Những kỳ tích được viết bằng... đôi chân


Kiệt dùng chân vẽ tranh trong sự thán phục của các bạn cùng lớp
Kiệt dùng chân vẽ tranh trong sự thán phục của các bạn cùng lớp
Trước mặt tôi là Võ Văn Kiệt - một học sinh lớp 9 bị mất cả đôi tay. Nhưng Kiệt đã không đầu hàng số phận, em tập viết bằng chân, ngày ngày cần mẫn đến trường. Và bằng đôi chân ấy, Kiệt đã tạo nên những kỳ tích khi thi đậu bằng B tin học, vẽ tranh tặng Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang và đang nuôi dưỡng ước mơ trở thành một giáo viên tin học…
Từ nỗi đau bất hạnh…
Nhà Kiệt ở khu vực chợ Ngã Bảy (thị xã Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang). Tôi gặp Kiệt lúc em vừa tan học về, cả nhà đang quây quần trong phòng khách. Chị Trần Cẩm Thúy - mẹ của Kiệt - kể về cảnh nhà: Trước đây, gia đình chị sống tại huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng, quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” trên đồng ruộng, nhưng nghèo vẫn hoàn nghèo.
Một người bà con có nhà và cửa hàng vật liệu xây dựng ở thị xã Ngã Bảy đã tạo thêm kế sinh nhai cho vợ chồng chị Thúy bằng cách rước họ về giúp phụ bán và giữ kho. Năm đó Kiệt vừa học hết tiểu học với thành tích 5 năm liền học sinh giỏi. Theo cha mẹ về thị xã, Kiệt học tiếp tại Trường THCS Nguyễn Trãi. Tại đây, em tiếp tục giữ vững thành tích học sinh giỏi trong 2 năm đầu. Cuộc sống gia đình lúc bấy giờ đã khá hơn khi cha mẹ Kiệt có công ăn việc làm với nguồn thu nhập ổn định. Thế nhưng, niềm vui chưa trọn vẹn thì một tai họa đã bất ngờ ập đến.
Hôm ấy là một ngày đầu năm 2009, Kiệt dùng một cái cây bằng nhôm quét mạng nhện ngoài bancông, lúc trời đang mưa lắc rắc, bất ngờ một đường dây điện trung thế gần đó phát nổ. Kiệt chỉ kịp nhìn thấy một luồng sáng phóng tới mình, sau đó em không còn biết gì cả.
Kiệt được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Phụng Hiệp, sau đó chuyển lên Bệnh viện Đa khoa T.Ư Cần Thơ, rồi Bệnh viện Chợ Rẫy và cuối cùng là Bệnh viện Nhi Đồng 1 TPHCM. Các bác sĩ cho biết, do vết bỏng quá nặng, nếu muốn giữ mạng sống cho Kiệt thì phải cưa đôi tay, ngoài ra, Kiệt còn bị một vết thương ở đầu khá nghiêm trọng. “Tưởng tượng cảnh con mình bị cưa mất hai tay, tui xót lắm, nhưng để giữ mạng sống cho cháu, đành phải nghiến răng mà gật đầu với bác sĩ ” - chị Thúy nghẹn ngào.
 - 1
Kiệt dùng chân vẽ tranh trong sự thán phục của các bạn cùng lớp
Sau vụ tai nạn đó của Kiệt, vợ chồng chị Thúy đã bỏ cả việc làm ăn để chăm sóc cho con. Về phần Kiệt, từ một đứa trẻ năng động, em trở nên trầm cảm, ít nói, mặt lúc nào cũng buồn rười rượi. Thỉnh thoảng vết thương lại gây đau nhức và hành em trong những cơn mê sảng. Những lúc như thế, cả nhà không sao cầm được nước mắt...
Bỗng một ngày, Kiệt tập viết bằng chân trước sự ngỡ ngàng của gia đình.
Đến kỳ tích của đôi chân
Kiệt kể: “Lúc mới tập viết khó lắm anh ơi. Cây viết vừa kẹp vào chân đã rơi xuống đất, đến khi giữ được cây viết, thì chân em cứ run bắn lên không sao viết được thành chữ, mồ hôi ướt đẫm cả người”. Có hôm, Kiệt đang loay hoay với những nét chữ nguệch ngoạc, thấy mọi người đứng bu quanh nhìn mình, em buông viết, hằn học, lủi thủi bỏ đi không nói... Sau những lần đó, cứ tưởng Kiệt sẽ bỏ cuộc, nhưng em vẫn kiên trì luyện tập. Kiệt nói: “Em không muốn nghỉ học, em muốn học nữa, học mãi để sau này có thể trở thành một giáo viên dạy tin học”. Thấy Kiệt suốt ngày cặm cụi bên trang giấy, say sưa đến mức quên cả ăn uống, đến bữa, mọi người phải mang cơm ra tận nơi để “phục vụ”.
Cứ thế cho đến một ngày, Kiệt giữ vững cây viết trong chân và viết được những nét chữ tròn trịa đầu tiên. “Lúc đó, em mừng đến muốn khóc. Mọi người khuyên em nên tập vẽ tranh kết hợp với tập viết để nét chữ thêm cứng cáp, rồi em tiếp tục luyện tập” - Kiệt nhớ lại. Bằng những nỗ lực không ngừng, hơn một năm sau, Kiệt không chỉ viết chữ thành thạo mà còn trở thành một “họa sĩ” nhí. Tôi ngỏ ý muốn xem Kiệt vẽ tranh, em liền lấy trong cặp ra một tờ giấy trắng, một cây viết chì, sau đó dùng chân kẹp cây viết, rồi bắt đầu vẽ. Nét bút tuy hơi run, nhưng lại khá liền mạch, chốc lát, em lại khom người, dùng cánh tay cụt sửa cây viết cho chắc lại. Hình ảnh một ngôi nhà tranh với một bụi tre đã dần hiện rõ. Kiệt bắt đầu chuyển sang tô màu, một bức tranh giản dị về làng quê đã hoàn tất...
