Nếu mất danh hiệu hộ nghèo hai chị em Xuân, Quỳnh sẽ không được đi học.
Việc bình xét ở các vùng nông thôn, có nơi bị khống chế tỷ lệ, có nơi thoải mái bầu nên nhiều hộ không nghèo lại được nghèo và không ít hộ nghèo thực sự thì rớt nước mắt vì bị gạt ra ngoài...
Họp bình xét lấy lệ
Xã Khánh Hiệp (huyện miền núi Khánh Vĩnh, Khánh Hòa) là một trong những xã đặc biệt khó khăn với đa số hộ dân là đồng bào dân tộc. Xã có 747 hộ thì có tới 446 hộ nghèo và cận nghèo, trong đó có 244 hộ nghèo (chiếm 31,52%). Riêng thôn Hòn Lay có tới 190 hộ nghèo và cận nghèo nhưng việc bình bầu hộ nghèo ở thôn này được dân phản ảnh là “chẳng ra làm sao”.
Bà Đào Thị Hiền (thôn Hòn Lay) bức xúc: “Ngày bình bầu hộ nghèo, có rất nhiều hộ dân không được thông báo đến dự. Việc bình xét theo tiêu chuẩn hộ nghèo gần như thuộc quyền phán xét của bà trưởng thôn nên dù có bình xét cũng như không”.
Đơn cử như trường hợp của chị Đàm Thi Thư. Một mình chị làm thuê cuốc mướn, nuôi 3 đứa con ăn học; 4 mẹ con ở trong căn nhà rách dột. Vậy mà, mới ngày hôm trước chị Thư xin được vào làm tạp vụ cho nhà trẻ, ngày hôm sau đã bị bà tổ trưởng gạt ra, bảo chị Thư đã có lương rồi không thể là hộ nghèo nữa...
Chị Thư gạt nước mắt nói: “Đồng lương còm của tôi được hơn 1 triệu đồng/tháng, chia bình quân 4 mẹ con thì thu nhập chưa tới 250.000 đồng/người, thấm tháp gì với hoàn cảnh khổ sở hiện nay”.
Còn nhiều trường hợp khác như nhà chị Lý Thị Hoa Sinh cũng trong hoàn cảnh tương tự mà không được xét, trong khi số hộ khá hơn được xét hộ nghèo ở thôn này không phải là ít.
Vậy mà, tại cuộc họp bình xét hộ nghèo hôm ấy chỉ vài người “cả gan” có ý kiến bảo vệ những gia đình như vậy, còn lại thì làm ngơ. “Tôi thấy việc bình xét với kiểu được chăng hay chớ, ba phải như thế này thì họp hành cũng chỉ là làm lấy lệ thôi. Rốt cuộc, ai được lòng cán bộ vẫn có lợi thế hơn và vì vậy chẳng ai dám làm mất lòng cán bộ” – bà Hiền nói.
Hai chị em Xuân và Quỳnh - con chị Đặng Thị Ba (thôn Hồng Thạc, xã Minh Tân, Thủy Nguyên, Hải Phòng) chỉ sợ gia đình mất “danh hiệu” hộ nghèo thì sẽ không được đến trường.
Ở một số địa phương khác thì cán bộ xã, thôn… đôn đáo lo “giữ vững tỷ lệ hộ nghèo”. Tới thăm gia đình anh Nguyễn Văn T ở xã Kỳ Hoa (Kỳ Anh, Hà Tĩnh) - một hộ nghèo trong xã đang được hỗ trợ xây nhà, phóng viên ngồi nghe anh ôn nghèo kể khổ, nói gia đình không có tài sản gì. Tuy nhiên, khi vào buồng thì thấy chiếc xe Dream Thái còn mới dựng ở trong. Anh T ngại ngùng bày tỏ: “Năm nay mất mùa nặng nên thôn, xã bình bầu tôi vào hộ nghèo. Họ bầu cho tôi, tôi bầu cho họ, ai cũng vui vẻ cả”.
