Bác sĩ “lỡ tay”, bệnh nhân lãnh đủ


Bé T.A.Đ sau ca mổ cấp cứu. (Ảnh: Dân Việt)
Bé T.A.Đ sau ca mổ cấp cứu. (Ảnh: Dân Việt)
Sai sót kỹ thuật trong chẩn đoán của các y bác sĩ đã để lại di chứng nặng nề cho không ít bệnh nhân. Từ thực tế đó đã khiến dư luận cảm thấy ái ngại về năng lực và y đức của người thầy thuốc?
Sự việc bác sĩ "lỡ tay" gần đây nhất xảy ra ngày 27/10 tại Khánh Hòa. Bệnh nhi T.A.Đ (21 tháng tuổi) là nạn nhân của vụ cắt nhầm bàng quang.
 - 1
Bé T.A.Đ sau ca mổ cấp cứu tại Bệnh viện Khánh Hòa. (Ảnh: Dân Việt)
Cha đẻ của bệnh nhân cho biết, cháu Đ được các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Cam Ranh chẩn đoán thoát vị bẹn và chỉ định mổ. Sau khi mổ, bụng cháu chướng lên và rất nguy kịch. Thấy bệnh tình cháu có vẻ nặng hơn, BV Cam Ranh đã chuyển cháu lên bệnh viện tỉnh mổ lại lần 2. Tại đây, các BS Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa cho rằng BV Cam Ranh cắt hết bàng quang của bệnh nhi là do họ nhầm bàng quang sang túi thoát vị. Các bác sĩ xác nhận những sai sót kỹ thuật của bệnh viện đã làm tổn thương bàng quang, ứ nước tiểu, ảnh hưởng đến thận, để lại di chứng nặng nề cho bệnh nhi.
Ngoài ra, không ít trường hợp chỉ vì sai sót của bác sĩ mà bị hủy hoại sức khỏe suốt cuộc đời.
Trước đó, ngày 9/12/2011, các bác sĩ bệnh viện Đa khoa Cần Thơ cũng “lỡ tay” cắt hết hai quả thận của bệnh nhân trong khi chỉ có một quả thận bị bệnh. Nạn nhân của vụ cắt nhầm thận là chị Hứa Cẩm Tú (37 tuổi) ngụ tại huyện Thới Lai, TP Cần Thơ.
Theo anh Nguyễn Thiện Trí chồng của nạn nhân bị cắt nhầm thận, vợ anh đi mổ thận trái nhưng bị cắt luôn cả thận phải. Trước khi vào bệnh viện phẫu thuật, chị Tú vẫn đi lại, lao động bình thường. Hai vợ chồng chị cật lực cả tháng cũng kiếm được khoảng 6 triệu đồng, đủ tiền đong gạo và cho con đi học. Nhưng từ ngày chị bị cắt nhầm thận, nguồn thu ấy cũng chẳng còn. Bị cắt mất thận, chị chỉ nằm một chỗ, tay chân, mặt mày sưng phù không ăn uống gì được.
Mấy tháng sau khi bị cắt nhầm thận, chị Tú phải sống nhờ máy hỗ trợ chạy thận. Anh Trí chồng chị Tú chia sẻ: Mỗi sáng thức dậy thấy vợ còn thở, tôi lại thở phào thế là cô ấy lại sống thêm được một ngày.
Đến nay dù chị Tú cũng được ghép lại thận thành công. Chị Tú cùng chồng quay trở về nhà, căn nhà vốn đã đơn sơ, nay thành tan hoang. Bao nhiêu đồ đạc trong nhà đều đã bán tống bán tháo lấy tiền chi phí.
Mạng sống đã được giữ, nhưng phía trước người phụ nữ này vẫn xuất hiện muôn vàn khó khăn.
 - 2
Chị Tú cùng chồng sau khi bị cắt nhầm thận tại BV đa khoa TP Cần Thơ. (Ảnh: NLĐ)
Từ những sự việc thương tâm đó khiến dư luận không khỏi bức xúc và cảm thấy ái ngại khi đưa người thân đến bệnh viện khám và điều trị.
Trên thực tế, nhiều ý kiến cho rằng để xảy ra tình trạng trên phần lớn xuất phát từ sự chủ quan, tắc trách của những y, bác sỹ hay nói cách khác đó chính là năng lực chuyên môn và vấn đề y đức.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, PGS.TS. Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh, Bộ Y tế khẳng định: “Khi bệnh nhân vào các cơ sở khám, chữa bệnh đều được các cán bộ y tế hết lòng cứu chữa nhưng ở bất cứ công đoạn nào trong quy trình khám bệnh, chữa bệnh cũng đều chứa đựng nguy cơ tiềm tàng cho người bệnh. Tại Việt Nam vẫn chưa có nghiên cứu hệ thống để xác định mức độ sai sót chuyên môn và sự cố y khoa không may xảy ra trong các cơ sở khám bệnh. Vì thế để hạn chế những sai sót trong y khoa Bộ Y tế đã chỉ đạo các cơ sở chú trọng tới việc nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, triển khai các hoạt động giáo dục y đức, nâng cao tinh thần thái độ phục vụ người bệnh, thực hiện tốt quy tắc ứng xử, kỹ năng giao tiếp với người bệnh; Hạn chế tối đa các sai sót chuyên môn xảy ra cho người bệnh và người thầy thuốc”.
Thu Trịnh(khampha.vn)