Mũ bảo hiểm “xịn” sẽ không lên “cơn sốt”


Mũ bảo hiểm "xịn" sẽ không lên "cơn sốt"
Mũ bảo hiểm "xịn" sẽ không lên "cơn sốt"

Mũ bảo hiểm “xịn” sẽ không lên “cơn sốt” 


Thứ hai, 11/03/2013, 16:55 (GMT+7)
Trước thông tin ngày 15/4 sẽ xử phạt người đội mũ bảo hiểm "rởm", người dân tìm đến các cửa hàng bán mũ chính hãng nhiều hơn. Tuy nhiên, theo nhận định của các chủ hàng, mũ bảo hiểm “xịn” sẽ không “sốt” như năm 2007-thời điểm Nhà nước buộc người dân phải đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe máy.

Mũ bảo hiểm “dởm” rời quầy
Theo khảo sát của phóng viên, tại các đại lý, cửa hàng bán mũ bảo hiểm ở Hà Nội, 100% đều là mũ “xịn”.
Mũ người lớn, loại ôm cả đầu có giá từ 300.000 đồng. Đặc biệt, loại dành cho người đi xe phân khối lớn, hầm hố có giá từ 1,5-1,6 triệu đồng. Mũ bảo hiểm nửa đầu, giá giao động từ 220.000-350.000 đồng…
 - 1
100% mũ "dởm" đã rời quầy
Trước đây, các cửa hàng thường phải bán đan xen cả mũ bảo hiểm hợp chuẩn và không hợp chuẩn để giữ khách. Từ giữa tháng 2, danh mục mũ “rởm” đã bị hạ khỏi quầy.
Chị Hải Yến, chủ đại lý mũ bảo hiểm Hải Yến đường Xuân Thủy-Cầu Giấy (HN) cho biết: từ đầu tháng 2, lực lượng Quản lý thị trường đã thông báo, vận động các điểm kinh doanh mũ bảo hiểm không được bày bán hàng không đạt quy chuẩn. Theo đó, tại các điểm kinh doanh sẽ không được bán kèm mũ “rởm” như trước. Sau khi thông báo 1 tuần, lực lượng Quản lý thị trường đã đi kiểm tra, xử phạt và thu hồi những trường hợp vi phạm. Đến nay, tại các đại lý, cửa hàng hầu như không còn xuất hiện mũ bảo hiểm kém chất lượng.
 - 2
Người dân đã chú ý hơn tới chất lượng mũ bảo hiểm
Tại đại lý Hải Yến, giá mũ bảo hiểm người lớn giao động từ 130.000-600.000 đồng/chiếc; mũ bảo hiểm trẻ em từ 150.000-230.000 đồng/chiếc.
Chủ cửa hàng này cũng cho biết, khoảng 2 tuần trở lại đây, lượng mũ “xịn” bán ra đã bắt đầu tăng. Nếu như trước đây, mỗi ngày cửa hàng chỉ bán được “vài chiếc” thì nay đã tăng lên khoảng 30 chiếc/ngày.
Tại đại lý mũ bảo hiểm Như Mai, đường Xã Đàn, phường Kim Liên-Đống Đa, mấy ngày gần đây, lượng mũ “xịn” bán ra đã tăng gần gấp 3 lần ngày thường. Trước đây, đại lý chỉ bán được gần 100 chiếc mũ “xịn”, đến nay đã bán được gần 300 chiếc/ngày.
Anh Vinh, chủ đại lý này cho biết: Trước đây, người dân thường mua mũ thời trang “dởm” vỉa hè bởi sự trẻ trung, tiện lợi và rẻ. Các loại mũ này thường có nhiều kiểu đáp ứng cho khách hàng như mũ khoét sau dành cho nữ khách hàng búi tóc; hay thiết kế rất mỏng, nhẹ, chỉ đội đối phó, giá từ 20.000-50.000 đồng. Đến nay, khách hàng đã có ý thức tìm mua hàng chính hãng, đảm bảo an toàn dù có đắt hơn nhiều lần.
 - 3
Kiểm tra và so sánh từng chi tiết sản phẩm
Tại các đại lý, cửa hàng có giấy phép kinh doanh, mũ bảo hiểm dởm không còn đất sống nhưng tại vỉa hè, loại mũ này vẫn còn bày bán tuy không nhiều như trước.
Đường Nguyễn Hữu Thọ (Từ Liêm), các cửa hàng mũ bảo hiểm “dởm” di động đã không còn. Trước đây, các cửa hàng di động luôn tấp nập chờ khách mua loại mũ lưỡi trai nhựa có giá từ 25.000-45.000 đồng.
Tại đường Trường Chinh, quận Đống Đa, những xe bán mũ bảo hiểm “dởm” không còn đặt công khai ở vỉa hè. Người bán đã chủ động rút vào sâu trong ngõ vừa bán vừa nấp, thấy lực lượng chức năng là lên xe “chạy” mũ.
Mũ “xịn” không sợ bị “hét” giá
Tại đại lý mũ bảo hiểm Hải Yến, mặc dù khách hàng đến mua mũ “xịn” đã tăng nhưng giá mũ vẫn không thay đổi. Tuy nhiên, theo phỏng đoán của chủ đại lý này, 1 tuần nữa, giá mũ “xịn” có thể tăng lên do các doanh nghiệp “đòi” thêm chi phí vận chuyển.
