Abramovich đã tiêu quá nhiều tiền
Abramovich đã “ném” cho Di Matteo một ít tiền trước khi đẩy HLV này ra đường.
Roberto Di Matteo đã rời Chelsea theo cái cách không thể nhanh gọn hơn. Chỉ ít giờ sau khi Chelsea thua tan tác Juventus, nhà cầm quân người Italia đã nhận được thông báo sa thải kèm theo số tiền đền bù hợp đồng khoảng 5 triệu bảng. Được biết, đây là tổng tiền lương còn lại trong hợp đồng của Di Matteo với Chelsea đã được quy định từ trước.
Thực ra, con số trên rất khiêm tốn nếu so với 18 triệu bảng mà Mourinho đã bỏ túi sau khi rời Stamford Bridge tháng 9/2007. “Người đặc biệt” chính là nhà cầm quân khiến Abramovich tốn nhiều tiền đền bù nhất. Ngày ông chia tay The Blues, hợp đồng gia hạn hồi năm 2005 vẫn còn hiệu lực 3 năm nữa. Chưa kể, giữa Mourinho và Abramovich còn có nhiều thỏa thuận về các khoản tiền bên ngoài tiền lương trong đó bao gồm cả “chi phí thất nghiệp” trong trường hợp đôi bên đường ai nấy đi.
Di Matteo - "Nạn nhân" mới nhất của Abramovich
Trường hợp của Mourinho tương tự như Villas-Boas. Sau khi “trảm” người được ví như Mourinho đệ nhị, Chelsea vẫn phải đều đặn chuyển tiền vào tài khoản của Villas-Boas do hợp đồng giữa hai bên quy định trong trường hợp chiến lược gia người Bồ bị sa thải, Chelsea sẽ phải trả 100.000 bảng tiền lương mỗi tuần đến lúc ông này có chỗ làm mới. May cho Chelsea là đến tháng 7 vừa qua, Villas-Boas đã cập bến Tottenham nên chi phí này chỉ rơi vào khoảng 1,5 triệu bảng.
Theo thống kê, mùa Hè năm ngoái là khoảng thời gian Abramovich đốt nhiều tiền nhất cho chiếc ghế nóng ở Stamford Bridge. Nhà tài phiệt người Nga đã tiêu ít nhất 28 triệu bảng cho quyết định sa thải HLV Ancelotti và sau đó kéo Villas-Boas về thay thế. Chỉ riêng chi phí “trợ cấp sa thải” cho Ancelotti đã lên đến 6 triệu bảng, chưa kể tiền lương còn lại trong hợp đồng. Mặt khác, Abramovich cũng phải bỏ ra hơn 13 triệu bảng để thuyết phục Porto “nhả” Villas-Boas.
Mourinho đã nhận nhiều tiền sau khi rời Chelsea
Trước đó, khi sa thải Scolari hồi tháng 2/2009, Chelsea cũng tiêu tốn số tiền thuộc loại kỷ lục là 12,6 triệu bảng cho toàn bộ tiền lương còn lại cũng như tiền đền bù. Trong khi, người đầu tiên bị Abramovich tống cổ khỏi Stamford Bridge là Ranieri cũng nhận được 6 triệu bảng “an ủi”. Ngay cả Avram Grant, nhà cầm quân thế chân Mourinho và chỉ nắm quyền trong khoảng thời gian ngắn ngủi, cũng đã bỏ túi 5,1 triệu bảng trước khi lên đường tìm bến đỗ mới.
Như vậy, chỉ riêng số tiền phải chi trả cho thói quen “trảm tướng” của Abramovich đã lên đến khoảng 70 triệu bảng. Nếu tính trong khoảng thời gian từ 2004 (khi Ranieri bị sa thải) đến 21/11/2012 (ngày Di Matteo ra đi), không đội nào tốn nhiều tiền cho chiếc ghế huấn luyện viên như Chelsea. Thậm chí với một số đội bóng tầm trung, đây có thể coi như ngân sách chuyển nhượng khổng lồ.
Mặc dù vậy, với Abramovich, 70 triệu chưa là gì so với con số 2,1 tỷ bảng mà ông đã đổ vào Chelsea (gồm 855 triệu chi phí chuyển nhượng và 1,2 tỷ tiền lương) kể từ ngày lên làm Chủ tịch đội bóng. Cũng cần biết thêm, năm ngoái tạp chí tài chính uy tín Finans của Nga đã công bố Abramovich hiện đang sở hữu khối tài sản cá nhân khổng lồ lên đến 17,1 tỷ USD. Nhiều tiền là thế nhưng có vẻ như Abramovich hơi ít lòng kiên nhẫn.
T.A