Khi “cò” bắt tay bác sỹ



Bệnh viện K treo bảng cảnh báo các “cò” ngay cổng ra vào
Bệnh viện K treo bảng cảnh báo các “cò” ngay cổng ra vào
Hầu như tại các bệnh viện lớn của Hà Nội, nơi nào cũng có loa thông báo, đọc ra rả những thủ đoạn lừa của “cò” để bệnh nhân phòng tránh. Thậm chí ngay như Bệnh viện K trên phố Quán Sứ (BV K) còn có cả một bảng tin hoành tráng treo ảnh công khai để điểm mặt, chỉ tên những “cò” cộm cán chuyên làm dịch vụ “khám nhanh”. Thế nhưng, điều đáng buồn là tất cả những hình thức ấy cũng chỉ để cho có. “Cò” vẫn tồn tại và không hề giảm. Vì sao?
Ai cũng muốn nhanh
Sau nhiều ngày lang thang ở BV K để tìm hiểu quy trình hoạt động của “cò”, không cần mất quá nhiều thời gian và các cách thức tiếp cận, chúng tôi dễ dàng nhận diện ngay “cò” chỉ qua vài câu xã giao với đám “xe ôm” vốn lúc nào cũng thường trực trước cổng. Nếu như với “dịch vụ khám nhanh” do các “cò” dẫn mối, bệnh nhân nào chấp nhận chi tiền “bồi dưỡng bác sỹ” sẽ được thăm khám ngay lập tức thì những bệnh nhân đi theo con đường chính tắc sẽ phải chầu chực mất cả ngày. Cá biệt, có người phải mất đến vài ba ngày. Phần lớn, những người bệnh đến từ tỉnh ngoài ấy từ tờ mờ sáng đã phải đến bệnh viện xếp hàng lấy số.
Anh Nguyễn Mạnh Hưng (SN 1970, quê ở thị trấn Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh) rầu rĩ kể lại, vợ anh đi khám ở bệnh viện tỉnh, bác sĩ phát hiện có hạch ở cổ, qua xét nghiệm nghi bị ung thư. Vợ chồng anh vội vàng thu xếp tiền, đi xe khách lên thẳng BV K để khám. Đến khám vào lúc nửa buổi, bệnh viện lại chật kín bệnh nhân nên việc đăng ký, lấy số khám bệnh bị lỡ. Cũng may, anh Hưng được một bệnh nhân khác mách nước: “Tốt nhất là hôm sau dậy sớm. Đến xếp hàng từ 5h30 sáng, may ra mới đến lượt”. Ở đất Hà Nội vốn lạ nước lạ cái, anh Hưng đành nghe theo và ra về. Hôm sau, đúng giờ anh chị có mặt tại cổng bệnh viện và quả nhiên đến lượt thật. Nhưng oái oăm ở chỗ, khi khám xong, bác sĩ hướng dẫn đi nộp tiền để làm các thủ tục tiếp theo thì vợ chồng anh Hưng lại gặp phải không ít những khó khăn khác. Loay hoay hơn hai ngày trời mà vợ anh vẫn chưa khám xong.
 - 1
Bệnh viện K treo bảng cảnh báo các “cò” ngay cổng ra vào
Ông Phùng Văn Lương (SN 1964, ở Vĩnh Phúc) cũng bị bệnh viện tỉnh chẩn đoán mắc phải căn bệnh ung thư phổi. Hôm người nhà đưa xuống BV K, ông được một phụ nữ khoảng 50 tuổi tiếp cận và ngỏ ý giúp làm thủ tục “khám nhanh”. Tuy nhiên, để được khám nhanh, cứ mỗi lần làm thủ tục, chị ta đều bảo người nhà bỏ vào quyển sổ khám bệnh 200 nghìn đồng rồi chị ta tự chen vào xếp hàng làm thủ tục. Ông Lương bảo: Có lần cũng được việc nhưng cũng có lần chị ta vừa xuất hiện liền bị bác sĩ đuổi thẳng ra ngoài. Để khám nhanh, tôi đã mất hơn 1 triệu đồng cho “cò”.
Để thâm nhập tìm hiểu hoạt động của “cò” bệnh viện này, sáng 20/12, trong vai bệnh nhân, vẫn với cái tên là Lâm Ngọc Huy (31 tuổi, ở xã Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm), tôi đến quầy mua sổ và lấy số khám bệnh. Sau khi có được số khám 68, tôi được bác sĩ hướng dẫn lên phòng 2 tầng 2 để khám. Vừa bước lên khỏi cầu thang, tôi chứng kiến có khoảng gần trăm bệnh nhân đang ngồi chờ đến lượt. Lúc này, trên cửa phòng khám mới hiện đến số 34 và nếu tôi chờ đến lượt được khám có lẽ phải sang buổi chiều. Trong khi còn rất nhiều bệnh nhân phải chờ như thế thì có những bệnh nhân khác lại thập thò ngoài cửa rồi tự ý đi vào, chẳng tuân theo quy tắc nào. Vậy họ là ai?
