Tiki-taka cũng biết hại Barca


Barca bại trận tâm phục trước Milan
Barca bại trận tâm phục trước Milan
Tiki-taka đã giúp Barcelona thống trị thế giới trong gần một thập niên qua, nhưng tuyệt đối hóa lối chơi vạn năng ấy cũng đã khiến Barca phải nhận thất bại tâm phục khẩu phục trước một đối thủ đã hiểu tường tận cách nó vận hành, là AC Milan.
Chỉ cầm bóng, và không gì hơn
Như thường lệ, Barcelona kiểm soát bóng với thời lượng hoàn toàn vượt trội (trên thế giới hiện nay, có lẽ không ai thắng được họ ở mặt này), lên đến 72,6%.
Chất liệu tạo nên thống kê cầm bóng là những đường chuyền: Cả đội Barca đã chuyền bóng 828 lần, và một mình Xavi (79), bộ não của họ, đã thực hiện số đường chuyền nhiều hơn cả 3 tiền vệ của Milan là Muntari (23), Montolivo (22) và Ambrosini (15).
Barca ở San Siro rạng sáng 21/2 vẫn là Barca mà chúng ta vẫn biết, nhưng trước Milan, họ chỉ cầm bóng, mà không thực sự đá bóng.
 - 1
Tiki-taka không phát huy tác dụng khiến Barca trả giá
Trận gặp Milan mới là lần thứ hai trong vòng 4 năm, Barca mới chỉ tung ra đúng một cú sút trúng đích về phía khung thành đối phương, sau trận bán kết Champions League gặp Chelsea vào năm 2009. Cầu thủ nguy hiểm nhất của họ, Lionel Messi, thậm chí còn không dứt điểm được lần nào.
Đó là hệ quả tất yếu: Bản đồ nhiệt của trận đấu cho thấy các cầu thủ Barcelona đã chạm bóng gần 1000 lần trong trận, nhưng chỉ 11 trong số đó diễn ra trong vòng cấm của Milan.
Bạn không thể trúng xổ số nếu không mua vé, không thể tạo ra cơ hội nếu không xâm nhập được 30 mét cuối cùng của đối thủ, và không thể ghi bàn nếu không có cơ hội dứt điểm. Nguyên tắc là vậy.
Nghệ thuật phòng ngự của Milan
Rất nhiều người đã gọi cách Milan phòng ngự trước Barca rạng sáng 21/2 là phương pháp "đặt xe bus", nhưng đó là một nhận xét thiếu tỉnh táo.
Chơi kiểu Xe bus là tình trạng phòng ngự co cụm, chủ yếu bằng số đông ở khu vực chật hẹp và có phần bị động. Trong khi đó, Milan phòng ngự dựa trên khả năng tổ chức chặt chẽ và hoàn toàn chủ động trong mọi tình huống phòng ngự. Không dựa trên số lượng, mà là chất lượng của tinh thần phòng ngự và kỷ luật của các cá nhân.
Sự kỷ luật ấy được ngay cả các cầu thủ tấn công cao nhất chấp hành tuyệt đối: Hai tiền đạo El Shaarawy và Pazzini không đá cắm, mà dạt ra biên và sẽ lãnh trách nhiệm đuổi theo các hậu vệ biên của Barca khi nhân lực tấn công của đội bóng xứ Catalunya gia tăng tối đa.
Cách Milan phong tỏa Messi cũng rất ấn tượng: Trong phạm vi cách khung thành chừng 40 mét, họ cho phép anh thoải mái nhận và đi bóng, nhưng khi cầu thủ người Argentina tiến vào khu vực 35-30 mét cuối cùng, sẽ có hai người chặn đường anh theo dạng bọc lót một trước một sau, một dập một "thòng", không phân biệt cầu thủ tấn công (Boateng chẳng hạn) hay phòng ngự (Ambrosini).
Dạng tinh thần phòng ngự tổng lực ấy kết hợp với sự cơ động, và cả may mắn, đã giúp Milan chiến thắng.
Khi Barca và Messi bị bắt bài
Một số ý kiến cho rằng mặt cỏ San Siro đã khiến lối chơi của Barca trở nên thiếu hiệu quả, nhưng đó là lý do không thuyết phục. Họ vẫn chuyền bóng rất tốt, nhưng không tạo ra được đột biến nằm ở việc ý tưởng bị bắt bài.
Trong nửa thập kỷ đổ lại, khi triết lý Barca thịnh vượng nhất, Milan đã đối đầu với đội bóng này 5 lần, tính cả trận thắng 2-0 gần nhất, và cả 5 lần ấy, dù đang chơi với phong độ nào, Milan cũng biết cách khắc chế Barca.
