Tết trong tù của một cựu giám đốc


Cựu giám đốc Trương Công Thành chỉ mong sớm đến ngày mãn hạn tù để lại được đón Tết bên gia đình
Cựu giám đốc Trương Công Thành chỉ mong sớm đến ngày mãn hạn tù để lại được đón Tết bên gia đình
Nhìn qua khung cửa buồng giam, có lúc người tù thấy pháo hoa sáng rực phía trời xa. Khi đó, ông biết năm mới đến.
Gặp chúng tôi trong Trại giạm số 1 (Hà Nội) ngày cuối năm, đôi mắt phạm nhân Trương Công Thành (cựu giám đốc của một doanh nghiệp) luôn mang một nỗi thâm trầm cùng sự trải nghiệm cuộc sống. Ông sắp sang tuổi 60. Dù là phạm tù nhân nhưng ông vẫn luôn giữ thái độ đứng đắn, điềm tĩnh, cách cư xử của một người có học.
Tết đến, phạm nhân cũng háo hức chờ đợi. Họ chúc cho nhau những lời tốt đẹp. Ba cái Tết ở lại trại giam này, ông Thành biết, lời chúc nhiều nhất ông cũng như các phạm nhân nhận được là "mau về". Phạm nhân vào đây đều biết trước ngày mình được ra trại nên họ chúc nhau cho mau đến ngày đó.
Tết đến, phạm nhân cũng chúc nhau
Ba ngày Tết, theo quy định của Nhà nước, phạm nhân ở tất cả trại giam được tăng khẩu phần ăn lên gấp 5 lần so với ngày thường. Những buổi lao động cuối năm, cán bộ trại giam và phạm nhân ở Trại giam số 1 cũng sửa soạn vật phẩm, thức ăn cho ngày Tết. Ngày Tết, mỗi phạm nhân đều được phát bánh chưng, hoa quả...
Trại giam cuối năm cũng không thể thiếu buổi liên hoan, cùng nhau sinh hoạt văn hóa, văn nghệ. Các phạm nhân hát cho nhau nghe, rồi hết giờ, ai về lại buồng người đấy.
Ở đây, không có tiếng cười hò ồn ào như ngoài kia trong thời khắc giao thừa. Gần như khắp nơi đều lặng lẽ. Trong trại giam không có chén rượu đầu xuân, không được tự do đi lại chúc Tết nhau. Nhưng mang chung tâm trạng của cả dân tộc trong thời khắc giao mùa, những phạm nhân ở Trại giam số 1 (Hà Nội) cũng háo hức, mong chờ.
 - 1
Gói bánh chưng đón Tết trong trại giam (Ảnh: Công Lý)
Trước Tết, người nhà phạm nhân thường đến thăm đông lắm. Họ mang thức ăn, bánh kẹo cho phạm nhân. Đón giao thừa, các thành viên trong buồng giam lấy đồ ăn do người nhà gửi vào từ trước bày ra giữa phòng, ngồi quây quần bên nhau. Nhưng tất cả đều nhẹ nhàng, lặng lẽ để không gây tiếng ồn.
Thời khắc sang năm mới, mỗi tù nhân mang một tâm trạng khác nhau. Có người khóc vì nhớ nhà, vì tuổi trẻ lầm lỡ, người cười tự động viên mình sau này làm lại cuộc đời. Có người cũng dấy lên niềm hy vọng. Hy vọng vì chỉ còn một thời gian ngắn nữa thôi mình sẽ được tự do, được về gặp lại gia đình.
Họ chúc nhau những lời chúc tốt đẹp nhất. Họ ngồi tâm sự, ôn lại những câu chuyện ngày xưa đang là người tự do. Họ kể về gia đình, con cái, về những điều đã mất đi trong cuộc sống. Họ cũng không quên ước vọng một ngày mai tươi sáng hơn.
Còn ông Trương Công Thành, những lúc đó, ông ít nói hơn. Ông chỉ ngồi nhìn ra ngoài khung cửa buồng giam. Ông kể, có lần nhìn thấy cả pháo hoa sáng rợp phía trời xa, ông biết năm mới đến.
