Các cháu ở Trại giam Phú Sơn 4 cùng mẹ theo dõi các trò chơi dân gian do Trại tổ chức nhân dịp Tết Quý Tỵ.
Quần áo mới xúng xính - những đứa trẻ là con phạm nhân ở Trại giam Phú Sơn 4 lăng xăng chạy ra chạy vào hết ngắm mâm ngũ quả, lại xem đôi rắn trưng trước cổng trại, chúng cười như nắc nẻ khi đội kéo co bị đối phương lôi qua vạch, vỗ tay tán dương mừng các cô, các chú trong đội văn nghệ hát mừng Đảng, mừng xuân.
Tết đối với chúng là được các cô, các bác trong Đội chuyền tay nựng nịu, là được ở bên mẹ cả ngày. Chúng không cần biết bên ngoài bốn bức tường kia là gì, cũng không biết mình thiệt thòi, bởi ở đây, chúng cũng có một gia đình…
Đón Tết cùng với các phạm nhân ở Trại giam Phú Sơn 4 là 12 đứa trẻ, lớn nhất mới hơn 24 tháng tuổi, nhỏ nhất hơn 4 tháng. Chúng được sinh ra trong trại giam hoặc theo mẹ đi thi hành án. Mẹ được nghỉ Tết, các con không phải đi trẻ nên chúng vui lắm. Mấy cháu lớn lăng xăng chạy khắp sân, thấy chỗ nào đông vui là ghé vào xem khiến các mẹ cũng vất vả. Những bé đang phải bế trên tay cũng vui mừng không kém, chúng chỉ tay đòi mẹ đi chỗ nọ, chỗ kia. Đêm Giao thừa, cùng với việc chúc Tết các phạm nhân, Ban Giám thị Trại giam Phú Sơn 4 đã mừng tuổi các bé, mong sang năm mới, các cháu hay ăn, chóng lớn, khỏe mạnh, ngoan ngoãn để các mẹ có điều kiện phấn đấu lao động, cải tạo tốt hơn, sớm được trở về với cộng đồng.
Cầm tay đưa con gái hơn 1 tuổi đang cười để lộ mấy chiếc răng sữa, phạm nhân Phạm Thị Hiền (trú ở phường Lê Lợi, TP Bắc Giang) hồ hởi: “Đây là Tết thứ 2 mẹ con tôi ở Trại giam đấy cán bộ ạ. Năm ngoái còn trong thời gian điều tra nên ở Trại tạm giam Công an Lạng Sơn, con còn bé quá nên không dám đưa ra ngoài. Ở đây, mẹ con tôi cũng như các phạm nhân có con nhỏ khác được các cán bộ ưu tiên, con được tặng quà, được suất ăn gấp 5 lần ngày thường, thức ăn phong phú nên con cũng khỏe ra nhiều”.
Được biết, Phạm Thị Hiền là bà mẹ trẻ nhất chưa tròn 18 tuổi trong số các phạm nhân có con nhỏ ở đây. Gia đình có hoàn cảnh khó khăn, bố bỏ về quê ở tận miền Nam để lại mẹ Hiền nuôi 4 đứa lít nhít. Chính vì không được chăm sóc chu đáo nên Hiền chỉ học đến lớp 6 rồi nghỉ ở nhà bán rau với mẹ. Lớn hơn 1 chút, Hiền theo đám bạn chơi bời quen Phạm Văn Mạnh – một thợ xây quê ở huyện Lạng Giang. Cô gái 16 tuổi lần đầu biết yêu đã theo Mạnh lên tận quê anh ta, sang Lạng Sơn để chơi mà không biết Mạnh tham gia một đường dây lừa đảo đưa phụ nữ sang Trung Quốc bán. Trong một lần “đưa hàng” sang bên kia biên giới, Hiền và Mạnh bị bắt và không biết mình mang thai. Lúc mới bị bắt, Hiền nôn ọe nhiều, lại chán không muốn ăn uống nên các cán bộ đã đưa cô đi siêu âm, phát hiện cái thai đã gần 12 tuần tuổi.
Các cháu ở Trại giam Phú Sơn 4 cùng mẹ theo dõi các trò chơi dân gian do Trại tổ chức nhân dịp Tết Quý Tỵ.
