Sáng nay, QH đã biểu quyết thông qua dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Thuế TNCN (Ảnh minh họa)
Sáng 22/11, Quốc hội biểu quyết thông qua dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân. Theo đó, mức giảm trừ gia cảnh từ 4 triệu đồng/tháng lên mức 9 triệu đồng/tháng.
Mức giảm trừ cho mỗi người phụ thuộc từ 1,6 triệu đồng/tháng lên 3,6 triệu đồng/tháng.
Trước khi thông qua toàn văn dự thảo luật, Quốc hội đã biểu quyết riêng điều luật này với 427 phiếu tán thành (85,74%).
Theo báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đa số tán thành với mức giảm trừ gia cảnh nói trên. Tuy nhiên, quá trình thảo luận về mức giảm trừ gia cảnh, một số ý kiến cho rằng việc nâng mức giảm trừ gia cảnh như trên là chưa hợp lý, đưa thuế thu nhập cá nhân trở thành thuế thu nhập cao, thu hẹp quá lớn số người nộp thuế, tác động đến nguồn thu, nhiệm vụ chi ngân sách nhà nước…
Nhóm ý kiến này đề nghị giữ nguyên mức giảm trừ gia cảnh hiện hành hoặc quy định mức thấp hơn mức Chính phủ trình.
Nhiều đại biểu cho rằng thuế thu nhập cá nhân hiện nay chỉ mới “nắm người có tóc”, chủ yếu là những người làm công ăn lương với thu nhập ổn định, chưa có phương án điều tiết thu nhập của những đối tượng khác để tạo sự công bằng trong xã hội... Ảnh minh họa: gia đình chị Nguyễn Thanh Vân và anh Nguyễn Văn Hòa (Hà Nội) có hai con trai đang học lớp 2 và lớp 5 trong bữa ăn hằng ngày - Ảnh: TTO
Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình về những ý kiến trên, chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - ngân sách Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh trong bối cảnh nguồn thu ngân sách nhà nước hiện nay cơ bản chỉ đủ đảm bảo nhu cầu chi thường xuyên, chi trả nợ, tích lũy đầu tư còn thấp, thì việc giảm thuế sẽ làm giảm thu ngân sách nhà nước, ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn lực đảm bảo chi an sinh xã hội, chi cải cách tiền lương.
Tuy nhiên, ông Hiển nhìn nhận cũng trong bối cảnh hiện nay, việc duy trì mục tiêu ban đầu của Luật thuế thu nhập cá nhân là khó khăn. Đến khi nền kinh tế đất nước phát triển, thu nhập người dân được cải thiện sẽ thực hiện đầy đủ mục tiêu của luật.
Cũng theo ông Hiển, việc điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh nhằm chia sẻ khó khăn, động viên, hỗ trợ người hưởng lương có thêm thu nhập, góp phần kích cầu tiêu dùng. “Vì vậy, xin các vị đại biểu Quốc hội cho giữ mức giảm trừ gia cảnh như quy định của dự thảo luật” - ông Hiển nói.
Luật có hiệu lực thi hành từ 1/7/2013.
Theo Quốc Thanh (Tuổi trẻ)