Hành khách trên xe chạy đêm tuyến Hà Nội - Vinh
Hàng loạt cú phanh gấp muốn xé toang màn đêm yên tĩnh, từng vòng cua lấn làn kinh hoàng trên những cung đường đèo... Những tài xế xe khách chạy đêm như đang chạy đua cùng bóng tối và cả… tử thần.
Càng khuya, càng “đóng” tẹt ga
Tối 9/3, trong vai hành khách về quê miền Trung, chúng tôi tìm đến một xe khách giường nằm chạy tuyến Mỹ Đình, Hà Nội - bến xe TP.Vinh, Nghệ An. Chúng tôi chọn xe khách loại 42 chỗ, gồm hai lái xe và 3 phụ xe. Người lái xe chính còn khá trẻ, trạc 30 tuổi.
Khác với nửa giờ rề rà đón khách lúc còn ở nội đô Hà Nội (kể cả đón khách trên… đường cao tốc), xe bắt đầu “phi” với với tốc độ chóng mặt khi ra tới đường Pháp Vân (Thường Tín, Hà Nội). Đáng nói là không chỉ mình xe chúng tôi, hàng chục xe khách chạy tuyến Bắc - Nam bám đuôi nhau lúc đó cũng lao vun vút về phía trước, còi vang inh ỏi, đèn xi nhan chớp tắt chớp đỏ liên hồi.
Xe khách cập bến Mỹ Đình sau một đêm trên đường
23h đêm, mọi người gặp một phen hú vía khi xe về đến đường Trần Hưng Đạo, TP.Ninh Bình. “Kétttttttt..éttttt…”. Xe phanh gấp, bánh xe nghiến xuống mặt đường tưởng cháy bánh, chiếc xe đảo hẳn về vỉa hè bên phải. Thì ra sau một hồi lâu đeo bám chiếc xe container phía trước, tài xế quyết định vượt lên nhưng lại nhằm đoạn đường hẹp. Hú hồn, cú vượt trái bất thành, may sao bác tài cũng xử lý kịp. Mọi người đều tỉnh giấc, nhốn nháo cả lên. Phụ xe miệng cười cười, trấn an: “Không có gì đâu, đường hẹp, phanh gấp, bà con yên tâm ngủ tiếp nhé”.
Nhưng đó chỉ mới là “tập 1” của chuyến xe kinh hoàng. Trong suốt 5 giờ lăn bánh sau đó, hành khách liên tục được dịp luyện thần kinh thép khi xe cứ lao đi, mà có lúc vận tốc lên đến 90km/h, rồi đột ngột phanh gấp. Xe đánh võng trên mặt đường, lúc lao về trái, lúc nghiêng về phải như say rượu mặc cho nhiều đoạn đường khá gồ ghề, đầy ổ voi, ổ gà. Thấy tôi rùng mình vì tốc độ như “tên lửa” của xe, một phụ xe tên Hưng đứng bên vội vàng động viên: “Kiểu này là thường thôi mà. Nhiều hôm xe nhà về vội, chạy với vận tốc lớn hơn cũng không sao cả. Chú yên tâm đi!”.
Giả vờ bình tĩnh, tôi “đá” sang chuyện chạy tốc độ cao lỡ gặp cảnh sát giao thông tuýt còi thì sao?, Hưng cười phân trần: “Khuya khoắt thế này, đoạn đường vắng, không có cảnh sát giao thông các xe khách mới dám chạy nhanh, chứ ban ngày có mấy ông (CSGT – PV) đứng canh, lại hay bắn tốc độ, cho tiền nhà xe, tài xế cũng chả dám đua”.
Giả vờ bình tĩnh, tôi “đá” sang chuyện chạy tốc độ cao lỡ gặp cảnh sát giao thông tuýt còi thì sao?, Hưng cười phân trần: “Khuya khoắt thế này, đoạn đường vắng, không có cảnh sát giao thông các xe khách mới dám chạy nhanh, chứ ban ngày có mấy ông (CSGT – PV) đứng canh, lại hay bắn tốc độ, cho tiền nhà xe, tài xế cũng chả dám đua”.
