“Anh Đức” là Trần Trinh Đức - một trong những con trai của công tử Bạc Liêu
Ông luôn xưng với người đối diện là “anh Đức” bằng giọng nhỏ nhẹ.“Để anh Đức lấy cơm cho” - ông đứng dậy giành lấy chén trong tay tôi.
“Thường thì anh Đức chỉ cụng ly, trò chuyện với khách thôi, nhưng với em thì khác, anh Đức thấy quý em, cứ để anh Đức làm…” - ông vừa nói vừa bỏ thức ăn vào chén, nhìn giống một người phục vụ bàn chuyên nghiệp. “Anh Đức” là Trần Trinh Đức - một trong những con trai của công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy và là nhân chứng sống của “Trần gia” huyền thoại...
Nhân viên đặc biệt
Tóc “anh Đức” luôn vuốt ngược, sơmi trắng, dáng người quắc thước, phong thái ung dung, sang trọng một cách tự nhiên, dễ gây cảm tình với người đối diện. Nếu không có đôi mắt luôn buồn một cách bất lực và cam chịu, nhìn “anh Đức” khó mà tin được năm nay ông đã 67 tuổi và chỉ cách đây mấy năm thôi, ông còn là một người chạy xe ôm kiếm cơm qua ngày ở TP. Hồ Chí Minh. Trong khu du lịch sinh thái Hồ Nam (Bạc Liêu), “anh Đức” là một nhân viên rất đặc biệt. Ông được trả lương mỗi tháng 4 triệu đồng chỉ để làm hai việc: Buổi sáng cho cá trong hồ ăn, buổi chiều tối ngồi... lai rai với khách và kể chuyện đời mình, chuyện “Trần gia”...
“Anh Đức” cùng với người anh Trần Trinh Nhân là con trai của công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy với người vợ không chính thức thứ 3. Theo lời “anh Đức” thì mặc dù sinh ra vào giai đoạn “Trần gia” đã qua cực thịnh, nhưng năm 7 tuổi, ông vẫn được cha gửi vào học nội trú trường Lasan Taber thuộc dòng La Salle Saigon – một trong những trường học nổi tiếng nhất Việt Nam thời bấy giờ. Và mỗi dịp cuối tuần, ông vẫn được đích thân cha đánh chiếc Ford –Mercury - dòng xe sang trọng dành cho giới thượng lưu lúc ấy - rước về nhà lớn của gia đình ở Bạc Liêu. Thời gian học ở Sài Gòn, “anh Đức” sống trong biệt thự sang trọng số 117 đường Nguyễn Du, quận 1 và sau đó là một biệt thự trên đường Nhất Linh (nay là Nguyễn Huy Tưởng, quận Gò Vấp).
Con trai công tử Bạc Liêu đang được khu du lịch sinh thái Hồ Nam trả tháng 4 triệu đồng để... lai rai với khách và kể chuyện “Trần gia”.
Tuy nhiên, “con đường nhung lụa” của “anh Đức” bắt đầu đi xuống từ năm 1973, khi công tử Bạc Liêu cha ông qua đời. Lúc này, gia cảnh “Trần gia” đã đến hồi kết của sự suy sụp, các dãy phố, biệt thự... ở Sài Gòn đã lần lượt bị bán đi. Sau năm 1975, ông nhận phần của mình từ việc bán ngôi biệt thự trên đường Nhất Linh, chuyển qua nhà vợ ở đường Huỳnh Tịnh Của (quận 3) và sống bằng nghề buôn bán hàng điện tử nhập lậu. Ông khoe “tôi là người đầu tiên bán tivi màu ở đất Sài Gòn”.
