Bãi đỗ xe tự phát mọc lên rất nhiều
Tạm lắng xuống một thời gian ngắn sau "chiến dịch" rầm rộ của UBND thành phố Hà Nội xóa sổ các bãi xe tự phát lấn chiếm lòng đường, vỉa hè tại 262 tuyến phố, nay các bãi xe này lại hoạt động trở lại công khai và tiếp tục “chặt chém” khách.
Hiện rất nhiều bãi giữ xe tự phát này không chỉ sử dụng vỉa hè mà còn chiếm luôn cả một phần của lòng đường làm nơi trông giữ xe. Các tuyến đường thuộc khu phố cổ ở quận Hoàn Kiếm như Hàng Giầy, Hàng Đường, Hàng Bạc... theo quy định thì vỉa hè, lồng đường cấm đậu xe, nhưng đây lại đang được coi là điển hình của việc lấn chiếm. Trên dọc các tuyến đường thuộc những khu phố này nhan nhản những điểm trông giữ xe tự phát. Như tại ngã tư giao nhau giữa Hàng Cá với Hàng Đường, không chỉ lòng đường mà hai bên vỉa hè cũng bị bịt kín, không còn chỗ cho người đi bộ, do bị chiếm dụng làm nơi giữ xe máy.
Còn dọc phố Hàng Giầy có rất nhiều cửa hàng tạp hóa lẫn ăn uống. Những cửa hàng kinh doanh này chiếm dụng hầu như toàn bộ vỉa hè phục vụ cho mục đích kinh doanh của mình. Họ sử dụng gần như toàn bộ diện tích vỉa hè phía trước quán làm bãi giữ xe cho khách. Vào những giờ cao điểm khách hàng tới mua sắm, ăn uống, những người kinh doanh ở đây còn chiếm luôn một phần lòng đường để làm chỗ giữ xe. Nhiều hôm đường tại khu vực này tắc hàng tiếng đồng hồ bởi một phần đường đã bị chiếm dụng làm nơi trông giữ xe.
Ngoài chiếm vỉa hè và lòng đường, nhiều cá nhân còn tân dụng luôn khu vui chơi cộng cộng tại các chung cư để kinh doanh. Rất nhiều sân chơi ở các khu chung cư đang bị bảo vệ căng dây khoanh vùng làm bãi giữ xe. Anh Nguyễn Văn Hùng, sống tại chung cư 24T1, Hoàng Đạo Thúy, Cầu Giấy, chia sẻ : "Ở chung cư đã bị giới hạn diện tích nhà, muốn tìm một không gian để vui chơi, tập thể dục sau những giờ làm việc mệt mỏi cũng không được, vì sân chung cư giờ thành bãi giữ xe. Chúng tôi đã làm đơn trình lên ban quản lý khu chung cư nhưng sự cứ việc đâu lại vào đấy."
Bãi đậu xe tự phát trên đường Ngô Thì Nhậm
Đường Hàng Bạc vỉa hè bị chiếm dụng làm bãi giữ xe, người đi bộ đành phải chen xuống lòng đường
Vỉa hè đường Hàng Cá cũng không còn lối đi vì đã bị chiếm dụng làm bãi giữ xe
Không ai nhận ra đây là là vỉa hè, lòng đường của phố Hàng Giầy
Sân chơi chung tại chung cư 24T1, Hoàng Đạo Thúy, Cầu Giấy bị bảo vệ giăng dây làm bãi giữ xe
Biển cấm ô tô trên đường Giảng Võ nhưng cả đoạn đường lại biến thành nơi đỗ ô tô
Trong khi đó, những bãi giữ xe được cấp phép hoạt động thì vô tư thu tiền giữ xe của khách vượt quá mức quy định. Anh Hà Văn Long ( Láng Thượng - Đống Đa) cho biết: "Hôm thứ 7 vừa rồi, tôi ra chợ Đồng Xuân mua sắm, đến lúc về mới giật mình khi nhân viên một bãi xe của tại chợ này thu 5.000 đồng/ lần giữ xe gắn máy. Tôi thắc mắc vì sao giá cao so với giá ghi trong vé chỉ có 2.000 đồng, nhân viên bãi xe thản nhiên trả lời: "Giá trong vé là giá cũ, vì bây giờ cái gì cũng tăng, giữ xe 2.000 đồng thì lấy gì mà sống!." Chị Lê Thúy Ngà - Ngõ 1194 Chùa Láng, Đống Đa, bức xúc hơn: " Tôi đưa mẹ ra Hồ Hoàn Kiếm chơi, gửi xe máy tại bãi gửi xe trên phố Đinh Tiên Hoàng. Khi gửi xe nhân viên bãi xe thông báo mức giá giữ xe máy đến 10.000 đồng/lần, nhưng họ lại đưa cho tôi tấm vé giữ xe ghi giá 2.000 đồng, với lời giải thích: vì thuê mặt bằng rất cao.
