Gia đình em T. nằm trong diện hộ nghèo của xã
Thông tin em T. (học sinh lớp 2 Trường Tiểu học Trung Lập Thượng, huyện Củ Chi, TP.HCM) do bị cô giáo nghi ngờ lấy trộm của cô hơn 1 triệu đồng nên bị giải về công an xã lấy cung làm dư luận bất bình.
Đáng nói là không chỉ có T. mà còn có cả anh của T. đang học tiểu học cũng bị giữ ở xã suốt buổi trưa để công an xã điều tra. Đến chiều hai em mới được thả ra sau khi cô giáo nhận ra tiền vẫn còn trong giỏ của mình.
Sáng 25/12, PV đã tìm đến căn chòi mà hai anh em T. cùng bà ngoại đang ở tại tổ 6, ấp Trung Hiệp Thạnh (xã Trung Lập Thượng, TPHCM). Khi thấy người lạ đến, anh em T. cứ né ra phía sau căn chòi ngồi. T. không nói gì nhiều, chỉ cúi đầu trả lời “không” hoặc “sợ”… Còn anh của T. thì nói: “Công an hỏi cháu có nhận tiền từ T. đưa không, nếu có thì trả lại nhưng cháu không biết gì cả”. Lúc em nói “công an hăm đánh cháu”, lúc bảo “không có dọa đánh”. Bà ngoại hai em kể: “Ba má hai đứa đã bỏ nhau, giờ ai cũng có gia đình riêng. Trước giờ hai đứa sống với tôi. Hôm nào khỏe tôi đan liếp kiếm ít chục ngàn lo bữa ăn cho ba bà cháu… Chuyện xảy ra cũng đã lâu (hôm 26/11) nhưng nay tôi vẫn thấy không vui. Tại sao họ không đợi tôi về rồi hãy hỏi han để hai cháu đỡ tủi thân?”.
Trường tiểu học Trung Lập Thượng - nơi xảy ra sự việc
Theo luật định, đối với con chưa thành niên thì cha, mẹ là người đại diện theo pháp luật. Tại sao công an xã lại “tra khảo” hai trẻ khi không có cha, mẹ trẻ? Trường hợp cha, mẹ T. không sống tại địa phương, vì sao công an xã không mời bà ngoại là người đang trực tiếp nuôi dưỡng hai cháu đến làm việc?
Chúng tôi đã tìm đến công an xã để làm rõ vụ việc nhưng “lãnh đạo đều đi họp”.
Bà Lê Thị Phương Hồ, Bí thư xã Trung Lập Thượng, chỉ cho biết: “Khi nghe tin cô giáo đã tìm được tiền, chúng tôi tổ chức ngay cuộc họp với ban giám hiệu nhà trường, cô giáo, lãnh đạo công an xã. Tất cả những người này đều phải làm bản tường trình và chúng tôi đã tiến hành kiểm điểm rút kinh nghiệm. Chúng tôi đã yêu cầu cô giáo phải trực tiếp đến nhà của cháu T. để xin lỗi và cô giáo đã thực hiện. Đại diện lãnh đạo xã cũng có đến xin lỗi T. và gia đình”.
Bà Hồ giải thích thêm: “Sự thực thì không có việc công an xã đã lấy cung, áp giải anh em cháu T. từ trường học về trụ sở công an xã. Trước đây, cháu T. đã có vài lần lục túi xách người khác để lấy trộm tiền. Những lúc như vậy, một công an viên ở gần nhà T. đã lựa lời khuyên cháu. Và cháu đã nghe lời đi đến chỗ giấu tiền lấy trả lại cho người bị mất. Lần cô giáo nói mất tiền, có học sinh đã chỉ cháu T. lấy và bản thân cháu T. cũng thừa nhận mình đã lấy. Do vậy, công an viên trên đã đưa cháu về trụ sở để thuyết phục. Vì công an xã suy luận chủ quan và có những hành động vội vàng nên mới để xảy ra việc không hay như trên”.
