Nhọc nhằn đời nữ cửu vạn chợ đầu mối


Nữ cửu vạn chợ đầu mối Bình Điền
Nữ cửu vạn chợ đầu mối Bình Điền
22h. Khi thành phố chìm vào giấc ngủ bình yên, cũng là lúc chị Hai Thơm bước ra khỏi nhà. Đã 25 năm lấy đêm làm ngày, từ thời chị còn con gái, đến nay đã thành một trong những nữ cửu vạn có tuổi cao nhất nhì ở chợ đầu mối Bình Điền (quận 8, TP HCM).
Công việc nặng nhọc này lẽ ra của cánh đàn ông sức dài vai rộng, nhưng ở chợ đầu mối này lực lượng cửu vạn nữ đông đúc không kém nam giới. Có gia đình hết đời mẹ tới đời con tiếp nối. Từ chợ này qua chợ khác, cả đời họ đi theo những bao hàng, trôi giạt theo từng mớ rau, con cá bởi nghiệp sinh nhai.
Cực nhọc mưu sinh
Đêm. Khi thành phố bắt đầu chìm vào giấc ngủ thì chợ đầu mối nông sản thực phẩm Bình Điền bừng thức dậy như một thế giới khác biệt. Khu đất rộng 65ha tại đường Nguyễn Văn Linh quận 8, TP HCM sáng choang, rực rỡ bởi hàng ngàn ngọn đèn điện. Từng đoàn xe tải nườm nượp đổ về, tập kết dày đặc trong sân. Bên trong chợ là hàng núi sọt trái cây, rau quả chất cao ngun ngút, những thùng nhựa đựng thịt xếp chồng chồng lớp lớp. Khu vực thủy hải sản với hàng trăm, hàng ngàn thùng chậu, bể chứa khổng lồ, cá tôm tràn ngập. Muôn vàn thứ âm thanh hỗn độn tạo nên một không khí nhộn nhạo, ồn ào, sôi sục. Trong cái biển người và biển hàng mênh mông ấy, là những phận người lay lắt mưu sinh. Họ là những người lao động nghèo đêm đêm về đây đem sức lực của mình đổi cái ăn, cái sống.
Trên những chiếc xe tải sắp hàng dày đặc, những thùng, sọt cá nặng vài chục ký đến vài tạ từ trên xe ầm ầm chuyển xuống. Xen trong những đôi vai trần lực lưỡng của cánh đàn ông, nam thanh niên đang ghé vào, là đôi vai gầy guộc nhỏ bé của các bà, các chị. Đôi vai mà lẽ ra cần có một bờ vai vững chãi để nương dựa. Đêm nay mưa nhẹ, không khí mát mẻ dễ chịu nhưng chỉ trong phút chốc, chiếc áo của chị Hai Thơm đã ướt đẫm mồ hôi.
Quả thật, nếu không thức trắng đêm chứng kiến, thì không thể nào hình dung nổi công việc của các bà, các chị nơi đây. Một chiếc xe cút kít cao chất ngất những sọt bằng nhựa, bên trong là cá và đá lạnh đã xay nhỏ, lừng lững từ trong chợ đẩy ra. Khuất sau chồng hàng đó là thím Ba An, một cửu vạn 58 tuổi, thâm niên 25 năm nơi đây. Oằn người đẩy chiếc xe từ trong vựa cá từ khu nhà lồng ra đến sân, đến nơi thím khom lưng nhấc những sọt cá hàng chục ký đưa lên chiếc xe tải nhỏ. Dáng thím vốn nhỏ thó càng thêm nhỏ nhoi bên chiếc xe tải đầy ứ hàng. Tấm lưng nhiều năm gồng gánh vốn đã còng, khi cúi xuống có cảm giác gần như gập sát đất.
