NPH game nào "ăn gạch" nhiều nhất trong quý I 2013 ?

Mong muốn thu về danh tiếng nhưng những gì họ làm đến giờ mới chỉ mang lại tai tiếng mà thôi.


Game5 - NPH thích sử dụng chiêu PR phản cảm

Đứng đầu danh sách tên các NPH game bị nhắc đến nhiều nhất với thái độ không thiện cảm, không ai khác chính là Game5.

Ban đầu, Game5 chỉ đơn giản được biết tới là một công ty phát hành game Thủy Hử Truyền Kỳ với thời gian bảo trì kéo dài "biệt vô âm tín" từ ngày 5/2, đi kèm với sự biến mất của gần như toàn bộ nhân sự khi nhiều game thủ cho biết họ đã gửi e-mail phản ánh đến bộ phận hỗ trợ và chăm sóc khách hàng, song không nhận được hồi âm.

Sau khi những thông điệp cụ thể của cộng đồng được "trao gửi tận tay" bà Ang Hạ Liên, đại diện truyền thông của NPH Game5, câu trả lời nhận được là do lỗi phát sinh từ phía đối tác nước ngoài. Các "thông báo cụ thể, sớm nhất" được hứa hẹn sẽ tới vào đầu tháng 3 nhưng hiện đã quá 10 ngày đầu tiên, cộng đồng game thủ vẫn chưa nhận được câu trả lời rõ ràng, rành mạch.

Một game hay có cái tên ý nghĩa đã trở thành tâm điểm ném đá khi xuất hiện tại Việt Nam.

Tuy nhiên, Game5 sẽ không thể nhận được "ngôi vị quán quân" trong Top các hãng phát hành game bị "ném đá" nhiều nhất quý I năm nay nếu chỉ nhờ sự việc trên. Đỉnh điểm của dư luận được tạo ra bắt đầu khi NPH này tung ra teaser game mới với sự cóp nhặt, lắp ghép một cách khôi hài giữa hai sản phẩm không có chút liên quan làAssassin's Creed và World of WarCraft (WoW).

Khi sản phẩm ra mắt, trò chơi được lựa chọn đặt cho một cái tên gây nhiều tranh cãi là Rồng Lộn, với lời cam kết tên game "không dung tục". Lời lý giải "một con rồng được treo lộn ngược" của NPH này thực sự vẫn chưa thuyết phục được cộng đồng game thủ. Trên thực tế, phiên bản game gốc là Dragon's Call 2 có biểu tượng con rồng hướng lên trên. Theo ý kiến của một số game thủ, chính tay NPH này đã tự làm cho "lộn rồng" của mình xuống để giải thích cho cái tên đầy tréo nghoe này.

Tiếp đó, Game5 lại biến sản phẩm của mình thành "game của Phồng Tôm", một nhân vật hư cấu khá nổi tiếng được cộng đồng mạng tạo ra một thời gian trước đây. Hàng loạt bức ảnh chế được tung ra nhằm gây cười và kích thích sự quan tầm tò mò của cộng đồng mạng bước đầu đã có những kết quả khả quan. Dẫu vậy, cho tới thời điểm hiện tại, việc sử dụng fanpage mang tên Phồng Tôm với hàng loạt chiêu bài câu like, quảng cáo khá trắng trợn trên facebook đã bắt đầu vấp phải làn sóng phản đối khá dữ dội của rất nhiều người.

"Game 5 không uy tín, tránh xa ra, đừng chơi game của Game5, chọn NPH khác mà chơi cho đảm bảo", ý kiến của game thủ Nguyễn Minh Quân và nhiều người chơi khác liệu có phải là điều mà bộ phận PR, Marketing và phát hành của Game5 mong muốn nhận được?

Đối chọi lại với cộng đồng mạng rất "đông và hung hãn", NPH liệu đã suy nghĩ chin chắn?