Có tiền, cửa nào cũng mở
Giả bộ với khuôn mặt “sầu thảm”, tôi lững thững bước ra phía cổng ghé tai một nhân viên bảo vệ ngỏ ý nhờ làm “dịch vụ khám nhanh” nhưng bị anh ta lắc đầu từ chối. Nghe thấy tôi muốn khám nhanh, một người đàn ông làm nghề “xe ôm” tiến lại hỏi: “Anh muốn khám nhanh à, chờ tí để em vào xem thế nào”. Nhưng khi anh ta quay ra hết nhìn tôi từ đầu đến chân rồi lại lắc đầu, hôm nay không ai làm cả.
Thoáng hiểu quy trình hoạt động của “cò” tại đây, tôi tiến lại chỗ người đàn ông khác cũng hành nghề “xe ôm” bắt chuyện và “phát sóng” bắt đầu với lời than: “Chán quá! Thôi đi về chiều đến khám vậy”. Nghe thế, bác “xe ôm” hỏi, muốn khám nhanh chứ gì, chờ để tôi gọi con mụ béo làm cho. Sau một hồi nhiệt tình đi tìm nhưng không gặp, quay lại chỗ để xe anh này rút điện thoại ra gọi. Vài phút sau, một phụ nữ to béo tên là Bảo độ ngoài 50 tuổi xuất hiện. “Cò” này đon đả hỏi tôi khám gì. Lướt qua nội dung tờ phiếu thu tiền khám bệnh của tôi “cò” Bảo chìa tay bảo tôi đưa cho chị ta 200 nghìn đồng rồi nói: “Chị một trăm còn bác sĩ một trăm”.
Ra vẻ nghi ngờ, tôi hỏi lại, “chị có đưa em lên khám nhanh được không hay lại phải chờ”? Chẳng để tôi nói thêm câu nào, chị ta “bắn” như pháo nổ: “Yên tâm, khám nhanh, cần gì chị phải lên, em cứ đi lên rồi kẹp tờ một trăm này hở ra một tý, vào phòng và bảo, chị Mai Anh ơi, em là người nhà chị Mùi cơ sở 3. Cứ lên đi, chị sẽ gọi điện lên là người ta khám cho luôn”. Nhận tiền xong, “cò” Bảo dặn tôi: “Chú em lên phòng số 1 chứ không vào phòng số 2. Hai bên như nhau cả. Cứ lên đi, ngồi ngay bên ngoài có một y tá còn bên trong là bác sĩ. Em vào thẳng, đưa nguyên như thế này cho bác sĩ. Xong xuống đây chị lại hướng dẫn tiếp”. Chờ người phụ nữ vừa dứt câu, bác “xe ôm” ban nãy lập tức xen vào: “Công anh giúp chú, cho xin 2 chục” (20 nghìn đồng - PV).
Đúng theo lời của “cò” Bảo, tôi tự tin bước vào phòng khám. Lúc này đang có 2 bệnh nhân chờ khám nhưng sự xuất hiện của tôi chẳng làm cho bác sĩ phải khó chịu. Chờ một bệnh nhân khám xong, tôi tiến lại đưa quyển sổ cho bác sĩ và đọc nguyên văn “khẩu quyết” cò Bảo dặn khi nãy: “Em ở chỗ chị Mùi”. Lật quyển sổ cùng với “phiếu khám”, bác sĩ này vui vẻ mời tôi ngồi, đồng thời quay sang với cô y tá tên Mai: “Hướng dẫn em này nộp tiền cho chị nhé”. Khám xong, vị bác sĩ hỏi trống không: “Chỗ chị Mùi à?”. Rồi không đợi tôi trả lời, vị bác sỹ nhắc cô y tá tên Mai viết giấy cho tôi đi nội soi. Sự việc diễn ra quá nhanh và thuận lợi, tôi vội chào bác sĩ rồi thủng thẳng bước ra khỏi phòng khám. Bỏ lại hàng chục bệnh nhân vẫn chầu chực chờ đến lượt, tôi quay ra gặp lại “cò” Bảo. Viện lý do công ty gọi điện về gấp để chở hàng lên miền núi cho kịp dịp Tết dương lịch nên hôm sau sẽ về nhờ “cò” giúp cho dịch vụ “khám nhanh”. Trước khi chia tay, “cò” không quên ghi cho tôi số điện thoại 09151388XX và tiếp thị: “Ở viện này, chú cần bất cứ thứ gì, cứ alô cho chị. Gi gỉ gì gi, cái gì chị cũng làm được tất”.
(Còn nữa)
Theo Quang Trường - Nguyễn Long (An ninh thủ đô)