Đêm đêm, hàng trăm chị em phụ nữ, những thân phận lao động nghèo từ các ngõ ngách, các xóm lao động nghèo từ mọi ngả của thành phố đổ về đây. Họ đưa tấm lưng gầy guộc, cánh tay khẳng khiu kham cái công việc nặng nề mà lẽ ra đó là việc của cánh đàn ông sức dài vai rộng. Trong cái không gian rộng lớn, dòng người cuồn cuộn, hàng trăm cái dáng nhỏ liêu xiêu, chạy xuôi chạy ngược, tất tả. Cái bóng dáng nhỏ bé, mảnh mai của các chị chìm đi trong biển người, biển xe cộ và hàng hóa mênh mông.
 - 1
Vác lên đẩy đi và bốc xuống một xe cá ước 2 tạ như thế này mới được trả công 20-30 ngàn đồng (trái); vác, đẩy bao cá 30kg này, chị Trịnh Thị Hòa được trả công 10 ngàn đồng.
Nghe chúng tôi nói đi tìm hiểu để tìm việc cho người nhà, chị Hai Thơm lắc đầu quầy quậy: "Cực lắm, sức các cô gái không thể nào chịu nổi đâu. Nhắm có làm nổi thì hẵng vô, còn không thì thôi, vì làm không nổi mà bỏ việc thì mất tiền". Té ra công việc cực nhọc là vậy nhưng vẫn phải tốn một khoản tiền mới có được một chân bán sức lao động. Việc thì cực nhọc nặng nề nhưng vẫn không bao giờ trống chỗ, bởi công việc để sinh nhai ngày một ít ỏi, mà đồng tiền kiếm được cũng ngày càng khó khăn. Đến giờ thì các hợp tác xã vận chuyển (HTX) không còn nhận thêm người vào nữa, vậy nên ai muốn vào làm phu khuân vác đẩy xe phải chờ người khác nghỉ việc mới mua lại được suất làm. Hóa ra đâu phải chỉ những nơi có bổng lộc chức trọng quyền cao mới tốn tiền mua chỗ. Nơi đây dù không phải chạy chọt nhưng kiếm được một chỗ bán sức lao động cũng mất từ vài triệu đến vài chục triệu đồng.
"Mẹ truyền con nối" đời cửu vạn
Cách đây 27 năm, một cái họa đã giáng xuống gia đình người đàn bà 32 tuổi. Một buổi trưa nắng gắt, tin báo người chồng bị lật ghe chết đuối giữa sông Tiền khiến thím Ba An đổ sụp. Bốn con người trông vào một tay đi ghe chở mướn của chú. Miền Tây nổi tiếng một vùng gạo trắng nước trong, tôm cá đầy đồng, nhưng sự ưu đãi đó chỉ dành cho những người có đất đai, ruộng vườn, có ao hồ, nhà cửa. Còn với những người nghèo như thím Ba An, một tấc đất không có, kiếm đâu ra tôm cá hay gạo tiền. Từ ngày cây trụ cột chính của gia đình gãy đi, cuộc sống càng khốn khó hơn... Hai đứa con lớn lần lượt bỏ học, cùng mẹ đi làm thuê cuốc mướn sống qua ngày.
Bí đường, theo chỉ dẫn của những người đi làm ăn trên Sài Gòn, thím giã từ mảnh đất Gò Công Tây đi tìm đường mưu sinh. Áo cơm gắn với phận người, theo con cá mớ rau đời thím trôi giạt từ chợ này qua chợ khác. Ngày mới lên Sài Gòn, thím bốc vác cá ở chợ cầu Muối (phường Cầu Ông Lãnh, quận 1). Những chiếc giỏ cần xé, những thùng, sọt cá nặng đến vài chục ký, vác mà cứ có cảm giác xương sống mình muốn sụm xuống. Mỗi túi cá nặng từ 10 đến 20kg, cứ vậy hai tay xách hai túi, vừa đi vừa chạy. Sau mỗi đêm, sáng về đến nhà người như bục ra, rã rời. Hai cánh tay rũ rượi cứ như tay ai chứ không phải tay của mình. Những khớp ngón tay đau ê ẩm, bưng chén cơm mà cứ muốn rơi ra.
