Cần 26.000 tỷ để “cứu” TPHCM khỏi ngập


Người dân TP.HCM vật lộn với triều cường chiều 17/10
Người dân TP.HCM vật lộn với triều cường chiều 17/10
Đến năm 2070, sẽ có gần 10.000 ha diện tích, 257.000 người dân, 1.494 km đường giao thông cùng nhiều diện tích cơ sở sản xuất, khu công nghiệp… bị ngập nước do tác động của triều cường cùng với nước biển dâng.
Ngày 13/11, tại TP.HCM, Cục Quản lý môi trường Y tế (Bộ Y tế) đã phối hợp với Trung tâm nghiên cứu sức khỏe cộng đồng và phát triển COHED và Sở Tài nguyên Môi trường TP.HCM tổ chức hội thảo với chủ đề đánh giá rủi ro của biến đổi khí hậu đối với sức khỏe con người tại Việt Nam.
 
Tại hội thảo này, ngoài các đánh giá về biến đổi khí hậu làm xuất hiện các loại dịch bệnh ảnh hưởng đến sức khỏe con người, các nhà nghiên cứu cũng đã chứng minh rằng, biến đổi khí hậu còn ảnh hưởng nặng nề đến ngập nước, đặc biệt là tại đô thị lớn như TP.HCM. Đặc biệt, một chuyên gia từ Phân viện khí tượng thủy văn và môi trường phía Nam đã đưa ra kịch bản ngập nước tại TP.HCM đến năm 2070 (chưa tính tác động của mưa).
 - 1
Người dân TP.HCM vật lộn với triều cường chiều 17/10
Thạc sĩ Bùi Chí Nam – Phân viện khí tượng thủy văn và môi trường phía Nam cho rằng, ngập nước ở TP.HCM là do nhiều tác động gây nên bao gồm mưa, triều cường cộng với mực nước thượng nguồn dâng lên. Bỏ qua yếu tố mưa, chỉ tính toán trên cơ sở triều cường cùng với mực nước biển dâng đã ảnh hưởng đến ngập nước của thành phố, ông Nam khẳng định, đến năm 2070, sẽ có gần 10.000 ha diện tích thành phố bị ngập, đặc biệt tại các khu vực huyện Cần Giờ, Nhà Bè, Bình Chánh, quận Thủ Đức, quận 12…
 
Từ những số liệu nghiên cứu, ông Nam chứng minh rằng, năm 2070 ngập nước do triều cường và mực nước biển dâng dưới tác động của biến đổi khí hậu sẽ làm cho quy hoạch sử dụng đất, tài nguyên nước, cơ sở hạ tầng, cơ sở sản xuất, các khu công nghiệp và người dân bị ảnh hưởng nặng nề.
 
Cụ thể, nếu năm 2020 khi mực nước biển dâng thêm 8cm thì huyện Cần Giờ sẽ có 546 ha bị ngập nhưng đến năm 2070 khi mực nước dâng thêm 37cm thì diện tích đất bị ngập ở huyện ngoại thành này cũng sẽ tăng lên 1.565 ha (2,1% tổng diện tích toàn huyện). Đặc biệt, theo tính toán của Phân viện này, huyện Bình Chánh sẽ là huyện có diện tích bị ngập nhiều nhất với 17,59% diện tích toàn huyện (khoảng 4.447 ha vào năm 2070), kế đến là các quận 12, Thủ Đức, quận 2, huyện Bình Tân…
 
Theo ông Nam, ngập nước cũng sẽ ảnh hưởng nặng nề đến hệ thống đường giao thông. “Đến năm 2020 sẽ có khoảng 949 km chiều dài của các đường giao thông trong TP.HCM bị ngập. Còn đến năm 2070 sẽ tăng lên 1.494 km đường giao thông bị ngập”, ông Nam nói. Hiện nay, TP.HCM có 3.897 tuyến đường với tổng chiều dài 3.534 km.
 
Các khu công nghiệp và cơ sở sản xuất đến năm 2070 cũng sẽ bị ngập nước như KCN Lê Minh Xuân bị ngập 34,37% tổng diện tích, KCN Phong Phú bị ngập 29,11% tổng diện tích, Khu công nghệ cao (Q.9) cũng bị ngập 1,65% tổng diện tích…
 
Về dân cư, ông Nam cũng khẳng định rằng, sẽ có khoảng 257.000 người chịu ảnh hưởng bởi ngập nước, trong huyện Bình Chánh (68.808 người), quận 12 (62.687 người), quận Thủ Đức (34.818 người), quận Bình Tân… là những quận, huyện chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
 
“Để ứng phó với biến đổi khí hậu, TP.HCM cần nghiên cứu xây dựng cơ chế phối hợp một cách hợp lý và xây dựng kế hoạch hành động có hiệu quả”, ông Nam nói.
 
Trước đó, trong một cuộc họp giữa UBND TP.HCM với các sở ban ngành, Sở Tài nguyên Môi trường thành phố đã đề xuất 26.000 tỷ đồng để xây dựng kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu đến năm 2015.
 
Cụ thể, số tiền này sẽ tập trung cho các dự án liên quan đến quy hoạch đô thị, tài nguyên nước, năng lượng, nông nghiệp, chất thải, tuyên truyền nâng cao nhận thức biến đổi khí hậu trong cộng đồng dân cư...
Theo Tá Lâm (Vietnamnet)