Có thể thấy ngay từ đầu anh em ông Đoàn Văn Vươn không bàn bạc việc giết người
Ngày 29/12, bà Nguyễn Thị Thương (vợ ông Vươn) và bà Phạm Thị Báu (tức Hiền, vợ ông Quý) - bị can trong vụ án (đang được tại ngoại) - cho biết vừa có đơn kiến nghị gửi Viện Kiểm sát nhân dân TP Hải Phòng đề nghị trả hồ sơ, điều tra lại vụ án.
Ngày 29/12, bà Nguyễn Thị Thương (vợ ông Vươn) và bà Phạm Thị Báu (tức Hiền, vợ ông Quý) - bị can trong vụ án (đang được tại ngoại) - cho biết vừa có đơn kiến nghị gửi Viện Kiểm sát nhân dân TP Hải Phòng đề nghị trả hồ sơ, điều tra lại vụ án.
Theo đó, bà Thương và bà Hiền cho rằng kết luận điều tra của Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP Hải Phòng chưa khách quan, nhiều tình tiết của vụ án chưa được làm rõ. Bà Hiền nói: “Việc mua xăng, rải rơm tại đầm là công việc hằng ngày của chúng tôi để phục vụ sản xuất. Tuy nhiên, cơ quan điều tra kết luận chúng tôi làm công việc này là chuẩn bị tổ chức chống người thi hành công vụ là chưa thỏa đáng”.
"Trận địa" anh em ông Vươn dùng để "chống đối" việc cưỡng chế (Ảnh: Người Lao Động)
Bà Hiền cũng cho rằng ngày 13/2 TAND tối cao đã ra kháng nghị hủy bản án sơ thẩm của TAND huyện Tiên Lãng và quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm của TAND TP Hải Phòng về việc ông Vươn kiện các quyết định thu hồi đất của UBND huyện Tiên Lãng, đề nghị xem xét theo thủ tục tái thẩm. Sau đó TAND TP Hải Phòng đã kiểm điểm những thẩm phán để xảy ra sai sót trong vụ việc. Tuy nhiên trong kết luận điều tra, cơ quan điều tra vẫn căn cứ vào bản án sơ thẩm và quyết định đình chỉ phúc thẩm này để khẳng định các quyết định thu hồi, cưỡng chế đất của UBND huyện có tính pháp lý là chưa thuyết phục.
Cùng ngày, luật sư Nguyễn Việt Hùng - bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho ông Vươn - cho biết đang hoàn tất kiến nghị gửi Viện Kiểm sát nhân dân TP Hải Phòng đề nghị trả hồ sơ điều tra lại, điều tra bổ sung vụ án.
Luật sư Hùng nói: “Kết luận điều tra chưa lột tả hết diễn biến sự việc. Tiến trình lực lượng cưỡng chế đi vào khu đầm cũng chưa được làm rõ bởi lực lượng cưỡng chế đã phá rào đi qua nhà ông Quý (nằm ngoài diện tích cưỡng chế) nhưng không thông báo là xâm phạm vào chỗ ở của công dân. Ngay cả khi khẳng định lực lượng cưỡng chế thực thi công vụ nhưng cơ quan điều tra chỉ căn cứ vào các bản án của TAND huyện, TP nhưng lại không căn cứ vào kháng nghị hủy bản án của TAND tối cao là chưa thuyết phục” - ông Hùng nói.
Ông Đinh Văn Quế (nguyên chánh tòa hình sự Tòa án nhân dân tối cao): Khó xử ông Vươn tội giết người Giả thiết việc tổ chức cưỡng chế của cơ quan chức năng là hoàn toàn đúng pháp luật thì hành vi chống trả của anh em ông Đoàn Văn Vươn có phải là hành vi giết người cũng cần phải bàn. Cơ quan điều tra đã kết luận ông Đoàn Văn Vươn, Đoàn Văn Sịnh, Đoàn Văn Quý và Đoàn Văn Vệ phạm tội giết người theo điểm d khoản 1 điều 93 Bộ luật hình sự. Như vậy, đây là giết người thuộc trường hợp chưa đạt, vì trong vụ án này không có ai bị chết, mà chỉ có sáu người bị thương với tỉ lệ thương tật từ người nhẹ nhất là 1%, nặng nhất là 43%. Theo quy định tại điều 18 Bộ luật hình sự, phạm tội chưa đạt là cố ý thực hiện tội phạm nhưng không thực hiện được đến cùng vì những nguyên nhân ngoài ý muốn của người phạm tội. Trong trường hợp cụ thể này, ông Vươn, ông Sịnh, ông Quý và ông Vệ chỉ có thể bị cáo buộc phạm tội giết người nếu ngay từ đầu họ có ý định giết người (cố ý trực tiếp). Ý định này phải được thể hiện bằng những hành vi khách quan như: bàn bạc với nhau sẽ “giết” ai đó hoặc bất cứ ai thi hành việc cưỡng chế. Ông Đoàn Văn Vươn (trái) và Đoàn Văn Quý (phải) Còn nếu chỉ có ý định “chống đối” việc cưỡng chế bằng các thủ đoạn, phương pháp có khả năng làm chết người, muốn ra sao thì ra, miễn thực hiện được mục đích là ngăn cản, chống lại lực lượng cưỡng chế thì họ chỉ phạm tội với hình thức lỗi cố ý gián tiếp (cố ý không xác định). Về lý luận cũng như thực tiễn xét xử từ trước đến nay đều khẳng định phạm tội với hình thức lỗi cố ý gián tiếp thì “hậu quả đến đâu xử đến đó”. Nếu hậu quả chết người thì xử tội giết người, hậu quả gây thương tích thì xử gây thương tích... Theo kết luận điều tra thì ông Vươn tập hợp anh em là để bàn bạc, lên kế hoạch chống việc cưỡng chế. Như vậy, ngay từ đầu ông Vươn và những người trong gia đình ông Vươn không bàn bạc việc giết người. Diễn biến sự việc cũng phản ánh đúng ý thức chủ quan của anh em ông Đoàn Văn Vươn. Đây là vụ án phức tạp, dư luận rất quan tâm. Các cơ quan tiến hành tố tụng cần cân nhắc thận trọng để xử làm sao cho người dân thêm tin tưởng vào công lý. |
Theo Thân Hoàng (Tuổi trẻ)