Theo nhận định của chị Yến, sắp tới, mũ bảo hiểm “xịn” sẽ bán chạy hơn nhưng không có chuyện “sốt” mũ như năm 2007-Nhà nước buộc người dân phải đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy. Bởi, theo giải thích của chị Yến, lần bán mũ này của các đại lý chỉ nhằm vào lượng người đang dùng mũ “dởm” trên thị trường. Thế nên, việc bán mũ chỉ mang tính chất “bổ sung”.
 - 4
Dán thêm tem bảo hành cho khách. Mũ "xịn" bị vỡ trước 1 năm, khách sẽ được đổi mũ mới
Trước đó đại lý này vẫn bán chung mũ “dởm” và mũ “xịn” vì khách hàng chủ yếu mua mũ “dởm” để đối phó.
“Nếu không nhập thêm mũ “dởm” thì ế lắm, sẽ mất hết khách. Việc đội mũ bảo hiểm dởm là do ý thức của khách hàng. Mình không nhập về phục vụ thì không được”, chị Yến nói.
Theo lời chị này, khi biết thông tin người đội mũ bảo hiểm không đảm bảo sẽ bị phạt, khách hàng đến mua thường được tư vấn mua loại có tem đảm bảo. Tuy nhiên, nhiều khách hàng nghi ngờ người bán câu kéo, bỏ đi không mua cả “xịn” lẫn “dởm”.
“Đáng lẽ bán được thêm 1 mũ lưỡi chai mấy chục nghìn, tư vấn cho họ mua mũ theo chuẩn để khỏi phải bỏ đi thì mất cả chì lẫn chài”, chủ đại lý Hải Yến cho biết.
 - 5
Khi dán thêm tem này, khách hàng sẽ được bảo hành mũ trong vòng 1 năm từ khi mua
Tại đại lý Như Mai trên đường Xã Đàn, anh Vinh - chủ đại lý cho biết sẽ giữ nguyên giá mặc dù các nhà sản xuất đang có tín hiệu tăng giá.
“Chúng tối chấp nhận giảm lợi nhuận để giữ nguyên giá cho người dân”, anh Vinh khẳng định.
Tư vấn cho khách hàng để chọn được mũ bảo hiểm đảm bảo chất lượng, chị Hoa-chủ cửa hàng mũ Thái An trên phố Kim Mã, quận Ba Đình cho biết: nên chọn mũ có đầy đủ các bộ phận như vỏ mũ, lớp đệm và quai đeo, bên ngoài vỏ mũ có dán tem CR của các công ty sản xuất mũ bảo hiểm đã có tiếng và tem đã kiểm tra đối với hàng nhập khẩu. Từ 2-3 tháng một lần, khách hàng mang mũ ra giặt để chống ngứa đầu và hạn chế mùi hôi lưu cữu trong lớp đệm hay quai buộc.
Ngoài ra, khách hàng nên chọn các loại mũ có kính chắn để che mưa, chống bụi, nắng. Không nên tháo những phụ kiện như vành che, kính.
Theo khẳng định của Ủy ban ATGT quốc gia, từ 15/4, các lực lượng chức năng sẽ xử phạt nghiêm hành vi sản xuất kinh doanh và sử dụng MBH giả, trong đó đáng chú ý nhất là phạt tiền 100.000 – 200.000 đồng với người đội mũ bảo hiểm giả. Công việc này bước đầu sẽ thực hiện tại các thành phố lớn, sau đó rút kinh nghiệm và thực hiện trên toàn quốc.
"Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy" do Bộ Khoa học Công nghệ ban hành năm 2008 quy định về nhãn mác và thông tin ghi trên mũ như sau:
2.3.  Ghi nhãn
2.3.1.  Nội dung ghi nhãn mũ thực hiện theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hoá. 
2.3.2.  Nhãn phải  được ghi một cách rõ ràng, bền vững (không phai mờ) trên bề mặt trong hoặc ngoài mũ. 
2.3.3.  Nhãn của mũ sản xuất trong nước tối thiểu phải bao gồm các thông tin sau:
- Tên sản phẩm: Phải có cụm từ ″Mũ  bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy″;
- Tên và địa chỉ cơ sở sản xuất;
- Cỡ mũ;
- Tháng, năm sản xuất.
2.3.4. Nhãn phụ của mũ nhập khẩu tối thiểu phải bao gồm các thông tin sau:
- Tên sản phẩm: Phải có cụm từ ″Mũ  bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy″;
- Tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân nhập khẩu và phân phối;
- Xuất xứ hàng hoá;
- Cỡ mũ;
- Tháng, năm sản xuất.
Tiến Sơn