 - 2
Ở chợ đầu mối này, phụ nữ cũng làm những việc như nam giới
Chị Hai Thơm quê ở huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp. Ngày lên thành phố này 20 tuổi, chị là một thiếu nữ xinh tươi tràn đầy sức sống. Theo thời gian, những bao cá, sọt cá nặng nề đã đè lên tuổi thanh xuân khiến mới 45 tuổi nhưng nhìn chị cứ như đã trên 50. Cũng như thím Ba An, kiếp mưu sinh lận đận đẩy chị trôi từ nơi này qua nơi khác. Khi các chợ trong nội thành giải thể quy về chợ đầu mối Bình Điền, chị lại theo con cá giạt về đây. Một nách 4 con, tất cả trông vào đôi vai gầy guộc, tấm lưng nhỏ nhắn và đôi cánh tay khẳng khiu của người phụ nữ 45 tuổi này.
Ngồi bên cạnh chị Hai Thơm là cô gái chừng 20 tuổi, có gương mặt tròn và má lúm đồng tiền khá xinh. Giang, là đứa con gái thứ hai của chị. Nói cuộc đời của chị gắn với con cá có lẽ không sai khi đã hai thế hệ từ đời mẹ rồi tới đời con nối nhau làm cái nghề vác cá này.
"Khi cho con gái theo nghề đẩy cá, mình xót xa lắm chứ. Cái kiếp mình nó khổ chưa hết hay sao mà đến con mình cũng theo cái nghiệp này", chị nhìn con gái, trầm ngâm. Mười tuổi, hết lớp 3, Giang đã nghỉ học theo mẹ ra chợ mót cá. Trong đầu óc non nớt của đứa bé thì việc học hay không học cũng không có gì khác nhau nên nó nghỉ học vẫn không có gì nuối tiếc. 12 tuổi, Giang đã giúp mẹ đẩy xe và 18 tuổi em chính thức nối nghiệp cửu vạn của mẹ. Những anh em của Giang, đứa lớn phụ xe tải chở cá, đứa nhỏ đi lượm chai nhựa, bịch nylon, mót cá. Cứ vậy, cả nhà quanh năm quẩn quanh kiếm ăn ở cái chợ này, bám lấy chợ mà sống.
Làn da con gái trắng nõn nà của Giang vẫn tỏa cái mùi cá tanh tanh, nồng nồng. Ngày này qua ngày khác, năm này qua năm khác, cái mùi lưu cữu như thấm sâu vào thịt da, dù có dùng xà bông loại hảo hạng vẫn không tẩy hết được. Cô gái đã có người yêu, cũng là một thanh niên cửu vạn trong chợ này. Rồi sẽ có một thế hệ nữa lớn lên, và sẽ lại nối tiếp nghiệp cửu vạn của mẹ, của bà ngoại chúng, truyền đời cơ cực này.
Một đời cùng cá, vẫn thèm cá tươi
Làm quần quật vậy nhưng tiền công rất bèo. Có HTX trả lương cho người lao động, nhưng có nơi không trả lương mà người lao động nhận tiền từ người thuê khuân vác hàng. Chị Hai Thơm, thím Ba An thuộc trong số người ăn tiền trả công của người thuê bốc vác, kéo cá. Chỉ ngay vào chiếc xe đựng bao cá ước chừng 30 ký của chị Trịnh Thị Hòa, thím Ba An nói: "Chừng đó được trả 10 ngàn". Một đêm khuân vác, kéo đẩy ròng rã, chạy từ góc nọ đến khu kia, mỗi nữ cửu vạn kiếm được từ 150 đến 200 ngàn đồng.