Sau đó, “anh Đức” bỏ nghề buôn lậu để mở nhà hàng, tuy nhiên do năng lực quản lý hạn chế, cộng với việc con gái ông luỵ tình một con bạc, sau đó sa vào cờ bạc nên bị mắc nợ - số nợ lớn đến mức ông bán cả gia sản vẫn không trả hết. Sau trận này, con gái ông đâm ra ngớ ngẩn rồi mắc tâm thần phân liệt, thuốc thang đến giờ vẫn không khỏi. Năm 1998, trừ đứa con trai lớn, gia đình còn lại 3 người phải dắt díu sang tận Campuchia để lánh nợ. Ở đất khách, dù đã làm đủ nghề nhưng vẫn không sống nổi nên hai năm sau, gia đình ông lại đùm nhau về Sài Gòn sống cảnh nhà thuê rày đây mai đó.
“Đó là những năm tháng dài lê thê” - ông nhớ lại. Lúc này, hai con trai của ông đã có gia đình riêng, nhưng gia đình ông vẫn còn tới 3 miệng ăn, trong đó có một người tật nguyền và cả nhà không ai có việc làm. Cùng đường, “anh Đức” sắm xe máy ra ngã tư Pasteur - Điện Biên Phủ hành nghề xe ôm. Trong thời gian chạy xe ôm, số phận đã đưa đẩy cho ông gặp được một vị khách tốt bụng. Sau khi ngỡ ngàng, không tin nổi số phận bi thảm của con trai công tử Bạc Liêu, vị khách nọ hướng dẫn và liên hệ với chính quyền Bạc Liêu để tạo cho ông một cơ hội về quê hương sinh sống. Tháng 7.2010, ông đưa vợ con trở về Bạc Liêu và tại đây, “anh Đức” và vợ được ông Nguyễn Chính Luận - Giám đốc Cty cổ phần địa ốc Bạc Liêu, ông chủ của khu du lịch sinh thái Hồ Nam - nhận vào làm việc. “Nhưng chỉ được một thời gian thì bả bị té gãy chân nên nghỉ làm, giờ chỉ còn mỗi anh Đức làm việc để nuôi cả nhà, giống như hồi chạy xe ôm trên Sài Gòn”.
Hầu chuyện những “công tử Bạc Liêu” đời mới
“Thương hiệu” con trai công tử Bạc Liêu cộng với tổ chức khá chuyên nghiệp, thức ăn ngon, giá hợp lý, không gian đẹp, thoáng đãng... là các yếu tố làm nên sự đông khách, đặc biệt là khách du lịch của khu du lịch sinh thái Hồ Nam. “Anh Đức” là chứng nhân của lịch sử, nên hầu như ai đến đây cũng ít nhất muốn một lần được cụng ly, nhìn ngắm và hỏi chuyện về “Trần gia”, đặc biệt là những chuyện liên quan đến cậu ba Trần Trinh Huy với biệt danh “công tử Bạc Liêu” đầy huyền thoại. “Chuyện người ta hay hỏi anh Đức nhất là các giai thoại như công tử Bạc Liêu đốt tiền để nấu chè đậu xanh thi với bạch công tử ở Mỹ Tho; công tử Bạc Liêu thăm ruộng bằng máy bay; để lấy lòng một người đẹp, công tử Bạc Liêu đánh một cây bài 30.000 đồng (tương đương 1,5 tỉ đồng bây giờ), lập một kỷ lục trong nghề cờ bạc ở Chợ Lớn lúc bấy giờ...” .
Phòng ngủ của công tử Bạc Liêu tại “nhà lớn”, nay là “khách sạn công tử Bạc Liêu”. ảnh: H.V.M
Ông nói, đây cũng là những dịp để mình đính chính về những tin đồn thất thiệt liên quan đến cha mình. “Hậu thế hiểu sai về công tử Bạc Liêu nhiều quá. Anh Đức xem báo, sách vở, phim ảnh... thấy người ta nghĩ rất nhiều điều không đúng về cha mình. Thậm chí có báo, phim còn nói sai sự thật, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhân cách cha anh Đức cũng như thanh danh của cả dòng họ Trần...”. Ông lấy ví dụ về giai thoại thi đốt tiền nấu chè. “Anh Đức khẳng định là không hề có chuyện đó.
