Cách phát hiện sớm trẻ em tự kỉ

Trẻ tự kỷ nếu được phát hiện sớm (trước 3 tuổi) sẽ có nhiều cơ hội trở thành người bình thường và hòa nhập xã hội. Tuy nhiên, thực tế, phần lớn các em đều được can thiệp muộn.


Bé Bảo (Tây Hồ, Hà Nội) được phát hiện tự kỷ khi 3 tuổi với các biểu hiện như không giao tiếp với người khác, kể cả bố mẹ, thường thu mình trong phòng với chiếc ô tô đồ chơi và trò chơi em có thể chơi cả ngày không chán là quay bánh xe. Cháu nói rất ít, không biết trả lời mà chỉ có thể nhắc lại lời của người khác một cách máy móc, ánh mắt luôn nhìn vào không gian vô định. Bảo sợ các con côn trùng từ gián, chuột, ruồi, muỗi và tiếng động từ chiếc máy xay sinh tố, máy sưởi, quạt...

Bố mẹ bé Bảo một là giảng viên đại học, một là chuyên viên của Bộ ngoại giao. Việc có thai bé là ngoài mong muốn vì mẹ em sợ ảnh hưởng tới con đường phấn đấu cho sự nghiệp. Trong thời kỳ mang thai và sau sinh, người mẹ luôn cảm thấy ức chế tâm lý. Khi đi làm trở lại, chị giao hoàn toàn việc chăm sóc con cho người giúp việc. Ở nhà ngoài giờ ăn, tắm rửa, bà giúp việc lấy đồ chơi cho cháu tự chơi hoặc mở TV cho cháu xem. Mọi người đều khen cháu ngoan. Tới khi Bảo 3 tuổi, gia đình mới nhận thấy những bất thường và đưa cháu đi khám. Khi biết cháu bị tự kỷ, bố mẹ đều sốc và từ đó mới thay đổi nếp sinh hoạt, dành thêm thời gian cho con.

Trẻ tự kỷ được can thiệp bằng trò chơi tại khoa tâm bệnh, Bệnh viện Nhi trung ương. Ảnh: MT.


Còn trường hợp của cháu Toàn, 5 tuổi ở Hưng Yên gặp hạn chế trong việc giáo dục và hỗ trợ tâm lý vì điều kiện kinh tế gia đình khó khăn.

Bố mẹ em lên Hà Nội kiếm sống, lao động chân tay vất vả, thu nhập bếp bênh. Khi thấy con 2 tuổi mới tập nói, không hề có tương tác khi được gọi, bố mẹ mới đưa con đi khám. Bé được chẩn đoán là tự kỷ và được tư vấn cần tham gia chương trình can thiệp sớm. Vì eo hẹp kinh tế, bố mẹ cháu phải vay mượn để đưa con đi chữa nhưng sau một thời gian không thấy con khỏi mà tiền đã cạn, họ đành đưa cháu về quê.

Theo tiến sĩ Nguyễn Thị Hoàng Yến, Phó viện trưởng Viện khoa học giáo dục, ở Việt Nam chưa có số liệu chính thức về tỷ lệ mắc hội chứng tự kỷ. Nghiên cứu mô hình tàn tật ở trẻ em của khoa Phục hồi Chức năng Bệnh viện Nhi Trung ương giai đoạn 2000-2007 cho thấy, số lượng trẻ được chẩn đoán và điều trị tự kỷ ngày càng đông. Năm 2007, số trẻ tự kỷ đến khám tăng gấp 50 lần so với năm 2000, số trẻ đến điều trị tăng gấp 33 lần so với năm 2000.

Theo bà, phát hiện sớm trẻ tự kỷ đang là vấn đề cấp bách và quan trọng của nhiều nước trên thế giới. Trẻ tự kỷ nếu được phát hiện sớm sẽ có nhiều cơ hội trở thành người bình thường và hòa nhập xã hội. Trong khi đó, ở nước ta, phần lớn các bác sĩ nhi khoa chưa hiểu rõ về tự kỷ và không có các kỹ năng chẩn đoán sớm, nên rất nhiều trẻ được phát hiện muộn sau 36 tháng tuổi. Tỷ lệ trẻ tự kỷ đến khám và được chẩn đoán muộn tại Bệnh viện Nhi trung ương lên tới gần 44%.

Trong một nghiên cứu về nhu cầu của gia đình có trẻ tự kỷ được tiến hành tại Hà Nội và TP HCM cho thấy, có chưa đầy 1/4 số trẻ mắc được phát hiện sớm trước hai tuổi, 45% trẻ được can thiệp lúc dưới 3 tuổi, 1/5 trẻ nhận được can thiệp lúc 3-4 tuổi và khoảng 16% là sau 4 tuổi.

