Tới giữa tháng 12, Chính phủ mới ra quyết định tăng lương tối thiểu vùng
Thay vì phải công bố từ đầu tháng 10 song năm nay, tới giữa tháng 12, Chính phủ mới ra quyết định tăng lương tối thiểu vùng ở mức “khiêm tốn”.
Sáng 18/12 tại Hà Nội, Bộ LĐ-TB-XH tổ chức hội nghị triển khai Nghị định của Chính phủ về quy định mức lương tối thiểu vùng năm 2013.
Giãn lộ trình tăng lương tối thiểu
Theo “kịch bản” đề xuất mức tăng lương tối thiểu vùng mà Bộ LĐ-TB-XH trình lên Chính phủ thì mức tăng sẽ từ 500.000-700.000 đồng/tháng tùy thuộc các vùng phát triển. Tuy nhiên, mức phê duyệt của Chính Phủ chỉ còn tăng ở mức từ 200.000-350.000 đồng/tháng.
Cụ thể, mức lương tối thiểu vùng được áp dụng từ 1/1/2013 sẽ là: Vùng I có mức 2.350.000 đồng/tháng (hiện đang là 2 triệu đồng/tháng); vùng II có mức 2.100.000 đồng (hiện đang là 1,78 triệu đồng/tháng); vùng III là 1,8 triệu đồng/tháng (hiện là 1,55 triệu đồng/tháng); vùng IV 1.650.000 đồng/tháng (hiện đang là 1,4 triệu đồng/tháng).
Như vậy tỷ lệ tăng lương tối thiểu lần này chỉ bằng khoảng 50% so với mức đề xuất ban đầu. Với mức điều chỉnh này, mục tiêu tới năm 2015, mức lương tối thiểu phải đáp ứng nhu cầu tối thiểu của người lao động là không thể thực hiện. Chính vì vậy, lãnh đạo Bộ LĐ-TB-XH cho biết sẽ phải tính toán lại, phải giãn lộ trình tăng lương, có thể phải tới 2017 mục tiêu đề ra mới thực hiện được.
Nhận định về mức điều chỉnh lần này, ông Phạm Minh Huân, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, cho rằng đây là mức tăng phù hợp với điều kiện kinh tế khó khăn hiện nay.
Công nhân xếp hàng lĩnh lương
“Lẽ ra quyết định tăng lương tối thiểu phải được đưa ra từ tháng 10, cũng là thời điểm để DN bắt đầu năm tài chính của mình. Tuy nhiên, năm nay Chính phủ đã phải cân nhắc kỹ lưỡng. Ngay cả khi các thành viên Chính phủ đã quyết phương án chuẩn bị công bố thì 5 hiệp hội (khoảng 600.000 DN) lại tiếp tục có ý kiến hoãn tăng khiến Bộ LĐ-TB-XH lại phải giải trình từ đầu lý do phải tăng lương”, ông Huân cho biết.
Trước tình hình khó khăn, ông Huân cũng không loại trừ khả năng DN sẽ dùng “chiêu” chấp nhận tăng lương nhưng lại cắt giảm các khoản phụ cấp khác của người lao động. “Chính vì thế, trong Nghị đinh của Chính phủ đã quán triệt DN không vì tăng lương mà cắt giảm phụ cấp, đảm bảo đúng quy điịnh của pháp luật”, ông Huân nói.
DN nhà nước tự quyết định thang bảng lương
Cũng theo lộ trình, từ 2014, Chính Phủ sẽ quy định điều chỉnh mức tăng lương theo Hội đồng tiền lương quốc gia bao gồm đại diện quản lý nhà nước, người sử dụng lao động và người lao động. Với cơ chế 3 bên, Chính Phủ đóng vai trò trọng tài, mức lương tối thiểu là phương án được hai bên (chủ sử dụng và người lao động) có thể chấp nhận được với nhau.
Đối với DN nhà nước, bắt đầu từ năm 2013, sẽ phải tự quyết định hệ thống thang bảng lương cho riêng mình trên cơ sở nhà nước đưa ra các điều kiện. Lý giải cho hành động này, Thứ trưởng Phạm Minh Huân nhận định: Lâu nay, trong các DN nhà nước, quản trị doanh nghiệp còn lạc hậu, chậm thay đổi. Người lao động bức xúc với cơ chế trả lương cào bằng.
“So với thị trường, khoảng cách lương khu vực nhà nước là quá xa. Chẳng hạn lãnh đạo tập đoàn lớn, có thu nhập một tháng khoảng 70 – 80 triệu đồng được cho là quá lớn trong khu vực hành chính sự nghiệp nhưng nếu đem so với mức lương cùng vị trí trên thị trường thì lại chẳng là gì”, ông Huân nhận định.
Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng lưu ý: “Nhà nước cho DN tự quyết định tiền lương song cũng phải có khống chế, các viên chức quản lý phải được hưởng lương gắn với hiệu quả nhưng trong chừng mực nhất định”.
Tuyết Mai(khampha.vn)