Vì tiền công ít ỏi nên các nữ cửu vạn phải tranh thủ làm kẻo đêm qua mất. Nên dù có rảnh rỗi cũng không dám tìm cái góc nào chợp mắt. Lấy đêm làm ngày, nên thiếu ngủ thường xuyên. Có lần chị Hai Thơm đẩy xe cá mà ngủ gật, cả người và xe lao vào góc tường, mình mẩy vấy máu, sưng vù…
 - 3
Phút nghỉ ngơi hiếm hoi của các nữ cửu vạn
Gần sáng, khi người mua đổ về càng đông, công việc càng khẩn trương, bóng dáng những người phụ nữ dưới ánh đèn càng trở nên hấp tấp. Xong chỗ này, ngay lập tức họ chạy đến chỗ kia, xộc vào luồng khác, như con thoi chạy khắp các ngõ ngách trong khu chợ mênh mông. Phải nhanh chóng bốc dỡ, xếp hàng cho khách, nếu bận thì khách hàng gọi ngay người khác.
Tuy cuộc sống kham khổ song hầu hết nữ cửu vạn ở đây ai nấy đều thương yêu, chia sẻ buồn vui, gian khó cùng nhau. Hôm thím Ba An đang đẩy xe cá bị đột quị, các bà, các chị đã bỏ luôn buổi làm đưa thím đi bệnh viện. Họ không có tiền để cho nhau, nhưng cái tình của người lao động thì luôn luôn sẵn vì quá thấu hiểu nỗi khổ của nhau. Ngày đầu khi với hai bàn tay trắng từ Thanh Hóa vào đây tìm việc, chị Trịnh Thị Hòa đã được chính những nữ cửu vạn đi trước cưu mang, giúp đỡ từ miếng ăn đến chỗ ở và giới thiệu để xin vào làm. Ngày đứa con đầu của chị Hòa vào đại học, dân cửu vạn trong chợ vui như chính con mình đậu đại học vậy. Đến nay đứa thứ hai của chị Hòa cũng đã vào đại học. Được mọi người động viên, chị đã gọi chồng từ quê vào, chung lưng đấu cật, hai vợ chồng kéo cá nuôi con ăn học.
Những con cá chết, cá ươn mà người ta lựa bỏ ra, các bà, các chị lượm cho vào túi nylon. Một đêm bán sức cật lực, niềm vui của các cửu vạn là những thứ người ta bỏ đi. Một đời làm cá, sống giữa biển cá mênh mông, đã vác hàng trăm tấn cá trên vai, nhưng chưa bao giờ họ được ăn con cá ngon. Qua câu chuyện của các chị tôi được biết, có nhiều lần thấy cảnh lam lũ của chị em cửu vạn, nhiều chủ vựa gửi "quà" bằng những con cá tươi ngon. Cứ nghĩ rằng các chị mang về cải thiện bữa ăn cho lại sức, nhưng không. Hầu hết những "món quà" đó các chị đều lén mang bán, lấy tiền đắp đổi cuộc sống hàng ngày.
Đến 6 giờ sáng, công việc kết thúc. Chị Hòa thở phào và đến cuối tòa nhà lồng trong góc chợ, ngồi dựa lưng vào tường và nhắm mắt. Từ trong các ngõ ngách chợ, các chị túa ra. Trên bãi đất bên hông chợ là nơi tập kết xe cút kít, lúc này đã có đến hơn trăm người tập trung chờ trả xe. Trên mỗi gương mặt của các bà, các chị, nỗi khoan khoái khi kết thúc một đêm lao động cật lực không lấn át được những cái ngáp dài. Ban ngày nhìn rõ mặt mới thấy nét phờ phạc thiếu ngủ in hằn trên khuôn mặt của các bà, các chị. Những đêm thức trắng liên tục đã in hằn trên khuôn mặt họ những nếp nhăn không thể phai mờ, những vết thâm quầng sâu, hốc hác. Trên đường ra cổng, đi qua những dãy hàng ăn sáng, mùi nước phở, mùi thức ăn xào nấu bốc lên thơm phưng phức nhưng các chị không ai dám ngoái nhìn...
Một đời tất bật vì miếng cơm manh áo, vì chồng vì con. Tuy cuộc sống còn lam lũ song các chị vẫn vui vẻ đón nhận, sống vươn lên vượt khó
Theo Đặng Vỹ (An ninh thế giới)