Không có người bảo lãnh để được tại ngoại, Hiền đành ở lại trại. Đêm trở dạ, cô cũng không biết phải làm gì, được các cán bộ đưa đến bệnh viện, tận tình chăm sóc như người nhà, hướng dẫn cách chăm con nên Hiền dần quen. Vì không có sữa nên cô phải nuôi con hoàn toàn bằng sữa ngoài nên cũng khá vất vả, rất may, các cán bộ tạo điều kiện, chế độ nên em bé khá cứng cáp. Hiền ân hận: “Còn 1 năm nữa em hết án, ra tù em về bán rau với mẹ, nghèo đói đến mấy cũng cố nuôi con ăn học, để nó không sa ngã như em nữa”…
Len lỏi giữa đám người đang hò reo cổ vũ cho trận bóng chuyền, phạm nhân Nông Thị Huyền cố kiễng chân để cậu con trai Nông Quốc Dũng xem được các bác chơi bóng. Chỉ vào con trai gầy nhỏ, Huyền phân trần: “Nhà tôi ở tận Na Rì, Bắc Kạn, bệnh viện xa, tôi lại đẻ non nên cháu rất khó nuôi, hay ốm. Được Ban Giám thị và quản giáo ưu tiên cho đi làm muộn, con ốm được nghỉ chăm sóc, được bác sĩ khám, điều trị nên cháu mới được thế này, nếu ở nhà, không biết có qua nổi không”. Huyền cho biết, ngoài chế độ ăn bình thường, ngày Tết con cô được Ban Giám thị và cán bộ quản giáo mừng tuổi, tặng quà, được suất ăn gấp 5 lần ngày thường nên rất đầy đủ.
Được biết, 12 đứa trẻ ở Trại giam Phú Sơn 4 đều rơi vào những gia đình có hoàn cảnh đặc biệt, có cháu cả bố lẫn mẹ đang thi hành án ở trại, có cháu sau khi mẹ phạm tội không còn người thân thích nào, mẹ cũng chả có chỗ bấu víu nên làm đơn tự nguyện thi hành án. Để tạo điều kiện cho các phạm nhân cải tạo tốt hơn và chăm sóc các cháu chu đáo, Ban Giám thị Trại giam Phú Sơn 4 đã lập một nhà trẻ, giao cho 1 cán bộ và 2 phạm nhân có chuyên môn sư phạm chăm sóc.
Theo đó, hàng ngày, các mẹ cho con bú được đi làm muộn hơn, về sớm hơn 30 phút để đón con. Các bé ở nhà trẻ được ăn uống như chế độ của mẹ nên thức ăn khá đầy đủ. Các cháu bé chưa ăn được cơm, cháo thì được chuyển sang sữa. Chị Lê Tường Vân, phụ trách nhà trẻ cho biết, các cháu gồm nhiều lứa tuổi nên việc chăm sóc không giống nhau. Có bé ăn sữa, bé ăn cháo, ăn cơm nên tôi vào 2 phạm nhân cũng khá vất vả. Dù thiệt thòi, nhưng các bé rất ngoan, ít quấy khóc. Hàng tháng, theo định kỳ, chúng tôi đều tổ chức tiêm chủng cho các cháu, đảm bảo theo đúng chương trình tiêm chủng mở rộng của nhà nước.
Đại tá Nguyễn Xuân Trường, Giám thị Trại giam Phú Sơn 4 cho biết: “Trại rất quan tâm, tạo điều kiện để các cháu vui chơi, chăm sóc, tạo điều kiện để các bé có điều kiện phát triển bình thường. Ngày thường thì ngoài khẩu phần ăn dinh dưỡng, chúng tôi còn mua thêm sữa cho các cháu uống, trang bị đồ chơi, đồ dùng học tập để các cháu phát triển trí tuệ, không bị thiệt thòi so với các bạn khác ở ngoài. Ngày Tết, các cháu được ở gần mẹ để nhận được sự chăm sóc, yêu thương, lãnh đạo đơn vị đến tận buồng giam tặng quà mừng tuổi, phát quần áo mới”.
Theo Phương Thủy - Đinh Hiền (Công an nhân dân)