Không đủ phiếu thì… không được nghèo
Ông Nguyễn Cát Thành - Trưởng thôn Hồng Thạch (xã Minh Tân, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng) cho biết, năm ngoái thôn ông được 7 hộ nghèo nhưng năm nay “chỉ tiêu” xã giao chỉ còn 5. Ông Thành lắc đầu: “Thật là khó xử.
Nhiều gia đình nghèo rớt nhưng chúng tôi vẫn phải ngậm ngùi cho… thoát nghèo. Xã tôi đang xây dựng nông thôn mới nên quy định hộ nghèo cũng phải có hạn. Như trường hợp của bà Hoàng Thị Thời (ngoài 50 tuổi), sống một mình, luôn ốm đau; gia đình anh Bùi Văn Năng, 54 tuổi, bản thân anh bị bệnh gan ốm yếu quanh năm, còn các con thì hết đứa này đến đứa kia đều thiểu năng, chỉ biết ăn nằm một chỗ, rồi chúng lần lượt ra đi.
Giờ chỉ còn một đứa thiểu năng nằm đấy và may mắn hơn là được một người con bình thường vừa mới vào đại học. Tiền học của con, tiền nuôi chồng ốm và đứa con tật nguyền đều một tay vợ anh cáng đáng... Cứ mỗi đợt bình xét hộ nghèo là tôi căng thẳng lắm, cả đêm suy nghĩ xem bầu thế nào cho hợp tình hợp lý”.
Xóm Tân Quang (xã Hoa Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An) có gần 200 hộ thì 40-50% hộ có thu nhập dưới 400.000 đồng/người/tháng nhưng cũng chỉ được “chia” 7 chỉ tiêu hộ nghèo. Ông Trần Xuân Thành - Trưởng xóm cho biết:
“Gia cảnh các hộ tương đối đều nhau nên Ban cán sự các xóm rất khó làm việc khi bình xét hộ nghèo. Theo công văn hướng dẫn, các hộ phải đạt số phiếu 50% của các thành viên trong xóm bình xét mới được đưa vào danh sách xét hộ nghèo. Chủ trương này bất cập bởi ai họ hàng đông thì sẽ được phiếu cao. Theo tôi, đã là hộ nghèo thì xóm có 1 hộ hay 10 hộ nghèo cũng nên công nhận. Xóm không có hộ nghèo thì không công nhận”.
Theo Thông tư 21 về hướng dẫn quy trình điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hàng năm do Bộ LĐTBXH ban hành ngày 5.9.2012, phiếu điều tra xác định hộ nghèo phải làm rõ tổng thu và tổng chi hoạt động kinh tế hộ trong 12 tháng. Tổng thu trừ đi tổng chi (chi phí sản xuất, tiêu dùng, các thiệt hại do mưa bão- trong đó tính cả thiệt hại về xây dựng cơ bản…) sẽ là thu nhập thực tế của hộ nghèo. Sau đó, các khoản kê chi tiết sẽ được đánh giá theo thang điểm và thực hiện chấm điểm để bình xét. Nếu tổng số điểm những hộ ở khu vực nông thôn lớn hơn hoặc bằng 43 điểm là hộ không nghèo không cần rà soát. Nếu tổng số điểm những hộ ở khu vực nông thôn nhỏ hơn 43 điểm là hộ có khả năng rơi nghèo, rơi cận nghèo. Các cán bộ điều tra tiếp tục rà soát và chuyển cho thôn bình bầu căn cứ vào các tiêu chí sau: 1. Thu nhập - Hộ nghèo: Có thu nhập bình quân/người/tháng là 400.000 đồng (khu vực nông thôn); 500.000 đồng (khu vực thành thị). - Hộ cận nghèo: Có thu nhập bình quân/người/tháng là 400.000 - 520.000 đồng (khu vực nông thôn); > 500.000 - 650.000 đồng (khu vực thành thị). 2. Tình trạng nhà ở của hộ (theo thứ tự ưu tiên) Chưa có nhà, nhà tạm, nhà bán kiên cố; nhà kiên cố. 3. Tình trạng gia đình, sức khỏe |
Theo Mai Khuê - Bùi Hương - Tiến Dũng (Dân Việt)