Do mê tin học từ nhỏ, nên trong thời gian trị bệnh, Kiệt được cha mẹ mua cho một cái laptop. Nhưng đôi tay Kiệt đã không còn lành lặn, nên việc sử dụng máy tính gần như là không thể. Hay tin, thầy Huỳnh Diệu Sanh - giáo viên dạy tin học Trường THCS Nguyễn Trãi - rất cảm động, đã dành thời gian rảnh rỗi để sang nhà chỉ dẫn cho Kiệt.
 - 2
Không chỉ viết, vẽ tranh, Kiệt còn có thể sử dụng cả máy vi tính
Sau hơn 1 năm với những nỗ lực bằng mồ hôi và nước mắt cùng sự tận tình của người thầy tốt bụng, Kiệt đã lập nên một kỳ tích thứ hai: Em có thể điều khiển con chuột bằng chân, gõ bàn phím bằng hai cánh tay cụt và sử dụng thành thạo cả máy tính để bàn lẫn laptop. Bất ngờ hơn, đầu năm 2011 vừa qua, Kiệt đã thi đậu và được Trung tâm Ngoại ngữ - Tin học tỉnh Hậu Giang cấp chứng chỉ tin học ứng dụng trình độ A.
Dịp hè vừa rồi, Kiệt tiếp tục tạo nên một “cú sốc” khi thi đậu bằng B tin học và đang chờ cấp chứng chỉ. Thầy Huỳnh Diệu Sanh tự hào: “Những người bình thường đôi khi sử dụng máy tính còn thấy khó nói gì đến bị cụt tay. Nghị lực và ý chí của em Kiệt thực sự khiến mọi người phải thán phục”.
Khi đã có niềm tin sau những kỳ tích, Kiệt lại có một quyết định gây sốc với cả nhà: Đi học trở lại! “Hôm đó, em vừa vui vừa hồi hộp vì sợ các bạn nhìn em bằng ánh mắt kỳ thị, nhưng ngày qua ngày, mọi thứ rồi cũng quen” - Kiệt nói. Ngày đầu đến lớp, thấy Kiệt viết bằng chân, các bạn xung quanh ai cũng nhìm xem với ánh mắt hiếu kỳ. Nhưng khi biết được hoàn cảnh và ý chí vượt khó của Kiệt, ai cũng trầm trồ khen ngợi. Ở lớp, Kiệt luôn chăm chỉ lắng nghe thầy cô giảng bài, không bao giờ xao nhãng việc học. “Kiệt tỏ ra rất có năng khiếu ở môn tin học, hầu như các kiến thức chỉ cần nói sơ qua là em có thể nắm bắt. Năm vừa rồi, Kiệt dẫn đầu lớp về thành tích học tập. Đây quả là một kỳ tích” - thầy Huỳnh Diệu Sanh cho biết thêm.
Cô Nguyễn Thị Mai Duyên - giáo viên chủ nhiệm lớp 9T2 mà Kiệt đang theo học - nói: “Dù phải học chung với các bạn nhỏ tuổi hơn mình nhưng Kiệt không tự ti hay mặc cảm mà luôn hòa đồng với mọi người. Đôi lúc em phải nhờ các bạn chép bài hộ, nhưng đến giờ kiểm tra hoặc thi, em đều tự làm bài và tỏ ra không hề thua kém các bạn. Các thầy cô ở trường ai cũng rất thương yêu Kiệt, không chỉ vì hoàn cảnh của em, mà còn do em là một người biết vươn lên, không chịu đầu hàng số phận”. Mới đây, Kiệt được chọn tham gia vào đội tin học trẻ không chuyên của trường và đang chuẩn bị tham gia kỳ thi cấp thị xã sẽ diễn ra vào cuối tháng này...
Món quà ý nghĩa…
Với những kỳ tích nêu trên, Kiệt đã được chọn tham gia vào đoàn trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của tỉnh Hậu Giang đi Hà Nội gặp Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang nhân Ngày Quốc tế thiếu nhi (1/6) vừa qua. “Lúc trước, em chỉ thấy mặt Chủ tịch Nước trên tivi, không ngờ lại được gặp bác ấy ở ngoài đời. Được trò chuyện, được nghe bác ấy thăm hỏi, nhắn nhủ, em cảm thấy có một nguồn động viên rất lớn và không gì hạnh phúc bằng” - Kiệt tâm sự.
Để chuyến đi thêm phần ý nghĩa, Kiệt đã dùng chân vẽ một bức tranh đồng quê tặng Chủ tịch Nước và một bức tranh về trường lớp tặng nguyên Phó Chủ tịch Nước Nguyễn Thị Bình. Ông Lê Văn Cao – Trưởng phòng Chăm sóc bảo vệ trẻ em – Sở LĐTBXH tỉnh Hậu Giang, người dẫn đoàn đi lần ấy - kể: “Lúc Kiệt vẽ tranh, rất nhiều người đến xem. Bức tranh tuy không thực sự sắc sảo, nhưng ai cũng cảm động, khen ngợi ý chí cũng như tấm lòng của em qua món quà giản dị nhưng đầy ý nghĩa...”.
Theo Trần Lưu (Lao động)