Trong đó, ngoài chiến thắng rạng sáng qua, có hai trận đấu khác cũng rất ấn tượng:
13/9/2011, vòng bảng Champions League, Milan hòa 2-2 ngay tại Camp Nou với hai bàn thắng vào thời điểm Barca mất tập trung, của Pato (1`) và Thiago Silva (90+2`). Họ cũng chơi khá sòng phẳng và không hề phòng ngự co cụm.
28/3/2012, tứ kết lượt đi Champions League, Milan hòa 0-0 tại San Siro, vào thời điểm lực lượng bị đánh giá rất thấp, cũng với cách phòng ngự kỷ luật và đoán ý đồ đối phương rất giỏi. Hình ảnh tiêu biểu: Nesta, 36 tuổi, xoạc phá bóng ngay trong chân Messi trong vòng cấm, khiến cầu thủ người Argentina bực tức đến nỗi phải đấm thùm thụp xuống sân.
 - 2
Messi hoàn toàn vô hại
Trong 2 thất bại còn lại, 2-3 ở vòng bảng mùa 2011-2012 và 1-3 ở tứ kết lượt về mùa trước, Milan đều chơi tốt. 2 trận ấy, Messi ghi 3 bàn, nhưng tất cả đều từ... chấm penalty, và 2/3 tình huống thổi phạt đền ấy là không rõ ràng. Hôm qua, anh còn không sút nổi lấy một cú về phía Milan.
Mặt trái của Tiki-taka
Hai chiến thắng của Barca trong các lần đối đầu với Milan trong 3 năm qua đều đến sau một bước ngoặt của trận đấu, và những tác động chiến thuật hiệu quả của Pep Guardiola.
Hôm qua, Barca, cũng như Messi, đã hoàn toàn bị khắc chế bởi một đối thủ hiểu họ quá rõ. Nhưng điều khiến họ phải trắng tay là sự trì trệ trong lối chơi để có thể tạo ra nét mới nhằm bóc tách các lớp phòng ngự của Milan.
Phải đến phút 76, họ mới tung ra pha sút xa đầu tiên về phía Milan (Iniesta). Đó là một giải pháp mà đáng ra họ phải tính đến ngay từ hiệp một, khi những pha đập nhả phức tạp lẫn những tình huống đột phá cá nhân của Messi đều bị phong tỏa.
Hay nếu rạng sáng qua, đối thủ của Milan là Chelsea, thì các giải pháp để phá vỡ bế tắc có thể sẽ đa dạng hơn: Nếu các pha bóng thấp không phát huy tác dụng, thì những tình huống tạt cánh đánh đầu sẽ được áp dụng.
Nhưng Barca thì không thể chơi như thế. Họ không thể đá phòng ngự phản công, ngay cả khi chơi trên sân khách. Họ cũng buộc phải trung thành với những đường ban nhỏ, ngay cả khi nó bế tắc.
Nhưng thất bại này không làm giảm giá trị Tiki-taka
Đến lúc này thì chúng ta hiểu rằng Barca không phải là một đội bóng mà ai ngồi vào cũng có thể thành công: Đội bóng này có rất ít lựa chọn chiến thuật. Ai cũng biết họ chơi như thế nào, và Tiki-taka giống như một tôn giáo mà Barca phải thực hiện nghiêm ngặt các nghi lễ: "Kiêng khem" sút xa, không chiến, sử dụng sức mạnh.
Để tạo ra những thay đổi chiến thuật phù hợp trong trận mà vẫn không đi ngược lại triết lý cơ bản của lối chơi này đòi hỏi HLV phải cực kỳ thấu hiểu và vận dụng sáng tạo Tiki-taka, điều chúng ta đã không nhận thấy được ở Jordi Roura, ông "trợ lý của trợ lý" tại Barca.
Nhưng cho dù mặt trái của Tiki-taka đã khiến Barca nhận thất bại trong một trận cầu cụ thể, thì thất bại ấy cũng không khiến giá trị của nó mất đi. Ngược lại, sự tuân thủ đến cực đoan các yếu tố cơ bản của nó chính là điều đã làm nên một Barca của ngày hôm nay. Từ hàng nghìn giờ tập trong quá khứ với cũng một triết lý, bất chấp hoàn cảnh, trước mọi loại đối thủ. Nhờ thế, mà kỹ năng đã trở thành bản chất của đội bóng này.
Mà bản chất thì sẽ không thay đổi. Barca sẽ không nhờ một cú đánh đầu của Zlatan Ibrahimovic, người mà họ đã từng đẩy đi không băn khoăn, để không thua trận. Họ vẫn luôn chờ đợi Messi, ngay cả trong một ngày, anh trở nên vô hại.
Phạm An(khampha.vn)