Tư vấn sức khỏe sinh sản cho nữ công nhân
Nhiều công nhân có thai tìm đến các phòng khám tư quanh khu công nghiệp để bỏ. Có những trường hợp thai to không bỏ được, sinh ra rồi bỏ rơi, hoặc đem cho...
Kinh hoàng nạn phá thai
Yêu nhau hơn 1 năm, chị Nguyễn Thị K. (21 tuổi, quê Yên Bái), công nhân nhà máy Nissey, khu công nghiệp Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội) mang trong mình giọt máu của một chàng trai cùng công ty. Đám cưới không diễn ra bởi sự phản đối kịch liệt của bên nhà trai. Chị K. tìm đến Trạm y tế xã Kim Chung, huyện Đông Anh, nợi chị đang ở trọ để giải quyết hậu quả. Một năm sau, chị Khánh lại tiếp tục tìm đến Trạm y tế xã phá thai. Tâm sự với các nhân viên y tế ở phòng khám tư tại xã Kim Chung, chị K. cho biết, có con nhưng không nuôi được, nên phải bỏ. Vì còn tương lai phía trước, lầm lỡ rồi phải làm lại, đẻ đứa con xong là coi như hết đời.
Tại xóm trọ ở đường Đa Lộc, thôn Bầu, xã Kim Chung, có 15 phòng trọ với hơn 30 nữ công nhân tạm trú. Trong đó, chỉ có một nữ công nhân tên Mai có chồng, còn lại tất cả chưa kết hôn. Mai cho biết, các chị em trong xóm không đồng ý cho chủ nhà để con trai đến thuê. “Bởi tại những gã trai “họ sở”, sau khi “cơm no bò cưỡi” rồi biệt tăm. Nói ra thật xấu hổ, 4 đứa trong xóm này phải bỏ thai trong bụng vì những người trước đây cùng xóm trọ”, Mai cho biết.
Nhân viên y tế phòng khám tư nhân tư vấn sức khỏe sinh sản cho công nhân KCN Thăng Long
Có mặt tại một phòng khám tư tại thôn Hậu, xã Kim Chung, huyện Đông Anh, khá nhiều chị em phụ nữ đang đợi đến lượt khám. Trên khuôn mặt chờ đợi lộ rõ vẻ hốc hác, mệt mỏi. Phía bên trong phòng khám kê vài chiếc giường dành cho bệnh nhân. Tôi vờ ngó vào, một cô y tá cùng lúc bước ra nói: “Anh ngó nghiêng làm gì, tý nữa bạn gái anh “bỏ thai” xong cũng vào đây nằm, liệu mà chăm cho chu đáo đấy”.
Hiện nay, trên địa bàn xã Kim Chung, nơi tạm trú của gần 30 nghìn công nhân có 1 trạm y tế xã, 3 phòng khám tư và 42 cơ sở y tế, dược khác. Theo Trạm trưởng Trạm y tế xã Kim Chung, anh Phan Văn Chuyên cho biết, tình trạng nạo phá thai của các nữ công nhân khu công nghiệp đến mức báo động.
Thời gian gần đây, Trạm y tế xã đã giải quyết cho khoảng 50 trường hợp bỏ thai. Con số này, theo anh Chuyên thấp hơn nhiều so với 3 phòng khám tư nằm trong địa bàn xã. Bởi Trạm y tế xã chỉ tiếp nhận trường hợp thai dưới 6 tuần tuổi. Tuy nhiên, theo anh Chuyên, không có con số thống kê cụ thể ca nạo phá thai của các phòng khám tư. Lý do là họ thường giấu kín, làm chui nên không thể thống kê. Anh Chuyên cũng co biết, trên địa bàn xã, cũng có vài trường hợp sinh con rồi bỏ, hoặc cho người khác nuôi...
