Đánh thuế tiết kiệm: Ý tưởng mơ hồ


Có cứu được BĐS bằng thuế tiết kiệm?
Có cứu được BĐS bằng thuế tiết kiệm?
Theo các chuyên gia: Không thể cứu thị trường BĐS đang lâm nạn bằng cách đưa ra kiến nghị đánh thuế tiền gửi tiết kiệm của dân.
Hồi cuối tháng 2, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoRea) Lê Hoàng Châu đã có kiến nghị về việc đánh thuế tiết kiệm của người dân để giải cứu thị trường bất động sản theo Nghị quyết 02 của Chính phủ. Kiến nghị này đã vấp phải sự phản đối kịch liệt của các chuyên gia cũng như người dân.
Đánh thuế tiết kiệm để cứu BĐS?
Vị Chủ tịch HoRea cho rằng việc đánh thuế thu nhập trên những khoản tiền gửi tiết kiệm trên mức 500 triệu đồng sẽ khiến dòng tiền chuyển hướng vào đầu tư sản xuất, kinh doanh.
Theo lý giải của ông Lê Hoàng Châu, trước đây các hình thức gửi tiết kiệm đều không bị đánh thuế để khuyến khích người dân tiết kiệm. Tuy nhiên, hiện nay phần lớn những người có tiền gửi ngân hàng, những người mua trái phiếu, kỳ phiếu... là những đối tượng có thu nhập khá trở lên, nên cần thiết phải đánh thuế để bổ sung thêm nguồn thu cho ngân sách, khuyến khích đầu tư.
 - 1
Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP Hồ Chí Minh tin tưởng, việc đánh thuế tiết kiệm sẽ cứu được thị trường BĐS (ảnh VnEconomy)
“Có những người mang cả trăm tỷ đồng đi gửi ngân hàng, mỗi năm thu về 10-15 tỷ đồng tiền lãi nhưng không phải đóng một đồng thuế nào từ khoản lợi tức đầu tư này. Như vậy là vô lý!”, ông Châu nhấn mạnh.
Thông tin thêm, ông Châu cho biết, nhiều nước trên thế giới đã thực hiện việc đánh thuế tiền gửi tiết kiệm. Việc làm này đảm bảo bình đẳng trong thực hiện nghĩa vụ thuế, nghĩa là mọi thu nhập đều phải chịu thuế.
“Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, cũng dần dần phải làm theo thế giới”, ông Châu nêu quan điểm.
Ý tưởng mơ hồ
TS. Cao Sỹ Kiêm-nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN), cố vấn cao cấp NHTMCP Đông Á rất bất ngờ khi nghe đề xuất này.
Nguyên Thống đốc NHNN cho rằng từ trước tới nay chưa có một đề xuất chính sách nào thiếu tính thực tế và mơ hồ như vậy.
Thông tin thêm, TS. Kiêm cho biết, năm 2008-2009 đã có ý kiến đề cập tới vấn đề đánh thuế các khoản tiền gửi tiết kiệm của người dân nhưng không nhận được sự đồng ý của các bộ, ngành.
“Không hiểu sao HOREA lại đưa ra ý tưởng này? Tôi cho là người đưa ra đề xuất chưa hiểu và nắm hết mọi ngóc ngách của vấn đề”, ông Kiêm thắc mắc.
Vị này cho rằng, đề xuất không ăn nhập với chính sách tài khóa tiền tệ. Hiện nay chính sách thuế TNCN đã buộc người dân phải chịu thuế cho các khoản thu nhập, nếu phải đóng thêm thuế này sẽ dẫn tới tình trạng thuế chồng thuế.
“Nếu đưa ra mức 500 triệu đồng để đánh thuế, người gửi sẽ ngay lập tức xé lẻ các gói tiền gửi tiết kiệm, thay vì 1 sổ tiết kiệm thành nhiều sổ và gửi ở nhiều ngân hàng khác nhau. Người gửi có thể lách và sẵn sàng tìm kênh đầu tư khác, chưa chắc dòng tiền đã quay trở lại đổ vào BĐS”, nguyên Thống đốc NHNN cảnh báo.
 - 2
Theo các chuyên gia, ý tưởng đánh thuế tiết kiệm để cứu "nhà" thiếu thực tế (ảnh minh họa)
Cùng quan điểm, Phó chủ tịch Tổng hội xây dựng, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Sỹ Liêm cho rằng, việc đánh thuế tiền gửi tiết kiệm sẽ khiến thuế chồng thuế. Bởi tiền tiết kiệm của người dân có thể đã được tính thuế thu nhập cao.
Thậm chí, giả định về việc đánh thuế tiết kiệm được thông qua, ông Liêm cho biết người dân vẫn có thể “lách luật”.
“Nếu trên 500 triệu đồng bị đánh thuế, người dân sẽ chỉ gửi mỗi sổ tiết kiệm là 490 triệu đồng. Chẳng ai dại gửi cả 500 triệu đồng vào để mất thêm tiền”, ông Liêm khẳng định.
TS. Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Ủy bán Giám sát Tài chính Quốc gia cho biết: Kiến nghị này tác động trực tiếp đến người gửi tiết kiệm là vô lý. Vì nó là loại vốn quyết định sự tồn tại của hệ thống ngân hàng thương mại.
“Nhà nước đã đánh thuế vào lợi nhuận của doanh nghiệp rồi tại sao lại đánh thuế vào lợi nhuận tiền gửi tiết kiệm vào lúc này”, ông Nghĩa thắc mắc.
Theo ông Nghĩa, người dân có quyền lựa chọn lĩnh vực mà họ đầu tư. Chuyện đánh thuế tiền gửi tiết kiệm không nên làm. Nếu không khuyến khích người dân gửi tiết kiệm nên hạ lãi suất tiền gửi. Việc đánh thuế tiền gửi tiết kiệm là hình thức tăng lãi suất tiền gửi, làm tăng chi phí vốn và từ đó làm tăng lãi suất cho vay. Điều đó vô hình chung khiến doanh nghiệp càng khó khăn.
Sơn Trà(khampha.vn)