Hành khách trên xe chạy đêm tuyến Hà Nội - Vinh
Sau câu chuyện của chúng tôi, anh Hải ở Quỳ Hợp, Nghệ An, nằm giường bên cạnh tỏ vẻ ngán ngẩm tột cùng. Mặt phờ phạc, mắt đỏ ngầu vì mất ngủ, anh Hải nói: “Lúc lên Hà Nội thăm em trai, tôi đi xe ban ngày mệt đứ đừ. Tưởng chiều về đi xe đêm sẽ được chợp mắt cho khỏe, ai ngờ còn mệt hơn gấp vạn lần, lại còn nơm nớp không yên”.
2h sáng ngày 10/3, khi đến địa phận xã Quảng Bình, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa, chúng tôi tiếp tục chứng kiến những cảnh chắc chỉ có trên màn ảnh. Trời lúc này tối đen như mực nhưng hàng loạt xe tải, xe container, xe khách thay phiên nhau rượt đuổi, lao ầm ầm trên đường. Chiếc xe mười mấy tấn đang chạy gần cả 100 km/h đột ngột dừng lại vì tránh xe chạy trước - cứ đơn giản như người ta hất một ca nước xuống đường. Hành khách hoảng hốt, có người nôn thốc nôn tháo, trẻ nhỏ kêu khóc, người già rên rỉ, nhưng tài xế và phụ xe mặt vẫn lạnh như tiền.
2h sáng ngày 10/3, khi đến địa phận xã Quảng Bình, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa, chúng tôi tiếp tục chứng kiến những cảnh chắc chỉ có trên màn ảnh. Trời lúc này tối đen như mực nhưng hàng loạt xe tải, xe container, xe khách thay phiên nhau rượt đuổi, lao ầm ầm trên đường. Chiếc xe mười mấy tấn đang chạy gần cả 100 km/h đột ngột dừng lại vì tránh xe chạy trước - cứ đơn giản như người ta hất một ca nước xuống đường. Hành khách hoảng hốt, có người nôn thốc nôn tháo, trẻ nhỏ kêu khóc, người già rên rỉ, nhưng tài xế và phụ xe mặt vẫn lạnh như tiền.
“Bình thường thôi. Ai đi lần đầu mới sợ chứ bọn tôi thì ngại gì. Từ Hà Nội về bến xe TP Vinh mất khoảng 6 tiếng là cùng. Xe chạy nhanh quá nên phải chao đảo khi tránh xe khách chạy ngược chiều chứ, chuyện như cơm bữa ấy mà”, phụ xe tên Thuận tỉnh bơ cho biết.
Lái xe Hà Nội - Vinh vẫn miệt mài nhấn ga xuyên màn đêm
Lái xe cũng như chơi… lắc vòng
“Thức đêm trên xe khách mới thấy đêm dài!”. Câu nói này được nhóm phóng viên thời sự chúng tôi ghi nhận từ những hành khách đã kinh qua những chuyến xe đêm và cả từ những chuyến đi thực tế mà nghĩ lại vẫn thót tim. Với tôi, là nhớ mãi những vòng cua gấp khúc đoạn qua TP. Cẩm Phả (Quảng Ninh), từ xã Mông Dương trên quốc lộ 18 hướng lên Móng Cái.
Khoảng 2h sáng, đã qua hơn nửa cuộc hành trình từ Hà Nội lên vùng kinh tế cửa khẩu. Ngó ra ngoài qua ô cửa kính, trời tối lờ mờ, không một ánh đèn nhà cửa. Xung quanh chỉ toàn cây cối, rồi những vách núi ngay sát đường đi. Thi thoảng một vài ánh đèn pha chói mắt của những xe khách chạy ngược chiều về Hà Nội.
Cả chặng đường ngoằn ngoèo gần trăm cây số chẳng có nỗi một ánh đèn đường. Biển báo giao thông cũng không thấy đâu. Hành khách say ngủ. Anh tài xế liên tục đảo tay lái, nhấn rồi thả ga, đạp phanh. Thi thoảng xe cua lấn sang cả đường bên trái, cái kiểu đảo cua không kịp chứ không phải chiêu mở cua cho rộng như những chiếc container vẫn thường làm mà chúng ta thường bắt gặp trên đèo Hải Vân hay ở đâu đó.
