Công an được nổ súng: Dễ dẫn đến lạm quyền?


Người dân hỗ trợ, khống chế một thanh niên có hành vi chống đối CSGT
Người dân hỗ trợ, khống chế một thanh niên có hành vi chống đối CSGT
Nhiều chuyên gia pháp luật cho rằng, dự thảo Nghị định quy định các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hành vi chống người thi hành công vụ do Bộ Công an soạn thảo có nhiều nội dung chưa rõ, dễ dẫn đến lạm quyền.

Viện lý do “tình hình chống người thi hành công vụ ngày càng phức tạp”, Bộ Công an đang dự kiến trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hành vi chống người thi hành công vụ. Theo dự thảo nghị định, người thi hành công vụ được nổ súng trực tiếp vào người và phương tiện vi phạm để phòng vệ, tấn công, vô hiệu hóa hành vi chống người thi hành công vụ... Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng dự thảo này có nhiều điều bất ổn, dễ dẫn đến sự lạm quyền.

Nhiều quy định chưa rõ

Điều 22 Pháp lệnh số 16/2011 của UBTV Quốc hội (về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ) đã quy định khá rõ trường hợp nào được bắn súng, trường hợp nào không. Theo đó, người thi hành công vụ chỉ được nổ súng trong trường hợp phòng vệ chính đáng hoặc tình thế cấp thiết; chỉ nổ súng khi không còn biện pháp nào khác để ngăn chặn hành vi của đối tượng và sau khi đã cảnh báo mà đối tượng không tuân theo. Trong mọi trường hợp nổ súng, người sử dụng súng cần hạn chế thiệt hại do việc nổ súng gây ra.

Trong khi đó, Điều 18 dự thảo nghị định lại quy định: “Trường hợp hành vi chống người thi hành công vụ có dấu hiệu của một tội phạm ít nghiêm trọng thì người thi hành công vụ được sử dụng vũ lực... Trường hợp có căn cứ thực tế để cho rằng hành vi chống người thi hành công vụ sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng về tính mạng, sức khỏe, tài sản của người thi hành công vụ hoặc của người khác hoặc có dấu hiệu của một tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng thì người thi hành công vụ được nổ súng trực tiếp vào người và phương tiện vi phạm...”.

Giảng viên Nguyễn Đình Thắm (khoa Tội phạm học và Điều tra tội phạm, Phân hiệu Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại TP.HCM) nhận xét: “Quy định này của dự thảo có phần tối nghĩa hơn các quy định hiện hành”. Ông Thắm phân tích: “Sẽ không ổn nếu để lực lượng thi hành công vụ tự dựa vào những dấu hiệu ban đầu để xác định tội phạm ít nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng. Cái gọi là căn cứ thực tế để nổ súng cũng không rõ vì chưa đưa ra định lượng cụ thể. Trên thực tế có nhiều vụ chống người thi hành công vụ có tính chất, mức độ nguy hiểm và quy mô khác nhau. Có trường hợp người thực thi nhiệm vụ chia thành nhiều nhóm, nhiều đội nhỏ với tính chất công việc khác nhau. Nếu không xác định đúng tính chất, mức độ chống đối mà nổ súng khi chưa thật sự cần thiết thì sẽ gây khó khăn cho việc điều tra, truy tố, xét xử và định tội danh”.
 - 1
Người dân hỗ trợ, khống chế một thanh niên có hành vi chống đối CSGT Rạch Chiếc, Công an TP.HCM. Ảnh: Đăng Lê
Thẩm phán Phạm Công Hùng (Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao) lưu ý: “Hành vi tấn công người đang thi hành công vụ phải được “đặt tên” rõ để ngăn chặn chứ không thể trao quyền cho người thi hành công vụ nhận diện. Khi nghi ngờ tội phạm, các cơ quan tố tụng phải thực hiện các biện pháp tư pháp để củng cố chứng cứ trong thời gian dài mới có thể kết luận được. Do vậy, không thể cho rằng cứ thấy có dấu hiệu nguy hiểm là có thể nổ súng, điều này rất dễ dẫn tới tình trạng lợi dụng, lạm quyền nổ súng tràn lan”.

Cách nào khắc phục?