Sẽ xin lỗi trước giáo viên và học sinh
Theo bà Lê Thị Phương Hồ: “Trước đây bà P.T.T. (bà ngoại em T.) cũng có nhà đàng hoàng ở gần căn chòi hiện tại, khi đó bà ở chung với hai anh em T. và con trai út. Tuy nhiên, cách đây hơn hai năm, do gia đình không hòa thuận, bà T. đã tách ra ở riêng.
Căn chòi của ba bà cháu trống trước trống sau (Ảnh: Thành Nhân - Pháp luật TPHCM)
Từ đó hộ của bà P.T.T. là hộ nghèo của xã. Hằng năm đến ngày khai giảng, xã đều tặng tập cho hai anh em T. đi học. Cuối năm học 2011-2012, Th. - anh trai của T., cũng được xã trao học bổng khuyến học (500.000 đồng). Ngoài ra dịp lễ, tết xã đều tặng quà cho hộ gia đình bà T.”. Bà Hồ còn cho biết thêm: “Chúng tôi đang cố gắng vận động để xây dựng nhà tình thương cho hộ gia đình này. Cái khó khăn của xã là hiện tại còn đến 19 hộ gia đình đặc biệt khó khăn, tức là còn khó khăn hơn cả hộ gia đình bà P.T.T.”.
Qua câu chuyện, bà Lê Thị Phương Hồ nói rằng chính quyền xã rất quan tâm đến anh em T.: “T. học chậm, mặc dù năm nay đã lên lớp 2 nhưng vẫn chưa đọc rành chữ. Dù vậy em viết chữ rất đẹp và có thể làm toán được. Chúng tôi đang tìm một ngôi trường nào đó phù hợp hơn với điều kiện hiện tại của T.. Cụ thể là T. đang cần sự hỗ trợ đặc biệt của giáo viên để phát triển ngôn ngữ tiếng nói. Nếu tìm được môi trường học tập thích hợp, chúng tôi sẽ vận động mạnh thường quân để hỗ trợ về kinh phí cho em đi học vì năm nay em đã 11 tuổi”.
Trao đổi với PV, ông Lê Hùng Sen - trưởng Phòng GD-ĐT huyện Củ Chi, thông tin: “Phòng đã chỉ đạo nhà trường phải tổ chức xin lỗi học sinh trước toàn thể giáo viên, học sinh của trường (như ý kiến của các chuyên gia tâm lý và nhà quản lý giáo dục đã đề cập, chúng tôi thấy phù hợp nên làm theo). Riêng cô giáo Th. thì phải làm kiểm điểm và sẽ bị phê bình trước hội đồng sư phạm nhà trường, chứ làm như sự việc vừa rồi thấy xấu hổ quá”.
Trong khi đó bà Ngô Thị Mai - hiệu trưởng Trường tiểu học Trung Lập Thượng, khẳng định: “Nhà trường sẽ tập hợp tất cả học sinh và giáo viên vào sáng thứ năm tuần này (ngày 27/12) để xin lỗi hai anh em T.. Chúng tôi sẽ trình bày sự việc một cách rõ ràng để toàn trường được biết. Bên cạnh đó, trường cũng sẽ phát động phong trào giúp bạn trong học sinh để giúp đỡ anh em T.”.
Họ đã nói Đối với trẻ em, việc lấy lời khai cần có cha, mẹ hoặc người giám hộ để chứng kiến, tránh làm cho trẻ lo sợ. Trong vụ việc này, khi các thông tin còn chưa rõ ràng mà nhà trường đã vội báo cho công an đến rồi đưa cháu về trụ sở mà gia đình không hề hay biết. Cả nhà trường lẫn công an đều đã làm sai. Sau vụ bé Trâm ở Đồng Tháp bị công an hỏi cung (do nghi trộm chưa tới 50.000 đồng) và sau đó bị hoảng loạn, không đi học được, mong là các cơ quan liên quan nên lấy đó làm bài học để hạn chế gây ra hậu quả không hay tiếp theo cho các trẻ. Luật sư Nguyễn Thị Hồng Liên |
(Theo Pháp luật TPHCM - Tuổi trẻ)