Anh Đức chưa bao giờ nghe cha hay bất kỳ ai trong gia đình chứng thực về chuyện này. Thêm nữa, ông nội anh Đức quản tiền chặt và nghiêm lắm, nên chuyện đốt tiền để nấu chè ngay tại nhà lớn ở Bạc Liêu là điều không thể xảy ra”. Hay chuyện công tử Bạc Liêu chơi ngông mua máy bay để đi thăm ruộng (thời điểm đó ông là người thứ hai sau vua Bảo Đại có máy bay riêng), “anh Đức” nói “bây giờ ngẫm lại mới thấy đó là cách áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp. Bởi ngoài việc thăm những cánh đồng lúa và muối bạt ngàn của gia đình, ba tui còn dùng máy bay để phun thuốc trừ sâu...”.
Tôi thắc mắc với thân phận là con trai công tử Bạc Liêu, dòng dõi danh gia vọng tộc nức tiếng một thời, bây giờ sa cơ lỡ vận, phải vào đây uống bia kể chuyện để nhận lương tháng 4 triệu đồng, ông có thấy buồn tủi không? Ông cười lặng lẽ, đưa ly bia qua cụng với tôi rồi uống cạn. “Cũng có lúc anh Đức buồn, tủi thân lắm, nhưng anh Đức luôn dặn mình phải quên đi. Bởi anh Đức mà buồn, tủi không làm nữa thì vợ con anh Đức, ngay cả bản thân anh Đức biết lấy gì mà sống qua ngày?”.
Cụng ly với “anh Đức” một hồi, nghe mình say say tôi mới dám nói cho “anh Đức” nghe một ý nghĩ khá buồn thảm: “Thật ra, quanh đây phần lớn là công tử Bạc Liêu đời mới. Và “anh Đức” là một công tử Bạc Liêu đời cũ đang uống bia, hầu chuyện những công tử Bạc Liêu đời mới mà thôi”. Nghe vậy “anh Đức” nhíu mày, nhưng không nói gì và tiếp tục cụng ly.
Lát sau ông mới nói: “Em ví chuyện công tử Bạc Liêu đời mới khiến anh nhớ tới một chuyện, ngày xưa cha anh Đức có giai thoại đánh một ván bài tương đương 1,5 tỉ đồng bây giờ, nhưng xem ra chừng đó vẫn chưa ăn thua gì so với ông Sáu Lèo ở Sóc Trăng (ngày xưa thuộc Bạc Liêu) đánh một ván cờ hết 5 tỉ đồng. Mà ngày xưa, cha anh Đức có đánh bạc cũng là đánh bằng tiền của gia đình mình, còn ông Sáu Lèo đánh cờ có phải tiền của ổng không thì chưa ai biết. Hay đại gia ngành thuỷ sản Diệu Hiền ở Cần Thơ dạo nọ định mượn máy bay riêng của bầu Đức ở Gia Lai để rước dâu, chuyện này còn ghê hơn giai thoại mua máy bay đi thăm ruộng của cha anh Đức nhiều...”
Lặng nhìn “anh Đức” kể chuyện đời mình, chuyện về “Trần gia”, tâm sự về những giấc mơ từ bé con đời thường cho đến cả mộng tưởng hão huyền như viết đơn, thưa kiện với chính quyền để đòi lại ngôi nhà lớn ở Bạc Liêu của cha ông sau khi đã được chính quyền tiếp quản từ 1975 và biến thành “khách sạn công tử Bạc Liêu”, mới thấy số phận thật trớ trêu và tàn nhẫn.
Cụng ly với con trai công tử Bạc Liêu hình như tôi mau say hơn bình thường. Hình như là vì hưng phấn nghề viết trước một cuộc gặp đầy cảm kích lịch sử; vì ngậm ngùi cho cuộc thay ngôi đổi chủ, dâu bể tang thương... Mà cũng có thể là vị cay bất nhẫn bỗng đâu hòa vào ly bia trước mặt...
Theo Hoàng Văn Minh (Lao động)