Đây là chủ đề hiện đang được các nhà làm phim Hàn Quốc hết sức quan tâm.
1. Lạm dụng tình dục trẻ em - Từ thực tế xã hội lên phim ảnh
Một trong những vấn nạn nhức nhối của xã hội hiện đại chính là hiện tượng bạo lực tình dục trẻ vị thành niên. Tại Hàn Quốc, số liệu thống kê chính thức cho thấy các vụ án cưỡng bức trẻ em đang ngày một tăng lên. Nhưng điều đáng nói hơn cả là hàng loạt kẽ hở của hệ thống tư pháp đã góp phần tiếp tay cho hung thủ.
Vì nhiều lý do khác nhau, không hiếm vụ án đã chìm vào im lặng, hoặc nếu điều tra ra thì kẻ phạm tội cũng chỉ bị cảnh cáo. Trong khi đó, người bị hại vẫn tiếp tục phải chịu ám ảnh trong 1 thời gian dài về sau, thậm chí có thể là cả cuộc đời. Bên cạnh nỗi đau đớn về thể xác, nạn nhân còn bị khủng hoảng về mặt tinh thần từ nhẹ nhàng đến nặng nề, kéo theo khả năng học tập và hòa nhập trở lại với gia đình và xã hội giảm sút trầm trọng.
Phản ánh chân thực và cất tiếng nói tố cáo thực trạng đáng buồn trên là nhiệm vụ của bộ môn nghệ thuật thứ 7. Các nhà làm phim xứ Hàn đang làm tốt vai trò của mình khi liên tiếp đưa ra công chúng hàng loạt tác phẩm mang đậm tính hiện thực.
Trường hợp nổi bật nhất thời gian qua chính là movie Don't Cry Mommy do 2 ngôi sao trẻ Nam Bo Ra và Dong Ho - thành viên nhóm nhạc U-Kiss thủ vai chính. Đây là bộ phim dựa trên câu chuyện có thật, xảy ra với 1 thiếu nữ 15 tuổi tại Miryang, Nam Gyeongsang vào năm 2004. Điều đáng buồn là chỉ có 10 trên tổng số 44 tên tham gia bị tống vào trại cải tạo. Và bọn chúng đều trở lại cuộc sống bình thường đúng 1 năm sau, trong khi nạn nhân đã phải bỏ học.
Khi đưa lên màn ảnh rộng, các nhà làm phim đã đẩy sự bức xúc của khán giả tới cực điểm bằng việc để Eun Ah (Nam Bo Ra) tự sát do không chịu nổi cú sốc quá lớn, còn những kẻ hãm hại cô lại được tha vì chưa đủ tuổi thành niên. Hành động trả thù cho con gái của người mẹ được cho là một cách hình tượng hóa sự phẫn nộ của xã hội với những kẻ mất nhân tính.
Cũng lấy đề tài tương tự song cách khai thác của Dirty Blood có phần còn trần trụi và tàn khốc hơnDon't Cry Mommy. Nội dung phim là hành trình báo thù đẫm máu của con gái với chính bố ruột - kẻ đã cưỡng bức mẹ mình khi bà còn trẻ. Nỗi đau đớn cùng tuyệt vọng khi biết được bí mật về sự tồn tại của bản thân đã tàn phá linh hồn In Seon (Yoon Joo), biến một con người trẻ tuổi thành quỷ dữ.
Chuyển sang màn ảnh nhỏ, đây cũng là một chủ đề nóng hổi không kém. Trong I Miss You, sự cố bị cưỡng bức năm 15 tuổi không chỉ hủy hoại tình yêu đầu đời của Soo Yeon (Kim So Huyn) với Han Jung Woo (Yeo Jin Goo), mà còn đưa cuộc đời cô rẽ ngoặt sang 1 hướng khác. Không những thế, 14 năm sau ngày xảy ra bi kịch, cơn ác mộng vẫn chưa buông tha cô gái trẻ khi Soo Yeon một lần nữa giáp mặt với hung thủ.
Người phát ngôn đoàn phim cho biết: "Đây là bộ phim phản ánh sự yếu kém của hệ thống pháp luật Hàn Quốc trong việc trừng phạt tội phạm tình dục và bảo vệ nạn nhân. Việc 1 thiếu nữ bị cưỡng bức hẳn không phải là chủ đề "dễ nuốt" với khán giả, nhưng mọi người có thể sẽ thấy khá hơn khi chứng kiến quá trình Soo Yeon cùng người thân hồi phục và chữa lành vết thương lòng năm nào".