Một đêm giao thừa, người đàn ông trung niên này đã khóc một mình. Nhưng những giọt nước mắt đó chỉ thoáng gợn lên khóe mắt rồi ông nuốt hết vào lòng với nỗi buồn lặng lẽ. Ông tiếc cho quãng đời học tập, phấn đấu vì cuộc sống cơm áo, gạo tiền; chỉ vì một thiếu sót mà bỗng chốc ông mất đi tất cả.
Tết xa nhà đã là thường lệ
Phạm nhân Trương Công Thành có lẽ là phạm nhân lớn tuổi nhất ở trại giam này. Ông vốn quê ở Thái Bình nhưng là giám đốc của một doanh nghiệp đóng tại Thanh Hóa.
Hồi đó ông Thành kinh doanh trong lĩnh vực xây dựng khá lớn mạnh. Vậy nhưng, vì những sai phạm của doanh nghiệp khiến 5 người trong đó có ông bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Ông bị tòa Hà Nội xử tội "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".
Từ ngày ông bị kết án, vợ ông vẫn ở quê thỉnh thoảng lên thăm. Con ông đều sống tại Hà Nội, đứa đã xây dựng gia đình, đứa đang học đại học.
Ông Thành nhẩm tính, năm nay ông đã bước sang tuổi 57. Đây đã là năm thứ 3 và cũng là năm cuối ông đón Tết ở trại giam này. Chỉ còn 6 tháng nữa thôi, ông sẽ được về nhà.
 - 2
Phạm nhân Trương Công Thành
Ông nhớ, mình thoát ly gia đình từ năm 16 tuổi, rồi có hơn chục năm tham gia quân ngũ. Trong hơn chục năm đó, ông Thành chỉ một lần được đón Tết ở nhà. Xuất ngũ trở về, ông lao vào làm ăn kiếm tiền. Những năm tháng đó, công ty ở xa nên cũng chẳng mấy khi ông ăn Tết cùng gia đình, vợ con. Thậm chí có năm, ông đón mùa xuân về tại công trình Thủy điện Yaly. Cho nên sự vắng mặt của người chồng, người cha về đoàn tụ ngày Tết đối với vợ con ông dường như không có điều gì quá bất ngờ.
"Nhưng đó là những lần xa nhà vì nhiệm vụ. Còn ba cái Tết ở đây, đương nhiên có những nỗi buồn riêng mà có lẽ chỉ những phạm nhân như tôi mới cảm nhận được" - ông Thành cúi mặt.
Đêm giao thừa, ngồi trong buồng giam, ông Thành chợt nghĩ, lẽ ra giờ này, ở độ tuổi sắp lục tuần, mình đang sống trong sự ấm áp, trong mái nhà đầy tình yêu thương với vợ, với con. Ông nhớ đến những ngày đầu năm, sang chơi nhà hàng xóm, gặp bạn bè chúc tụng nhau mọi điều may mắn trong năm mới. Vậy nhưng, giờ đây, ông thấy mình đang phải sống trong nỗi cô quạnh.
Những thanh niên trẻ tuổi vào đây bởi sự bồng bột, nông nổi. Họ thiếu trách nhiệm với bản thân mình, tự họ gánh chịu. Nhưng với ông Thành lại khác. Ông là trụ cột của gia đình. Ông không thể làm đúng trách nhiệm của một người chồng, người cha trong gia đình mình. Càng gần ngày Tết, nỗi nhớ nhà của những phạm nhân như ông càng trỗi dậy.
Xuân này là mùa xuân cuối cùng ông Thành ở trại giam. Ông thấy lòng mình như nhẹ nhõm hơn. Ông chẳng còn ham muốn gì lớn lao khi nghĩ về ngày tự do. Ông không có ước muốn được ra ngoài bay nhảy, phấn đấu làm lại cuộc đời. Nếu ở ngoài xã hội, vị cựu giám đốc này cũng đã thừa năm công tác và đến tuổi nghỉ hưu rồi. Ông chỉ mong đến một sự nghỉ ngơi thanh thản, một mái nhà, nơi đó vợ ông vẫn chờ.
Cảnh Kiên