Cho người đồng tính chung sống: Nên không?


Hội thảo về quyền của LGBT trong quan hệ hôn nhân và gia đình
Hội thảo về quyền của LGBT trong quan hệ hôn nhân và gia đình
Việt Nam mới chỉ có những cặp người đồng tính chung sống với nhau như vợ chồng trên thực tế nhưng hoàn toàn chưa có thủ tục đăng ký riêng cho họ.

Liên quan đến đề xuất mới đây về việc cho phép người đồng tính tại Việt Nam "kết đôi dân sự", hôm nay (20/12), Bộ Tư pháp chủ trì hội thảo "kinh nghiệm quốc tế về bảo vệ quyền của LGBT (người đồng tính, lưỡng tính, chuyển giới) trong quan hệ hôn nhân và gia đình".
Ông Dương Đăng Huệ (Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự Kinh tế - Bộ Tư pháp) cho biết, có chấp nhận người đồng tính kết đôi dân sự hay không vẫn đang được Bộ Tư pháp nghiên cứu, lấy ý kiến của nhiều cơ quan và đề xuất.
Theo ông Huệ, chấp nhận người đồng tính kết đôi dân sự còn có ý nhĩa quan trọng là tạo cơ chế để giải quyết hậu quả sau hôn nhân. Tuy nhiên, còn nhiều vấn đề pháp lý cần phải nghiên cứu bàn thảo. Đó là phân định quyền lợi, nghĩa vụ đối với tài sản, con cái giữa các bên. Cặp đôi đồng tính có được nhận con nuôi hay không? Nếu chia tay, quyền nuôi con thuộc về ai?...
Ông Huệ cũng cho hay, vấn đề này vẫn đòi hỏi quá trình nghiên cứu lâu dài. Bộ sẽ mở nhiều cuôc hội thảo, tìm hiểu quy định liên quan vấn đề này ở các nước để có đề xuất phù hợp với Việt Nam.
 - 1
Hội thảo "kinh nghiệm quốc tế về bảo vệ quyền của LGBT (người đồng tính, lưỡng tính, chuyển giới) trong quan hệ hôn nhân và gia đình"
Để làm rõ hơn ý nghĩa "kết đôi dân sự", chúng tôi đã có cuộc trao đổi riêng với ông Nguyễn Hồng Hải (Trưởng phòng Pháp luật Dân sự - Vụ Pháp luật Dân sự Kinh tế - Bộ Tư pháp).
Xin ông giải thích khái niệm "kết hợp dân sự" và "sống chung có đăng ký"?
"Kết đôi dân sự" và "chung sống có đăng ký" thực chất là có chung một nghĩa.
Có 3 hình thức kết hợp. Trước hết là hôn nhân hợp pháp. Đây là hình thức có đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền, được Nhà nước thừa nhận, giữa các bên có quan hệ hôn nhân được sự bảo hộ đầy đủ quyền và nghĩa vụ trong hôn nhân được quy định trong luật hôn nhân.
Hình thức thấp hơn là "kết đôi dân sự" hay "chung sống như vợ chồng có đăng ký". Đây là dạng chung sống như vợ chồng không phát sinh hậu quả hôn nhân trước pháp luật. Pháp luật không bảo hộ đầy đủ quyền và nghĩa vụ giữa vợ chồng trong pháp luật.
Nhưng họ có quyền đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền. Nhà nước đưa ra thủ tục đăng ký cho họ.
Một trường hợp khác là chung sống như vợ chồng không đăng ký tức chỉ chung sống với nhau trên thực tế và thực hiện các hành vi đối với nhau trên thực tế. Quyền và nghĩa vụ do các bên tự thỏa thuận và giải quyết trong quá trình chung sống. Không thông qua một văn bản thỏa thuận nào.
Khi nảy sinh tranh chấp, tòa sẽ căn cứ vào yêu cầu của họ và thực tế mà quyết định quyền nghĩa vụ các bên. Thường trong trường hợp này, tòa sẽ áp dụng theo nguyên tắc dân sự. Ai đóng góp bao nhiêu thì được hưởng bấy nhiêu.
Ở Việt Nam, đối với cặp đôi đồng giới cũng như khác giới đã có hình thức "kết đôi dân sự" nói trên chưa?
