Người lao động cắt giảm chi tiêu, tăng năng suất tạo điều kiện cho doanh nghiệp có nguồn trả lương và thưởng Tết (Ảnh minh họa)
Bộ LĐ-TB-XH cho biết sẽ gửi văn bản yêu cầu doanh nghiệp báo cáo số liệu lương, thưởng Tết về các địa phương trong cả nước.
Về thời gian gửi văn bản, bà Tống Thị Minh, Vụ trưởng Vụ Lao động Tiền lương (Bộ LĐ-TB-XH) cho biết đây là trách nhiệm cơ quan quản lý phải làm chứ thực ra Luật Lao động không có điều lệ nào bắt buộc doanh nghiệp phải thực hiện báo cáo tình hình lương, thưởng Tết.
Trước đó theo bà Minh, Vụ Lao động Tiền lương cũng đã có ý kiến với công đoàn cơ sở tại địa phương động viên người lao động cắt giảm chi tiêu không cần thiết, tăng năng xuất lao động trong thời gian cuối năm để tạo điều kiện cho doanh nghiệp có nguồn chi trả lương và giành ra thưởng Tết. “Năm nay là năm hết sức khó khăn của doanh nghiệp, để vượt qua thời gian khủng hoảng này doanh nghiệp bám trụ giữ được việc làm là tốt lắm rồi chứ đừng nói thưởng Tết”, bà Minh nói.
Để có nguồn thưởng Tết, người lao động phải tăng năng suất, cắt giảm chi tiêu không cần thiết (ảnh minh họa)
Ông Nguyễn Đình Thắng, Phó chủ tịch công đoàn KCN-KCX Hà Nội cho biết, không phải đợi tới khi có văn bản từ trên yêu cầu mới thực hiện mà ngay từ tuần sau, công đoàn cũng sẽ có yêu cầu tới từng tổ chức công đoàn tại doanh nghiệp phối hợp báo cáo tình hình thưởng Tết, mức tạm ứng lương cho lao động về quê nghỉ Tết. “Tính tới thời điểm này, trong số doanh nghiệp có tổ chức công đoàn đã có hơn chục doanh nghiệp ngừng hoạt động, số doanh nghiệp đang trong tình trạng ngắc ngoải cũng không phải là ít. Tuy nhiên đối với doanh nghiệp có bề dày hoạt động thì kiểu gì cũng sẽ có thưởng Tết”, ông Thắng cho biết.
Khi được hỏi liệu yêu cầu thông báo mức thưởng Tết năm nay có là sức ép đối với doanh nghiệp, ông Thắng nói: “Chính vì năm nay kinh tế khó khăn nên doanh nghiệp lại càng phải thông báo sớm mức thưởng Tết để người lao động an tâm chăm lo làm việc, tránh tâm lý oải trong những ngày tháng cuối năm”.
Cũng theo ông Thắng, công đoàn cũng sẽ thực hiện rà soát đời sống công nhân tại khu công nghiệp để thống kê lên danh sách những trường hợp khó khăn, sẽ được hỗ trợ vé tàu xe về quê, đối với những trường hợp đặc biệt khó khăn, công đoàn sẽ có mức trợ cấp riêng.
Ông Bùi Hoàng Mai, Phó Trưởng ban Quản lý Khu công nghiệp Bắc Ninh cho biết đã có thông báo tới doanh nghiệp công bố mức thưởng Tết dương lịch và kế hoạch thưởng Tết âm lịch. Theo đó, từ nay tới 15/12, doanh nghiệp phải có báo cáo về ban quản lý. “Có khoảng 70% doanh nghiệp tại đây là doanh nghiệp nước ngoài, nên họ chú trọng tới Tết dương lịch, thường thì trung bình mỗi doanh nghiệp thưởng 1 tháng lương cho người lao động vào dịp này”, ông Mai nói.
Tính đến ngày 20/9/2012, tổng số doanh nghiệp đã giải thể, ngừng hoạt động là 40.190 doanh nghiệp, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2011, trong đó có 6.503 doanh nghiệp giải thể và 33.597 doanh nghiệp ngừng hoạt động. Các doanh nghiệp đã giải thể hoặc ngừng hoạt đông tập trung chủ yếu ở các thành phố lớn. Trong đó, TP. HCM có 13.014 doanh nghiệp, Hà Nội có 9.252 doanh nghiệp, Hải Phòng có 1.010 doanh nghiệp, Đà Nẵng có 960 doanh nghiệp. |
Tuyết Mai(khampha.vn)