Tại huyện Sóc Sơn, Hà Nội, nơi có khu công nghiệp Nội Bài và khoảng 10 nhà máy, xí nghiệp khác, tình trạng nạo phá thai cũng đến mức báo động. Theo bác sĩ Trần Thị Minh Tâm, trưởng khoa Chăm sóc sức khỏe sinh sản, Trung tâm Y tế Sóc Sơn, trung bình mỗi tháng trung tâm tiếp nhận 5-10 ca bỏ thai khi chưa kết hôn.
Mất thiên chức làm mẹ
Trần Thanh H. (25 tuổi, quê Phú Thọ) chia tay mái ấm nhỏ sau một năm kết hôn. Chồng chị là một công nhân cùng quê, làm việc khu công nghiệp Quang Minh (Mê Linh, Hà Nội). Sau ly hôn, chồng chị bỏ về quê Phú Thọ lái máy xúc, chị ở lại trong căn phòng trọ tại thôn Chi Đông, xã Quang Minh.
Những người trong xóm trọ còn nhớ, cách đây vài tháng, anh chị thường xuyên cãi vã nhau nảy lửa. Anh chồng sau mỗi lần rượu say về lại chửi bới chị, bởi chị đã 2 lần phá thai trước khi đến với anh. Từ hôm bác sĩ cho biết cơ hội làm mẹ của chị rất thấp do viêm nhiễm sau những lần nạo thai. Giờ đây, trong căn phòng nhỏ, chị H. ít khi trò chuyện với ai, hết giờ làm việc chị lại đóng kín của phòng.
Công nhân đến phòng khám tư tại xã Kim Chung, Đông Anh
Theo anh Phan Văn Chuyên, trạm y tế xã chỉ tiếp nhận các trường hợp phá thai dưới 6 tuần tuổi, thai lớn hơn phải chuyển lên bệnh viện tuyến trên. Tuy nhiên, tôi được biết, nhiều công nhân đến những phòng khám tư không đủ điều kiện, phá khi thai đã to... gây hậu quả khôn lường. Có những công nhân, chỉ một lần phá thai, suốt đời vô sinh.
Theo TS. Nguyễn Thị Vân Anh, Phó phòng Kế hoạch Sở Y tế Hà Nội, nữ công nhân ở các khu công nghiệp, thường là người nông thôn và ngoại tỉnh. Họ làm việc trong điều kiện vất vả, thời gian ca kíp, kéo dài, lương thấp. Sau giờ làm việc họ ít có thời gian tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí, thể thao và các hoạt động cộng đồng. Cùng đó, họ cũng bị hạn chế trong việc tiếp nhận thông tin, đặc biệt là các thông tin về giới, tình dục, sức khỏe sinh sản. Họ có thể quan hệ tình dục bất cứ đâu. Nhiều nữ công nhân thiếu hiểu biết về sức khỏe sinh sản và tình dục, thiếu trách nhiệm với bản thân dẫn đến tình trạng nạo phá thai không an toàn.
Các y tá ở Trạm y tế Kim Chung kể lại, có những công nhân đến khám, biết mình khó có cơ hội làm mẹ đã bật khóc nức nở. Họ cứ nghĩ, mình còn trẻ, phá thai để có cơ hội tìm hạnh phúc mới, làm lại cuộc đời. Nào ngờ bỏ thai là bỏ hẳn cuộc đời.
Nghiên cứu của Sở Y tế Hà Nội về vấn đề sức khỏe sinh sản và bạo lực trên 1.120 nữ công nhân dưới 30 tuổi ở Hà Nội cho thấy: 13% nữ công nhân ở nhà máy đã từng nạo thai. Trong số họ, 31% nạo thai năm 2011, một số nạo thai nhiều lần trong suốt những năm qua. Đặc biệt, có nhiều trường hợp nữ công nhân mang thai hoặc sinh con ngoài ý muốn buộc phải bỏ con, hay phải bỏ việc để về quê sinh con gây khó khăn lớn cho cả trẻ và bà mẹ đơn thân. Số công nhân đang nhập cư và tạm cư tại 8 khu công nghiệp trên địa bàn Hà Nội khoảng 101.697 công nhân trong đó lao động nữ chiếm 55%. |
Dương Tùng(khampha.vn)