Chúng ta mới chỉ cho phép duy nhất một hình thức là đăng ký kết hôn giữa cặp đôi khác giới.
Kết hợp dân sự là hình thức được một số nước trên thế giới chấp nhận. Theo đó, cặp đôi đồng giới hay khác giới đều có quyền đăng ký hình thức kết hợp dân sự. Ở Việt Nam, vấn đề này vẫn đang được nghiên cứu, đề xuất.
Việt Nam chưa hề có quy định này. Từ trước đến nay, tại Việt Nam, mới chỉ có những cặp người đồng tính chung sống với nhau như vợ chồng trên thực tế. Hoàn toàn chưa có thủ tục đăng ký riêng cho họ.
Xin ông phân tích rõ hơn những vấn đề pháp lý liên quan đến "kết đôi dân sự"?
Kết hợp dân sự nghĩa là hai người chung sống nhưng phải đăng ký đăng ký về thỏa thuận quyền đối với nhau. Trong quá trình chung sống, người ta phải thực hiện quyền, nghĩa vụ với nhau như thế nào về tài sản. Việc đăng ký nhằm công khai hóa quyền, nghĩa vụ với nhau trong quá trình chung sống đó.
Nếu sau quá trình chung sống mà chia tay, dẫn đến tranh chấp, phân chia tài sản thì thỏa thuận khi đăng ký là luật đối với chính họ. Tòa án căn cứ vào thỏa thuận đó để xác định tài sản phân chia, giải quyết tranh chấp và giải quyết quyền, nghĩa vụ các bên. Giống như một dạng hợp đồng đã có hiệu lực miễn là không vi phạm pháp luật.
Như ông nói, Việt Nam mới chỉ có những cặp người đồng tính chung sống với nhau như vợ chồng trên thực tế, chưa có thủ tục đăng ký riêng cho họ. Vậy kết hợp dân sự đem lại điều gì?
Kết đôi dân sự có một sự ràng buộc nhất định, tạo cơ chế thuận lợi cho các bên. Đây là hình thức một số nước đưa ra cơ chế mở để các bên ứng xử thuận lợi nhất cho cuộc sống của họ.
Khi các đôi không muốn kết hôn nhưng để thuận lợi cho cuộc sống chung, một số nước tạo thủ tục kết đôi dân sự. Qua đó nhằm công khai hóa thỏa thuận. Và khi công khai hóa, họ sẽ được pháp luật bảo hộ. Khi đã công khai như vậy thì ai cũng phải thực hiện, không thể chối từ, vô trách nhiệm được.
Còn nếu không đăng ký, mọi quyền, nghĩa vụ tự các bên biết với nhau. Và khi chia tay, ra tòa, đôi khi người liên quan sẽ bất lợi. Vì tòa chỉ căn cứ thực tế. Bởi khi đó, có thể thực tế cho thấy một người làm ra nhiều tài sản và một người không làm ra tài sản.
Phân chia sẽ dựa trên nguyên tắc đóng góp bao nhiêu được hưởng bấy nhiêu. Khi đã đăng ký, tòa không quan tâm thực tế các bên sống thế nào, đóng góp nhiều hay ít không quan trong. Tòa chỉ dựa vào văn bản thỏa thuận.
Tiến sĩ Lê Hồng Sơn (Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật - Bộ Tư Pháp) nhận định, hiện nay nhiều người vẫn giữ quan niệm cũ, kỳ thị người đồng tính. Nhưng đây là một thực tế, là nhu cầu tâm tư, tình cảm của một bộ phận công dân dù rất ít. Tuy nhiên, Nhà nước có chấp nhận hay không, chấp nhận như thế nào vẫn là điều còn phải tính toán.
Bởi nếu chấp nhận, phải tính đến dư luận xã hội, của phong tục, văn hóa truyền thống. Nếu công nhận kết hôn đồng giới hay kết đôi dân sự đồng giới, dư luận xã hội chắc chắn chưa dễ chấp thuận, chưa thông cảm. Đây là câu chuyện mà các cơ quan nhà nước, quốc hội sẽ còn phải tính toán, cân nhắc nhiều.
Cảnh Kiên(khampha.vn)