2. Đâu là giới hạn của sự phản ánh chân thực?
Với nội dung quá u ám và đẫm máu, Dirty Blood đương nhiên bị giới hạn độ tuổi người xem và chỉ được chiếu ở quy mô nhỏ. Nhưng Don't Cry Mommy thì vẫn được công chiếu rộng rãi dù trước đó, phim cũng được đánh giá là chỉ dành cho người trưởng thành. Nguyên nhân là bởi các nhà sản xuất đã đồng loạt phản đối nhận định trên, họ cho biết mục đích của bộ phim là nhắm tới đối tượng thanh niên.
Tuy nhiên, với phim truyền hình, thể loại vốn gần như không hạn chế đối tượng người xem thì vấn đề này thực sự không đơn giản. Khi tập 3 I Miss You lên sóng với tình tiết nhân vật Soo Yeon bị cưỡng bức, nhà đài MBC đã phải đối mặt với cơn bão chỉ trích từ khán giả lẫn giới truyền thông trong nước.
“Liệu cảnh quay cưỡng bức có thật sự cần thiết được mô tả trong phim như vậy không?” - câu hỏi đã được đặt ra cho bộ phận kiểm duyệt và biên tập phim. Về điều này, đại diện nhà sản xuất trả lời rằng: “Trước khi lên sóng, chúng tôi cũng đắn đo rất nhiều lần về việc có nên cắt bỏ phân đoạn này hay không. Nhưng cuối cùng, chúng tôi vẫn giữ lại để bộ phim tăng tính thuyết phục. Đó cũng chẳng phải cảnh quay trực tiếp mà chỉ là kỹ xảo thôi”.
Dù vậy, phần đông ý kiến đều cho rằng phân đoạn này quá tàn nhẫn và gây ảnh hưởng xấu đến tâm lý những khán giả nhỏ tuổi xem phim cùng gia đình. Đó là chưa kể việc phải thể hiện 1 cảnh quay nhạy cảm như vậy còn tác động hết sức tiêu cực đến tinh thần các diễn viên ở độ tuổi chưa thành niên.
Bản thân diễn viên nhí Kim So Hyun từng viết trên Twitter: "Mọi người xem phim chắc bị sốc lắm! Tuy cảnh quay không được thể hiện trực tiếp nhưng để miêu tả chân thực cảm xúc của nhân vật, tôi đã cảm thấy rất mệt mỏi. Hy vọng sẽ không có chuyện như thế này xảy ra ngoài đời thực".
Trong khi đó, tại buổi họp báo Don't Cry Mommy, nữ diễn viên trẻ Nam Bo Ra - người đóng vai cô bé bị hãm hại - đã rơi nước mắt đầy nghẹn ngào khi nghĩ tới số phận nhân vật: “Lúc diễn cảnh bị đám nam sinh làm nhục, tôi đã hiểu được nỗi đau trong trái tim của những cô gái bị hại lớn tới mức nào. Bản thân tôi có thể gián tiếp cảm nhận nỗi đau đớn đó"...
Vậy đâu là ranh giới giữa phản ánh chân thực và trách nhiệm về chuẩn mực đạo đức cùng sự xem xét thấu đáo những tác động tiêu cực đến khán giả và diễn viên khi đưa những cảnh quay tranh cãi đó lên màn ảnh? Đây hẳn là bài toán không dễ trả lời dành cho các nhà sản xuất bởi suy cho cùng, chính sự ám ảnh từ những thước phim ấy mới có giá trị lên án hiện thực rõ ràng nhất.
Xin được mượn thông điệp mà Kim Yong Han - đạo diễn Don’t Cry Mommy - gửi đến khán giả để kết lại bài viết này: "Lạm dụng tình dục giống như sự tàn phá linh hồn của một con người, nhưng gần như không có ai hiểu được nỗi đau của nạn nhân. Thông qua bộ phim, tôi đã cố gắng mô tả cuộc sống bi thảm của người bị hại và gia đình họ một cách sống động nhất có thể. Vì tôi muốn nâng cao nhận thức của đám đông về tội phạm tình dục".