Có lẽ bác tài xế chủ quan, nghĩ “đêm, dọc QL 18 đoạn này thường vắng xe” mà không tính đến tình huống nếu có xe đối đầu phía trước chắc chắn không kịp tránh. Cũng chả buồn nghĩ đến việc mình mà tính toán sai, cua thiếu nửa vòng là cả xe lẫn người xuống vực hoặc đâm vào xe khác ngay lập tức.
Xe khách cập bến Móng Cái vào lúc 5h sáng
Gần đến TP. Móng Cái, hình như lái xe mấy tiếng đồng hồ hơi mệt. Mặc dù xe này khá chuyên nghiệp, đổi lái thường xuyên. Bỗng thấy xe phanh gấp, phía trước một chiếc xe đi ngược chiều. Hình như xe tôi đang đi định lấn làn, vượt xe khác. Tài xế xe bên kia làu bàu câu gì đó. Rồi cuộc hành trình lại tiếp tục...
Lần trở về Hà Nội còn đáng sợ hơn. Vừa ra khỏi TP. Móng Cái, sương mù bao phủ dày đặc. Bên ngoài cửa kính chỉ một màu trắng xóa, cách 10m là đã khó lòng nhìn thấy nhau. Đường ngoằn ngoèo, trong điều kiện thời tiết xấu vậy mà xe cứ lao như tên bắn. Cứ như lập trình sẵn, hết trái rồi phải, có lúc xe nghiêng hẳn sang một bên. Áng chừng chừng tốc độ xe có lúc đạt đến 70km/h.
Thỉnh thoảng, lái xe mở cua quá rộng đường thì gặp ngay xe khác đi ngược chiều lên. Anh ta vội đảo gấp tay lái, nhiều hành khách đang bắt đầu thiu thiu ngủ bỗng như bị ai dựng ngược dậy kêu ú ớ. Dù đã quen tình huống đó, nhưng đôi khi họ cũng hơi hoảng. Rồi những vị khách mệt mỏi lại chìm vào giấc ngủ như chưa hề có chuyện gì xảy ra.
Gần đến TP. Cẩm Phả, chiếc xe bỗng đánh võng sang trái rồi sang phải ngay lập tức. Tôi giật bắn cả mình. Lái và phụ xe nói mấy câu gì đó. Thì ra một chiếc xe không sáng đèn đang dừng sửa bên đường. Một xe khác đi chiều ngược lại. Phần vì trời vẫn mù tối, phần ánh đèn pha ngược chiều chói mắt nên đến tận nơi tài xế mới giật mình đánh tay lái. Lái xe mà không kịp xử lý tình huống đó chắc xe chúng tôi đã đâm thẳng vào chiếc xe kia…
Nói thật, trước đây, vốn ra Bắc vào Nam bằng xe ô tô không ít. Đường rừng, đường đèo chúng tôi qua lại cũng nhiều. Lúc đi cũng thấy sợ, nhưng xuống xe rồi lại quên hết. Sau này lấy vợ có con, công tác tại Hà Nội, suốt ngày quanh quẩn Thủ đô. Lâu lắm, lần này mới đi đường dài một chuyến, lại nghĩ đến vụ tai nạn xe khách 12 người chết tại Khánh Hòa cách đây mấy hôm khiến chúng tôi bất giác rùng mình...
--------------
Những vụ tai nạn xe khách thảm khốc gần đây đều xảy ra vào ban đêm. Vụ tai nạn làm 12 người chết, hơn 50 người bị thương tại Khánh Hòa mới đây xảy ra lúc nửa đêm. Vụ xe khách lao xuống sông Sêrêpôk, Đắk Lắk khiến 34 người tử nạn, 21 người bị thương cũng xảy ra lúc nửa đêm (ngày 17/5/2012)… Nhưng một thực tế dễ nhận thấy khi quan sát ở các bến xe lớn trong cả nước, rất nhiều tuyến xe khách có lịch trình chạy vào ban đêm. Vì sao? Đón đọc kỳ 3: “Quan tài bay đêm”: Gửi mạng cho tài xế vào lúc 13h00 ngày 13/3. |
Văn Đức - Thư Lê(khampha.vn)