Ông Phạm Văn Đức
Liên quan việc một lãnh đạo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn (KTTV) trung ương (thuộc Trung tâm KTTV quốc gia) cho rằng thông tin về nhiệt độ ở Hà Nội phát trên bản tin của Đài truyền hình VN (VTV) lúc 6h15 ngày 7/1 không phải là số liệu chính thức của ngành khí tượng, PV đã trao đổi với những người có trách nhiệm.
Thông tin thời tiết ở bản tin VTV buổi sáng khác thực tế:
Theo một cán bộ của Trung tâm Dự báo KTTV trung ương, về mặt kỹ thuật, nhiệt độ bao nhiêu phải chính xác đo bằng máy ở trong lều khí tượng (cách mặt đất 1m, không có gió và ánh sáng tác động). Tuy nhiên, bản tin sáng 7/1 VTV phát nhiệt độ ở Hà Nội là 9,80C nhưng kết quả đo ở các trạm khí tượng trong ngày không hề có mức nhiệt độ đó. Lúc đó 7g tại Láng là 10,40C. Vì vậy, nhiệt độ phát trên truyền hình không phải do cơ quan khí tượng cung cấp.
“Phía VTV nêu lý do là họ cần có nhiệt độ thực tế để cung cấp cho các sở GD-ĐT, từ đó các sở có cơ sở cho học sinh nghỉ học. Do đó, họ lấy kết quả quan trắc lúc 4h rồi gia giảm thêm chứ nhiệt độ thực chất không phải thế”. Riêng chuyện cung cấp thông tin thời tiết để phục vụ cộng đồng mà tính phí qua tin nhắn thì theo vị này là “không ổn”. “Tốt nhất là không nên kiếm tiền trong việc cung cấp thông tin thời tiết cho người dân” - vị này nói.
Ông Phạm Văn Đức
Cũng theo vị cán bộ này, hiện nay Trung tâm Dự báo KTTV trung ương chỉ cung cấp thông tin dạng hợp đồng dịch vụ các bản tin dự báo thời tiết cho đối tác. Còn cung cấp thông tin nhiệt độ thực tế thì chưa thu phí. Còn các đài truyền hình cam kết không phát quảng cáo trong bản tin thời tiết thì ngành KTTV nên cung cấp miễn phí thông tin dự báo.
Có sai số kỹ thuật Trong chương trình thời sự 19h ngày 14/1, VTV1 đã có bản tin giải thích rõ hơn cho người dân biết về quy trình thu thập thông tin thời tiết và cơ chế phối hợp giữa VTV và các cơ quan liên quan. Theo VTV, trong đợt rét vừa qua, việc cung cấp thông tin về nhiệt độ ngoài trời vào thời điểm 6g15 hằng ngày (để giúp ngành giáo dục xác định nhiệt độ trong việc cho học sinh nghỉ hay đi học - PV) là công việc không hề đơn giản. Để có được thông tin, người làm dự báo vừa phải đo đạc số liệu vừa phải chuyển số liệu về nơi phát thông tin gần như ngay lập tức. Với công nghệ hiện tại thì thông tin này có độ trễ nhất định cũng như sai số tại vị trí quan trắc khác nhau. |
Về những vấn đề liên quan, ông Phạm Văn Đức - phó tổng giám đốc Trung tâm KTTV quốc gia - cho biết:
- Sáng 14/1, chúng tôi đã trao đổi với VTV và thống nhất với nhau một số phương án trước sự việc này.
* Thưa ông, vậy có sự khác nhau về thông tin nhiệt độ phát trên VTV và thông tin từ Trung tâm KTTV quốc gia hôm 7/1?
- Thứ nhất, nhiều khi các bạn bên đó gọi điện trực tiếp đến các trạm quan trắc khí tượng để lấy thông tin đo thực tế và không có sự đồng nhất về mặt thời gian. Nhiệt độ lấy giữa lúc đo và thời điểm phát sóng có chênh lệch thời gian nên có sự khác nhau giữa thực tế và thông tin vào thời điểm phát. Chúng tôi đã bàn phương cách, phương thức giải quyết để người dân có thể hiểu được thông tin đó thế nào để sử dụng. Hiện nay theo quy chế, các trạm quan trắc khí tượng đo nhiệt độ buổi sáng vào 4g và 7g nên muốn đo vào giờ theo yêu cầu phải có quy định riêng để các trạm đo.
* Hiện có những chương trình hướng dẫn người dân nhắn tin để nhận thông tin thời tiết. Vậy trong cơ chế cung cấp thông tin bên KTTV với truyền hình có phí dịch vụ cung cấp thông tin?
- Có hợp đồng nhưng mức phí không đáng bao nhiêu, chủ yếu để đảm bảo tính trách nhiệm cung cấp thông tin cho họ là chính. Còn các thông tin về bão, lũ, thời tiết nguy hiểm thì phát theo quy chế của Chính phủ.
* Các công ty truyền thông cũng làm các bản tin thời tiết phát trên truyền hình. Việc cung cấp thông tin dự báo thời tiết cho các đơn vị có tính phí không?
- Nếu họ làm việc với chúng tôi thì phải có phí. Nhưng không phải họ chỉ ký hợp đồng với mỗi Trung tâm Dự báo KTTV trung ương mà có thể sử dụng nhiều luồng thông tin khác. Đến giờ chúng tôi cũng không kiểm soát được. Có thể các đài KTTV khu vực, tỉnh cũng cung cấp thông tin cho các đơn vị trên.
Theo Tuấn Phùng (Tuổi Trẻ)