Theo ThS Phan Anh Tuấn (Trưởng bộ môn Luật hình sự, khoa Luật hình sự, Trường ĐH Luật TP.HCM), trong quá trình thực thi Pháp lệnh 16/2011, nếu thấy có khó khăn làm bó tay người thực hiện, Bộ Công an có thể khiến nghị chỉnh sửa pháp lệnh. Ngược lại, nếu chỉ là những vướng mắc về nghiệp vụ, Bộ Công an chỉ cần ban hành thông tư hướng dẫn thi hành một số nội dung của pháp lệnh là đủ. Do có giá trị thấp hơn và nội dung không thể trái với pháp lệnh của UBTV Quốc hội nên nghị định của Chính phủ không thể quy định nội dung khác. Ví dụ: việc giải thích các tình huống được nổ súng tại nghị định không thể trái với pháp lệnh.

Thẩm phán Phạm Công Hùng thì cho rằng thông tư hay nghị định không quan trọng vì nó đều là văn bản mang tính hướng dẫn, làm rõ các quy định của pháp lệnh. Cả hai đều không được cao hơn và mâu thuẫn với pháp lệnh. Tuy nhiên, đã là giải thích thì phải rõ nghĩa hơn cái ban đầu. Văn bản hướng dẫn không được “đẻ” ra những vấn đề khác với pháp lệnh hiện hành. Nên chăng Bộ Công an chỉ cần hướng dẫn những trường hợp nào được coi là tình thế cấp thiết, đe dọa trực tiếp tới tính mạng người thi hành công vụ. Nếu thật sự nguy hiểm tới tính mạng thì nổ súng, còn không chỉ cần sử dụng biện pháp nghiệp vụ khống chế, bắt giữ xử lý là đủ.
Bảy trường hợp công an được nổ súng

1) Đối tượng đang sử dụng vũ lực, vũ khí, vật liệu nổ trực tiếp đe dọa đến tính mạng người thi hành công vụ hoặc người khác;

2) Đối tượng đang sử dụng vũ khí, vật liệu nổ tấn công hoặc đe dọa sự an toàn của công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia, mục tiêu quan trọng được bảo vệ theo quy định của pháp luật;

3) Đối tượng đang thực hiện hành vi cướp súng của người thi hành công vụ;

4) Đối tượng đang sử dụng vũ khí gây rối trật tự công cộng có thể gây hậu quả rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng;

5) Đối tượng đang đánh tháo người bị giam, người bị dẫn giải do phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, tái phạm nguy hiểm; người bị giam, giữ, bị dẫn giải, bị áp giải do phạm tội đặc biệt nghiêm trọng đang chạy trốn hoặc chống lại;

6) Được phép bắn vào phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, phương tiện giao thông đường thủy nội địa để dừng phương tiện đó trong các trường hợp sau, trừ phương tiện giao thông của các cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự nước ngoài, cơ quan đại diện tổ chức quốc tế:

Đối tượng điều khiển phương tiện đó tấn công hoặc đe dọa trực tiếp đến tính mạng người thi hành công vụ hoặc người khác;

Khi biết rõ phương tiện đó do đối tượng phạm tội điều khiển cố tình chạy trốn, trừ trường hợp trên phương tiện có chở khách hoặc có con tin;

Khi biết rõ trên phương tiện cố tình chạy trốn có đối tượng phạm tội hoặc vũ khí, vật liệu nổ trái phép, tài liệu phản động, bí mật nhà nước, ma túy số lượng lớn, tài sản đặc biệt quý hiếm, bảo vật quốc gia, trừ trường hợp trên phương tiện có chở khách hoặc có con tin;

7) Động vật đang đe dọa đến tính mạng và sức khỏe của người thi hành công vụ hoặc người khác.
(Theo khoản 3 Điều 22 Pháp lệnh 16/2011)
Chỉ được bắn chỉ thiên

Vụ việc chống người thi hành công vụ này xảy ra đã hơn một năm nhưng nhiều người dân TP Mỹ Tho (Tiền Giang) vẫn còn nhớ rõ. Đêm 28-12-2011, hai nhóm côn đồ rượt đuổi và chém nhau loạn xạ bằng mã tấu trên đường Lê Thị Hồng Gấm (phường 4) khiến người đi đường và người dân trong khu vực hoảng loạn. Khi bọn chúng ẩu đả trước cổng Đài Phát thanh-Truyền hình Tiền Giang, hai cảnh sát bảo vệ mục tiêu (thuộc Công an tỉnh Tiền Giang) đã mang súng AK47 ra ngăn cản nhưng chúng vẫn không dừng lại.

