lặng hết sức đáng lo.
Nếu LĐBĐ TP.HCM cứ ngây thơ nói rằng hoan hô cách làm đấy và ông Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL thì đứng ngoài vỗ tay với phát biểu bóng đá TP.HCM sẽ mạnh lên (!?) thì ở VFF không ít quan lại mừng do số đội đá V-League vẫn được duy trì dù có người bỏ đội.
Gốc rễ của một nền bóng đá chuyên nghiệp không nằm ở số lượng mà là chất lượng và cách làm nghiêm túc từ gốc của các CLB. Ở đây điều đáng lo là những CLB chăm lo tuyến trẻ và tự tìm nguồn, tự nuôi sống mình để tồn tại như SL Nghệ An, Đồng Tháp, HA Gia Lai, ĐT Long An… lại ít được quan tâm hỗ trợ để phát triển bền vững. Trong khi đó thì rất nhiều ông bầu, nhiều tay kinh doanh bóng đá đã lao vào và tranh thủ để biến bóng đá Việt Nam thành một thị trường béo bở cho việc mua bán hưởng chênh lệch lẫn làm giá, phá giá thì lại được dung dưỡng để phát triển.
Không biết việc “xưng tội” với AFC có được thực hiện một cách đầy đủ không hay chỉ vì NaviBank SG bỏ đội nên mới có chuyện CLB này được cung cấp thông tin cho AFC.
Bóng đá Việt Nam đang đi trên một con đường cao tốc hết sức nguy hiểm và nói như nhiều người là giống như những cao tốc ở Việt Nam vừa khánh thành đã có tai nạn. Nó cũng giống như thực tế có tuyến đường cao tốc chưa sử dụng bao lâu đã phải nâng cấp…
Thật nguy hiểm cho bóng đá Việt Nam khi nhiều người đã lợi dụng vào hai từ chuyên nghiệp để kiếm tiền một cách chuyên nghiệp và đã tồn tại qua năm tháng để biến tướng bóng đá Việt Nam.
Ai ngăn được cái chợ bóng đá?
Nguyễn Nguyên(khampha.vn)