Quá tải, dịch vụ kém là những lý do khiến bệnh nhân chê bệnh viện trong nước
Đó là con số do Bộ Y tế công bố mới đây. Theo đó, những năm gần đây, mỗi năm có khoảng 40.000 người dân Việt Nam ra nước ngoài khám chữa bệnh, tiêu tốn khoảng 1 tỷ USD/năm.
Tuy nhiên, theo Bộ Y tế, đây mới chỉ là thống kê trên sổ sách, thực tế con số này có thể lớn hơn nhiều lần. Ngoài Singapore là điểm đến số 1 của người bệnh Việt Nam như nhiều năm trước, hiện nhiều người Việt còn chọn Hàn Quốc, Thái Lan, Mỹ,... là nơi khám, chữa bệnh.
Lý do khiến nhiều bệnh nhân, nhất là ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, chấp nhận chi phí cao khi xuất ngoại là do ngại cảnh nằm điều trị chật chội, không tin vào tay nghề của bác sĩ trong nước và do tâm lý… sính ngoại.
Báo cáo cũng nêu rõ, thực tế việc xuất ngoại trị bệnh rất tốn kém nhưng không phải lúc nào cũng đáng đồng tiền bát gạo, nhiều người phải về nước “khắc phục hậu quả”.
Cùng một kĩ thuật, loại bệnh cần điều trị nhưng chi phí điều trị ở Singapore gấp 4 - 5 lần tại Việt Nam, như: thay khớp hang (trong nước tốn khoảng 90 triệu đồng, còn tại Singapore là 570 triệu đồng); phẫu thuật nọi soi khớp (trong nước tốn 50 triệu đồng, Singapore tốn 320 triệu đồng); phẫu thuật tim hở (trong nước chỉ tốn khoảng 70 - 95 triệu đồng, Singapore phải mất đến 450 triệu đồng); phẫu thuật tim kín (trong nước chỉ từ 45 - 65 triệu đồng, điều trị tại Singapore mất đến 380 triệu đồng... Trong khi đó, những kĩ thuật này, các bác sĩ Việt Nam hoàn toàn có thể làm chủ.
Quá tải, dịch vụ kém là những lý do khiến bệnh nhân chê bệnh viện trong nước
TS.BS Trần Hải Yến, Phó Giám đốc Bệnh viện Mắt TP.HCM, cho biết người Việt Nam đi chữa bệnh ở nước ngoài hầu hết là những người thuộc tầng lớp có thu nhập cao của xã hội. Thực tế, tại các nước phát triển, cơ sở y tế của họ không chỉ cung cấp dịch vụ chuyên môn mà còn tạo ấn tượng và sự hài lòng về dịch vụ chăm sóc khách hàng,... Tuy nhiên, khám chữa bệnh ở nước ngoài chưa thật sự hoàn hảo bởi có những trở ngại nhất định. Đó là rào cản ngôn ngữ làm cho người bệnh có nguy cơ chưa thông về lợi ích điều trị, các biến chứng trong và sau phẫu thuật, tái khám chi phí tăng cao do phải bay đi bay về,... Nếu có những khiếu nại thì khả năng khiếu kiện thấp do chi phí luật sư cao và không thông hiểu pháp luật nước sở tại.
Trong khi đó, nhiều bệnh nhân ở nước ngoài lại “ngược dòng” qua Việt Nam khám chữa bệnh, thậm chí chữa cả bệnh nan y, hiếm gặp trên thế giới.
Bác sĩ có tay nghề cao, cùng chi phí rẻ đã thu hút được lượng bệnh nhân ở nước ngoài. Đơn cử tại khoa Hiếm muộn Bệnh viện phụ sản Từ Dũ, số lượng Việt kiều và người nước ngoài đến khám cũng liên tục tăng, chiếm khoảng 5- 10% trong số trên 1.300 ca hiếm muộn mà bệnh viện thực hiện mỗi năm. Tại khoa Hiếm muộn Bệnh viện An Sinh (TP.HCM), trong năm 2011 đã có 101 cặp vợ chồng từ nước ngoài đến điều trị vô sinh. Trong đó, 50% đến từ các nước Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Nga, Kenya, Tanzania…
Không chỉ có bệnh nhân là người nước ngoài đến Việt Nam chữa bệnh mà tại các Bệnh viện Chợ Rẫy, ĐH Y dược TP.HCM mỗi năm đón ít nhất 20 bác sĩ đến từ các nước Đông Nam Á sang học các kỹ thuật mới về nội soi tiêu hóa, tim mạch, nhi,...
Tây Đô(khampha.vn)