Khu công nghiệp Hòn La 1 được cho là lấp đầy 70% nhưng thực tế thì đầy đất hoang
Chục năm qua, Quảng Bình bỏ ra hàng nghìn tỷ đồng xây dựng các khu công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tập trung, nhưng hiệu quả không cao, thậm chí có nơi làm ra chỉ để phơi mưa nắng.
Theo quy hoạch, Quảng Bình có 8 khu công nghiệp (KCN), 2 khu kinh tế và 5 khu tiểu thủ công nghiệp với diện tích gần 2.000 ha.
Đến nay đã có 3 KCN đi vào hoạt động, 3 khu đang được đầu tư xây dựng và 2 khu khác đang chuẩn bị đầu tư.
Theo lãnh đạo của Ban quản lí các khu công nghiệp Quảng Bình, Tây Bắc Đồng Hới đã cho thuê khoảng 80% diện tích, Bắc Đồng Hới 30% và Hòn La 1 khoảng 70%. Tuy nhiên, qua tìm hiểu, PV được biết, diện tích lấp đầy nói trên gần một nửa là nằm trên giấy.
Những người dân bị thu hồi đất cho khu công nghiệp Hòn La ở xã Quảng Đông nói rằng: Đầu tư thì nhiều nhưng ít người sử dụng, nắp cống thì bị đập trộm lấy sắt, bóng điện cao áp thì làm tiêu cho bọn trẻ con ném đá...
“Khi về lấy đất, họ nói cứ chấp hành đi rồi sau này sẽ thành công nhân cả, lương cao mà khỏe hơn làm ruộng nhiều. Chờ mãi chả thấy “ma” nào về đầu tư để cho chúng tôi thành công nhân cả. Chú coi, năm sáu năm trời rồi mà chỉ được một nhà máy gỗ dăm, vài dự án xây dựng lèo tèo nên con cháu họ vào làm hết chứ mô đến lượt. Làng tui giờ không có lấy miếng đất cắm dùi, còn đất đai của khu công nghiệp thì bạt ngàn cho cỏ mọc. Dân chúng tôi thì ngày một nghèo thêm, còn Nhà nước thì lãng phí đất đai, tiền của rứa đó”, một người dân nói.
Khu công nghiệp Hòn La 1 được cho là lấp đầy 70% nhưng thực tế thì đầy đất hoang
Bên ngoài khu công nghiệp Quảng Bình cũng đầu tư khá mạnh tay. Để kết nối KCN xi măng Châu - Văn - Tiến (huyện Tuyên Hóa) với cảng Hòn La, tỉnh mở một con đường hoàn toàn mới chạy song song với QL 12A, với số vốn lên đến gần 1.000 tỷ đồng.
Nhiều chuyên gia trong ngành giao thông cho rằng, xây dựng con đường này nhằm giảm tải cho QL 12A là hoàn toàn đúng. Tuy nhiên, các nhà hoạch định đã cố tình kéo dài con đường một cách không cần thiết, thậm chí còn làm khó cho các nhà máy xi măng.
Giá như con đường mới nối với QL 12A phía dưới nhà máy xi măng sông Gianh, đoạn qua xã Cảnh Hóa (Quảng Trạch), thì sẽ tiết kiệm được cả trăm tỷ đồng và thuận đường vận chuyển cho các nhà máy xi măng. Thực tế, con đường vượt qua các nhà máy xi măng, nối với QL 12A ở đoạn đầu cầu Châu Hóa.
Như vậy, tới đây, khi con đường hoàn thành, các nhà máy xi măng ở xã Văn Hóa, Tiến Hóa phải chở sản phẩm đi ngược lên, rồi lại vòng về sau lưng nhà máy của mình mới ra được cảng Hòn La. Chi phí vận chuyển xi măng sẽ đội lên vì phải đi vòng vèo thêm nhiều cây số.
Lại chuyện rải thảm đỏ ở tỉnh này cũng đang có vấn đề. Một nhà đầu tư kể: Ông đầu tư nhà máy theo lời mời gọi trải thảm đỏ của Quảng Bình. Theo quy định chung cũng như thỏa thuận, phía Quảng Bình sẽ bàn giao mặt bằng sạch, đầu tư cơ sở hạ tầng như đường, điện, nước... (phía ngoài hàng rào), nhà đầu tư chỉ việc vào xây dựng nhà máy.
Lập dự án, khảo sát, thiết kế, khởi công xong, nhà đầu tư mới ngã ngửa là mặt bằng chưa sạch. Yêu cầu mãi không được, để kịp tiến độ xây dựng nhà máy, doanh nghiệp phải tự đi thỏa thuận với từng hộ dân có đất để bỏ tiền đền bù.
Đền bù xong mặt bằng nhưng lại không có đường vận chuyển vật liệu, linh kiện để xây dựng nhà máy. Kêu mãi thì phía Quảng Bình nói, giờ tỉnh khó khăn, doanh nghiệp có tiền thì đầu tư làm đường trước, tỉnh sẽ bù sau.
Đâm lao thì phải theo lao, doanh nghiệp lại phải bỏ tiền thuê thiết kế một con đường vào nhà máy, chuẩn bị thi công thì dân trong làng ra chặn lại. Họ yêu cầu doanh nghiệp mở đường trong làng, nói là để làng có được con đường to, nhưng thực chất là mong được đền bù....
Đáng ra nhà máy này chỉ xây dựng trong hơn 1 năm là có thể đi vào hoạt động, nhưng thực tế, gần 4 năm nay, nhà máy vẫn chưa hoàn thành.
Theo Hoàng Nam (Tiền Phong)