Gosu - "Chưa đỗ ông nghè đã đe hàng tổng"

Cái tên được nhắc đến tiếp theo là Gosu, được coi như một hiện tượng mới nổi của làng game đầu năm 2013 này với bảo vật mới được bật mí Cửu Âm Chân Kinh, bom tấn của thị trường game Trung Quốc và thế giới.

Bắt đầu từ cuối tháng 12 năm ngoái, Gosu từng khẳng định đã mua bản quyền thành công "bom tấn" Cửu Âm Chân Kinh từ Cubinet - đơn vị phân phối trò chơi tại Đông Nam Á. Kể từ đó, liên tiếp các động thái truyền thông cho game được Gosu triển khai, từ việc ra mắt trang teaser tiếng Việt, tung ảnh, clip Việt hóa, hình thức kinh doanh (bán code kích hoạt)... Thậm chí, NPH này còn tuyên bố rằng họ đã chi đến 20 tỷ đồng cho bản quyền trò chơi. Trong khi đó, admin trên fanpage của trò chơi này cũng tung ra tin đồn thất thiệt về ngày cho tải về bộ cài. Còn vấn đề quan trọng nhất, việc xin giấy phép phát hành sản phẩm chính thức tại Việt Nam cũng luôn được khéo léo tránh nhắc tới.

Không dừng lại ở đó, thông tin mới đây về mức giá 1 triệu đồng của Hộp vật phẩm kỷ niệm game cũng khiến cộng đồng nảy sinh nhiều luồng dư luận. Khá đông người chơi đều không hài lòng với con số đưa ra bởi "đa số game thủ đều không chơi được trừ 99 người có Anh hùng thiếp", những người còn lại muốn chơi thì phải bỏ ra 1 triệu đồng để test game. Một số người chơi khác cũng cho rằng "Alpha Test mà tốn thế, ai dám nghĩ đến lúc Closed Beta với Open Beta sẽ như thế nào". Bên cạnh đó, việc Gosu không công bố rõ ràng thời điểm bán code kích hoạt giá 100 nghìn khiến một số người suy đoán NPH này đang cố tình "chơi đòn gió" với mục đích bán được nhiều Hộp vật phẩm.

Ngoài chất lượng sản phẩm, cách mà Gosu lựa chọn để phát hành game sẽ ảnh hưởng tới sự thành công của Cửu Âm Chân Kinh tại Việt Nam.

Việc sở hữu trong tay một sản phẩm lớn và đầy sức hút như Cửu Âm Chân Kinh khiến cho cả làng game trong những tháng vừa qua gần như bị NPH này "xoay chong chóng" giữa muôn vàn các thông tin liên tiếp, lúc thật lúc mập mờ về cách thức phát hành, việc quản lý cũng như bộ cài sản phẩm. Trong khi đó, chất lượng của game hiện vẫn mới chỉ được hé lộ thông qua một vài clip Việt hóa đơn giản, ảnh chụp màn hình…

Theo ý kiến của nhiều game thủ đã trải nghiệm phiên bản nước ngoài của Cửu Âm chân Kinh, đây có thể coi là một sản phẩm đồ sộ và có gameplay mới lạ. Tuy nhiên, việc nó có thực sự phù hợp với thói quen chơi game của game thủ Việt hay không, có dễ dàng tiếp cận với mọi tầng lớp đối tượng game thủ hay không… là một vấn đề đáng phải xem xét một cách cẩn trọng. Chuyện "hô phong hóa vũ" dẫu sao cũng như việc tô điểm trang trí bao bì, nếu bỏ qua hoặc lơ là khâu kiểm duyệt chất lượng, Cửu Âm Chân Kinh có thể sẽ bước theo vết xe đổ của nhiều trò chơi tên tuổi khác như Atlantica, Cabal, GE…

Có thể nói Gosu đang mạo hiểm chơi một canh bạc mang tên Cửu Âm Chân Kinh với cộng đồng game thủ và số phận của họ sớm sẽ được định đoạt khi trò chơi ra mắt trong năm nay, hoặc một ngày đẹp trời nào đó trong tương lai.

Theo: Bảo Nam (còn nữa)