Hoạt động vận tải đang tồn tại nhiều bất cập
Hoạt động vận tải nhỏ lẻ, manh mún lại được quản lý theo kiểu thủ công, đã và đang để lại những hậu quả cho xã hội. Để giải quyết tốt thực trạng này, Tổng cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN) đang xây dựng Đề án đổi mới quản lý vận tải đường bộ theo hướng hiện đại, nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải và giảm thiểu TNGT.
Vận tải manh mún, nhỏ lẻ
Ông Trần Quang Bình, Vụ trưởng Vụ Vận tải pháp chế, Bộ GTVT cho biết, tính đến nay, lượng phương tiện trên cả nước đang có gần 103.000 xe khách và 620.000 xe tải các loại, với 2.681 doanh nghiệp, 586 HTX và hàng chục nghìn hộ kinh doanh cá thể. “Đa số các đơn vị vận tải đều có quy mô nhỏ lẻ, manh mún, phương pháp quản lý thủ công, điều hành yếu kém bởi vậy hiệu quả kinh doanh thấp”, ông Bình đánh giá. Khảo sát cho thấy, có gần 60% các đơn vị vận tải tuyến cố định và hơn 82% đơn vị vận tải hành khách hợp đồng chỉ có dưới 10 xe.
Phần lớn các đơn vị vận tải hiện nay không thực hiện quản lý nội dung nào của quá trình vận tải mà chỉ đứng ra làm các thủ tục của một cơ quan quản lý và thu phí dịch vụ. Các nội dung quan trọng khác được giao cho lái xe. Bởi vậy, nhiều doanh nghiệp không quản lý phương tiện, không quản lý lái xe, không quan tâm đến chất lượng dịch vụ và an toàn giao thông. Do đó, chất lượng dịch vụ vận tải thấp, TNGT còn nhiều. Ông Nguyễn Văn Quyền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục ĐBVN cho rằng, vận tải Việt Nam hiện đang bung ra như ngành nông nghiệp thời kỳ khoán ruộng đất, phát triển mạnh mẽ theo chiều rộng nhưng thiếu sự quản lý, giám sát đã và đang để lại những hậu quả xấu cho xã hội.
Hoạt động vận tải đang tồn tại nhiều bất cập
Trong khi hoạt động vận tải ngổn ngang thì bộ máy, nhân sự quản lý lại rất yếu kém về nghiệp vụ. Ông Bình tiết lộ, qua điều tra cho thấy, có đến 16 Sở GTVT không có cán bộ chuyên môn được đào tạo bài bản về quản lý vận tải.
Gắn sao xe khách, taxi
Tổng cục ĐBVN cho rằng, việc xây dựng và đưa đề án đổi mới quản lý vận tải đường bộ là cần thiết, vừa nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước, vừa nâng cao chất lượng dịch vụ, đảm bảo ATGT, cơ cấu lại thị trường vận tải…
Với quản lý vận tải hành khách, công tác quản lý ATGT và chất lượng dịch vụ vận tải được xác định là 2 nội dung cơ bản. Cơ quan quản lý nhà nước sẽ xây dựng các tiêu chí đánh giá và phân hạng chất lượng dịch vụ đối với từng loại hình kinh doanh, gồm: Chất lượng phương tiện; lái xe và nhân viên phục vụ; hành trình; tổ chức, quản lý của đơn vị; quyền lợi của hành khách.
Trên các tiêu chí này, sẽ tiến hành phân loại hạng chất lượng dịch vụ vận tải. Vận tải hành khách tuyến cố định, du lịch và xe hợp đồng được phân thành 5 hạng từ 1 “sao” đến 5 “sao” với thang điểm đánh giá là 100 điểm. Vận tải hành khách bằng xe buýt được phân thành 2 hạng gồm hạng 2 “sao” và 3 “sao”, thang điểm đánh giá là 100 điểm. Vận tải hành khách bằng xe taxi được phân thành 3 hạng gồm hạng 3, 4, 5 “sao”, thang điểm đánh giá là 90 điểm.
Ông Quyền nhận định, đề án sẽ đề ra giải pháp khắc phục những bất cập trong đăng ký và thực hiện chất lượng dịch vụ vận tải, quản lý về ATGT ở các đơn vị vận tải hiện nay; đồng thời là cơ sở để hành khách lựa chọn, giám sát thực hiện chất lượng dịch vụ vận tải và cơ quan quản lý nhà nước có cơ chế khuyến khích, phát triển các đơn vị vận tải quản lý tốt, hạn chế dần những đơn vị chất lượng dịch vụ kém. Theo đó, những đơn vị vận tải hàng hóa đã thực hiện quy trình quản lý ATGT được kiểm tra, xác nhận và sẽ được công bố theo định kỳ (3 tháng, 6 tháng, 9 tháng, 1 năm). Tính khả thi của Đề án này là cao vì đưa ra được tổng thể các giải pháp quản lý, đổi mới vận tải đường bộ, xuất phát từ thực tiễn và phù hợp với Việt Nam!
Theo Ngân Tuyền (An ninh thủ đô)