Tôi yêu nước và dám mang tiền về đầu tư


Việt kiều khắp nơi về tham dự chương trình "Xuân Quê hương"
Việt kiều khắp nơi về tham dự chương trình "Xuân Quê hương"
Hầu hết bà con Việt Kiều đều có tâm nguyện về nước đầu tư, làm giàu cho quê hương.
Theo thống kê của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, hiện đang có hơn 3.500 doanh nhân Việt kiều ở Hoa Kỳ, Australia, Nga, Pháp, Hà Lan, Canada, Nhật Bản… tham gia đầu tư tại 51/63 tỉnh, thành phố với tổng vốn đầu tư đạt khoảng 8,4 tỷ USD. 
Các dự án đầu tư tập trung vào những lĩnh vực bất động sản, dịch vụ khách sạn, nhà hàng, du lịch, công nghệ phần mềm, dịch vụ dầu khí, sản xuất điện, nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu thủy hải sản.
Tâm huyết trở về cố hương
Tối nay, 3/2, chương trình “Xuân Quê hương 2013- Đất Tổ rạng ngời” sẽ diễn ra tại Quảng trường tượng đài Lý Thái Tổ, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Như thường lệ, đây là điểm hẹn cho bà con kiều bào ở khắp nơi trên thế giới trở về quê hương đón Tết Nguyên đán và là cầu nối giữa nhân dân cả nước với bà con kiều bào ta ở nước ngoài. Khoảng 1.000 khách mời là bà con kiều bào, đại diện các bộ, ban, ngành địa phương trong cả nước tham dự chương trình.
Thành đạt với 3 công ty tại Thụy điển, bà Helena Van, mang toàn bộ vốn liếng tích cóp suốt bao năm trở về quê hương tại TP Tuy Hòa để đầu tư dự án Làng du lịch quốc tế Bắc Âu. 
Cũng giống như bao Việt kiều khác với tâm huyết muốn đóng góp phần nhỏ bé giúp đỡ cho đất nước phát triển, bà Helena Van đã phải chấp nhận nhiều khó khăn, thách thức.
Có nhiệt huyết, có tiềm lực vẫn chưa đủ, theo bà Helena Van, để dự án đi vào hoạt động như ngày hôm nay thì bà phải có lòng kiên nhẫn theo đuổi những thủ tục hành chính tại Việt Nam. “Chúng tôi đã được tạo mọi điều kiện đúng như chủ trương của Chính phủ mời gọi Việt kiều về nước đầu tư, tuy nhiên, lại vướng phải khó khăn rất nhiều đối với các cấp thực thi chính sách”, bà Helena Van nói.
Cụ thể, ngay từ 2005, bà Helena Van đã trình dự án lên các cấp có thẩm quyền nhưng phải tới 2009 mới được cấp đất. “Tới thời điểm này, sau 8 năm, làng du lịch mới được xây dựng xong và đi vào hoạt động. 8 năm đi lại, khó khăn với bao lần chính sách thay đổi, không chỉ tốn kém về mặt tiền bạc mà còn khiến tôi mất đi nhiều cơ hội đầu tư khác. Đặc biệt, là một người mẹ, khi phải bỏ con trong thời gian lâu như thế, có những lúc nghe con khóc đòi má mà lòng xót xa không lẽ lại bỏ dự án… ”, bà Helena Van tâm sự.
“Bạn bè vẫn cho rằng rất hiếm người có thể kiên nhẫn theo đuổi thủ tục hành chính đầu tư tại Việt Nam, như tôi đã làm. Có lẽ, đây cũng chính là nguyên nhân dẫn tới cảnh nhiều Việt kiều dù có tâm huyết trở lại đầu tư trong nước nhưng cuối cùng đành bỏ dở”, bà Helena Van chia sẻ.
 - 1
 Việt kiều khắp nơi về tham dự chương trình Xuân Quê hương
Cùng cảnh ngộ, Ông Khoát Văn Trần, Việt kiều Mỹ, đang đầu tư vào lĩnh vực bất động sản, du lịch và y tế ở Việt Nam cũng nhận định sự thay đổi chính sách đầu tư hiện vẫn chưa phù hợp.