Cũng vậy, tại đường Đoàn Trần Nghiệp, do nằm kề Trung tâm thương mại Vincom nên thường ngày lượng người tới mua sắm, vui chơi rất lớn. Nhiều người vì ngại đưa xe xuống tầng hầm gửi nên gửi ngay bên ngoài tiện cho việc lấy xe. Hiểu được tâm lý này, mỗi khi thấy khách là đội quân trông giữ xe dọc tuyến đường ùa ra chèo kéo, giành giật, và giá giữ xe máy luôn là 10.000 đồng/xe, cao gấp 5 lần so với quy định.
Điều đáng nói là hàng ngày, trên các tuyến phố Hà Nội, đội trật tự đô thị vẫn luôn kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm, lập lại trật tự vỉa hè, lòng đường đảm bảo an toàn giao thông. Nhưng dường như việc xử phạt chưa có tác dụng răn đe. Vì phạt hôm nay ngày mai việc lấn chiếm lại tái phát, hoặc lúc nào xe tuần tra công an đến thì trật tự, vắng công an thì đâu lại vể đấy.
Bãi xe có phép hoạt động trên phố Đinh Tiên Hoàng thu phí giữ xe với mức giá 5.000 đồng/lần gửi xe máy, gấp 2,5 lần so với quy định.
Khu vực vườn thú Thủ Lệ, nhiều bãi xe tự phát mọc lên và tự in giá vé giữ xe đạp là 2.000 đồng/lượt, xe máy 3.000 đồng/lượt, nhưng khách hàng phải trả 5.000 đồng/xe đạp, 10.000 đồng/lần gửi xe máy
Giá vé giữ xe tại chợ Đồng Xuân chỉ 2.000 đồng/lượt, trong khi theo phản ánh của nhiều khách gửi xe, họ phải trả 5.000 đồng/lượt.
Các điểm giữ xe trên đường Đoàn Trần Nghiệp luôn chèo kéo, thu phí trông giữ xe cao gấp nhiều lần so với quy định của nhà nước
Nghị định 71/2012/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 10-11-2012, quy định hành vi lấn chiếm lòng đường, vỉa hè sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 30 triệu đồng, trong đó: - Hành vi họp chợ, kinh doanh dịch vụ ăn uống, bày bán hàng hoá, sửa chữa xe, rửa xe, đặt, treo biển hiệu, biển quảng cáo, làm mái che trên lòng đường đô thị, hè phố hoặc chiếm dụng lòng đường đô thị hoặc hè phố dưới 5m2 làm nơi trông, giữ xe bị phạt tiền từ 2 triệu - 3 triệu đồng. - Hành vi bày, bán máy móc, thiết bị, vật tư, vật liệu xây dựng hoặc sản xuất, gia công hàng hoá trên lòng đường đô thị, hè phố hoặc chiếm dụng lòng đường đô thị hoặc hè phố từ 5m2 đến dưới 10m2 làm nơi trông, giữ xe bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng. - Hành vi chiếm dụng lòng đường đô thị hoặc hè phố từ 10m2 đến dưới 20m2 làm nơi trông, giữ xe bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng. - Hành vi chiếm dụng lòng đường đô thị hoặc hè phố từ 20m2 trở lên làm nơi trông, giữ xe hoặc dựng biển quảng cáo trên đất hành lang an toàn đường bộ không được cơ quan quản lý đường bộ có thẩm quyền đồng ý bằng văn bản bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng. |
Như Hoàn(khampha.vn)