Tình hình căng thẳng buộc một cảnh sát phải chĩa súng lên trời nổ hai phát chỉ thiên để giải tán đám đông. Ngay lập tức, một tên côn đồ lao vào vung mã tấu chém viên cảnh sát vừa nổ súng khiến các cảnh sát phải lùi lại, một cảnh sát tiếp tục nổ súng bắn chỉ thiên để giải cứu đồng đội. Nghe súng tiếp tục nổ, tên côn đồ cầm mã tấu không chùn bước mà quay sang chém người vừa nổ súng, buộc viên cảnh sát này phải chĩa súng xuống đất bắn cảnh cáo. Lúc này viên đạn trượt xuống mặt đường và văng lên trúng vào chân tên côn đồ hung hãn khiến hắn bị thương, cả bọn mới chịu kéo nhau bỏ chạy.

Khi có người thắc mắc “sao không bắn thẳng vào tên côn đồ đang say máu để bảo vệ tính mạng bị đe dọa”, các cảnh sát cho biết họ chỉ được phép bắn chỉ thiên để tự vệ.
HÙNG ANH
Những vụ hành hung, tấn công cảnh sát

- Đêm 22/2, tổ công tác Đội CSGT số 1 Công an TP Kon Tum (tỉnh Kon Tum) gồm Đại úy Phạm Ý Nguyện, Thượng úy Nguyễn Ngọc Trí và hai chiến sĩ khác phát hiện ba thanh niên đi trên một xe máy không đội mũ bảo hiểm, đánh võng, quẹt chân chống xuống đường. Tổ công tác ra hiệu lệnh dừng xe nhưng chúng rú ga bỏ chạy. Đại úy Nguyện và Thượng úy Trí liền truy đuổi, đến đường Nguyễn Văn Cừ thì xuất hiện bốn thanh niên khác. Chúng gọi điện thoại cho hai thanh niên khác đến lấy gậy gỗ và gạch đá vây đánh hai CSGT khiến Đại úy Nguyện bị chấn thương sọ não, gãy xương tay trái; Thượng úy Trí bị đa chấn thương vùng đầu và mặt. Hiện năm nghi can vụ tấn công đã bị bắt.

- Mới đây, tại ngã tư Vành Đai Trong - đường số 1 (Bình Trị Đông B, Bình Tân, TP.HCM), bốn thanh niên đi trên một xe máy, không đội mũ bảo hiểm tăng ga bỏ chạy khi gặp CSGT. Bị truy đuổi, cả bốn vứt xe xông vào tấn công hai CSGT. Một người giật mũ bảo hiểm của CSGT làm hung khí đánh trả, ba người còn lại lấy đá ném. Sau đó, Công an quận Bình Tân hỗ trợ truy bắt được bốn người này.

- Mới đây, Công an phường Phú Thọ Hòa (Tân Phú, TP.HCM) dừng một xe máy chở ba không xuất trình được giấy tờ. Công an mang xe về phường tạm giữ. Sau đó, ba người này gọi thêm bốn người khác cầm theo hai cây tầm vông đến trước trụ sở công an phường định cướp lại xe. Khi trực ban hình sự công an phường ngăn chặn thì những người này dùng cây tầm vông tấn công lại...
Nổ súng trực tiếp vào người là sao?

Dự thảo của nghị định cho phép lực lượng công an được bắn các đối tượng có hành vi chống người thi hành công vụ làm tôi rất băn khoăn. Tôi e rằng sẽ có sự lạm dụng gây nguy hiểm không đáng có cho người vi phạm, thường là những đối tượng trẻ hay bốc đồng.

Từ trước đến giờ, khi cần sử dụng biện pháp mạnh với các đối tượng chống đối, người thi hành công vụ hay gặp khó khăn ở cách xác định thế nào là phòng vệ chính đáng. Do vậy, Bộ Công an cần hướng dẫn nghiệp vụ này. Ngoài ra, Bộ có thể thống nhất bằng văn bản cách sử dụng công cụ hỗ trợ, vũ khí sao cho phù hợp. Nếu đối tượng dùng hung khí (dao, kiếm, mã tấu, chĩa, gậy…) để tấn công thì người thi hành công vụ chỉ cần bắn đạn cao su là khống chế được rồi… Không nên quy định chung chung “nổ súng trực tiếp vào người” vì tay, chân, mình, đầu, mặt đều là các bộ phận của thân thể con người.
Thiếu tướng NGUYỄN VĂN ON, nguyên Giám đốc Công an tỉnh Tiền Giang
THÁI HIẾU ghi
Theo Thanh Tùng (Pháp luật TP.HCM)