“Giờ đây, tôi và và nhiều người Việt tại Mỹ chỉ mong muốn có một sự thống nhất về chính sách, cách thực hiện từ trên xuống, từ trung ương đến địa phương, để khi về Việt Nam chúng tôi đỡ mất thời gian”, ông Khoát Văn Trần nói.
Từ đây, ông nêu nguyện vọng: “Bộ Tư pháp hoặc Uỷ ban người Việt ở nước ngoài nên lập một uỷ ban đặc trách, để chúng tôi khi có vướng mắc gì thì chỉ cần đến một nơi để xin tư vấn. Chúng tôi sẵn sàng trả 200 – 300 USD/giờ để được giải đáp khúc mắc. Điều đó có lợi cho cả hai phía, vừa giúp chúng tôi tiết kiệm thời gian, vừa giúp chính quyền Việt Nam tiếp xúc nhiều hơn với kiều bào để có chính sách phù hợp”.
Khắc phục khó khăn ban đầu
Lập nghiệp tại Canada rồi trở về nước từ năm 2000, ông Nguyễn Hoài Bắc đã đầu tư và thành công trong nhiều lĩnh vực như: địa ốc, giáo dục, thời trang may mặc… Để có được thành công như ngày hôm nay, ông Bắc cho rằng mình đã “được” trả giá bằng thời gian, qua đó để có thêm nhiều kinh nghiệm “ứng xử” với môi trường đầu tư tại Việt Nam.
Tâm sự với những Việt Kiều đang có ý định đầu tư về nước mà ngại khó, bằng vốn kinh nghiệm của mình, ông Bắc nói: “So với trước đây, môi trường đầu tư trong nước đã thông thoáng hơn rất nhiều. Nói về thủ tục hành chính, cũng như bao nước khác, Việt Nam đều muốn hướng tới sự nhất quán, thông thoáng. Tuy nhiên, chúng ta mới đi vào hội nhập kinh tế, bởi vậy khi đưa ra chính sách chỉ đạt độ tương đối với tư duy quản lý được tới đâu thì mở tới đó. Chính vì thế, nhà đầu tư không nên so sánh với chính sách tại những nước đã có lịch sử phát triển hàng trăm năm”.
Khi được hỏi tại sao không tiếp tục sự nghiệp tại nước ngoài mà lại quyết tâm về Việt Nam đầu tư và chấp nhận khó khăn?, ông Nguyễn Hoài Bắc trả lời với lý do rất đơn giản: “Tôi là người Việt Nam. Nếu chỉ nói rằng tôi yêu nước thì chỉ có mình tôi hiểu nhưng một khi tôi đã dám mang tiền về nước đầu tư; tạo công ăn việc làm không những cho gia đình, cho người thân yêu của tôi, cộng đồng bé nhỏ của tôi thì đó là tâm huyết được thể hiện bằng hành động”, ông Bắc nói.
Lắng nghe những ý kiến tâm huyết của doanh nhân Việt Kiều trở về nước tham dự chương trình "Xuân Quê hương" năm nay, ông Nguyễn Thanh Sơn, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao cho biết, Bộ sẽ tiếp tục tổ chức tổ chức các hội thảo mang ý nghĩa quan trọng, nói lên tầm quan trọng của sự gắn kết sức mạnh của người Việt Nam ở trong nước và nước ngoài, để làm sao trong năm 2013 sẽ có những chính sách đột phá nhằm thu hút nguồn lực kiều bào về phục vụ đất nước.
Việt Nam hiện có khoảng 4 triệu kiều bào đang sinh sống, học tập và lao động tại 101 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. Thống kê năm 2010, lượng kiều hối về Việt Nam đạt 8,26 tỷ USD, năm 2011 đạt 9 tỷ USD, bù đắp được 92% chênh lệch cán cân thương mại.
Trong năm 2012, dù tình hình kinh tế thế giới lẫn trong nước nhiều khó khăn nhưng lượng kiều hối vẫn có sự bứt phá, chạm mốc 11 tỷ USD.
Tuyết Mai(khampha.vn)