Theo bác sĩ Đỗ Thúy lan, Giám đốc Trung tâm Sao Mai, trước khi được cán bộ y tế phát hiện mắc hội chứng tự kỷ, chỉ có một số trẻ đi học được giáo viên phát hiện các biểu hiện không bình thường và tư vấn đi khám, còn lại một số trẻ do bố mẹ bận kinh doanh, công việc... nên để con ở nhà với ông bà hoặc người giúp việc, xem TV, xem băng đĩa, chơi Ipad nhiều đã làm trẻ không có cơ hội tương tác và học hỏi các kỹ năng cũng như phát triển ngôn ngữ-giao tiếp dẫn đến tình trạng chậm phát triển trí tuệ nặng thêm.

Ngoài ra, hiện nay, chưa có mô hình dịch vụ phát hiện sớm, can thiệp sớm trẻ tự kỷ của nhà nước, chưa có mô hình chuyên biệt, mọi dịch vụ đều do tự phát... "Nhiều người không được đào tạo chuyên ngành giáo dục đặc biệt mở trung tâm hoặc nhận gia sư tại nhà, trị liệu ngôn ngữ và dạy trẻ tự kỷ... đã làm mất đi cơ hội 'vàng' trong can thiệp sớm của trẻ tự kỷ", bà Lan nói.

Theo tiến sĩ Nguyễn Thị Hương Giang, Khoa phục hồi chức năng, bệnh viện nhi Trung Ương, bố mẹ có thể nhận biết sớm con tự kỷ dựa vào việc quan sát những dấu hiệu bất thường của trẻ.

Dấu hiệu nhận biết sớm tự kỷ ở trẻ 0-6 tháng:

- Thờ ơ với âm thanh (cảm giác như trẻ bị điếc).

- Hành vi bất thường: tăng động (kích động khó ngủ, khóc nhiều, khó dỗ dành, hay bị cơn đau quặn bụng do đầy hơi, khó chịu không lý do) hoặc trẻ thờ ơ, yên lặng, dường như thích ở một mình, ít đòi hỏi cha mẹ chăm sóc.

- Khả năng tập trung kém: Không chú ý hoặc tập trung như các trẻ cùng tuổi khác. Ít hoặc không nhìn vào mặt người đang nói chuyện.

- Bất thường về vận động: giảm hoạt động, có tư thế bất thường khi được bế.

Dấu hiệu nhận biết sớm tự kỷ ở trẻ 6-12 tháng:

- Phát triển các hành vi bất thường: chơi một mình, chơi với các ngón tay và tay ở trước mặt, sử dụng đồ vật một cách bất thường như gãi, cào hay cọ xát...

- Không chú ý đến người khác.

- Không phát âm hoặc rất ít.

- Bất thường về vận động: Giảm hoặc tăng trương lực, giảm hoạt động hoặc hoạt động quá mức.

- Ít hoặc không sử dụng kỹ năng giao tiếp không lời (vẫy tay chào, tạm biệt, chỉ tay...)

Dấu hiệu nhận biết sớm trẻ tự kỷ trên 12 tháng:

Trẻ khiếm khuyết về các kỹ năng giao tiếp xã hội:

- Mất hoặc không đáp ứng với âm thanh

- Không có hoặc giảm kỹ năng giao tiếp không lời (giao tiếp bằng mắt, cử chỉ tay chân, biểu lộ nét mặt khi vui buồn, gật lắc đầu...). Giao tiếp bằng mắt bất thường (có thể quay đi, tránh không nhìn chăm chăm, ánh mắt đờ đẫn trống vắng hoặc tránh không nhìn khi giao tiếp...)

- Không hoặc ít phát ra âm thanh, không cười thành tiếng. Không nói, chậm nói, nói kém, nói sõi nhưng ít khởi xướng nói, gặp người lạ không nói...

- Hoạt động theo nhóm giảm, khó tham gia vào trò chơi, kỹ năng chơi nghèo nàn, rập khuôn, thờ ơ.

- Hành vi bất thường: tự đánh mình, đánh người khác, cử động khác thường tay chân (vẫy tay, vê xoắn tay, khi đi kiễng chân... ), tự kích thích mình (hét lên, vẩy tay, chạy vòng tròn, sờ bộ phận sinh dục)...

Phụ huynh cũng có thể tham khảo 5 dấu hiệu cờ đỏ phát hiện sớm tự kỷ của Viện Hàn lâm thần kinh học của Mỹ:

- Không bi bô, không biết dùng cử chỉ, ra dấu vào khoảng 12 tháng.

- Không biết nói từ đơn khi 16 tháng.

- Không biết đáp lại khi được gọi tên.

- Không tự nói được câu có hai từ khi 24 tháng.

- Mất kỹ năng ngôn ngữ hoặc xã hội ở bất kỳ độ tuổi nào.

Vương Linh

* Tên các bệnh nhi trong bài đã được thay đổi