Khi thi thể của chị Hương mới được vớt lên, cơ quan điều tra đang thu thập chứng cứ thì chồng chị ra tự thú khai nhận rằng mình chính là kẻ đã hạ sát vợ.
Chị Hương ra đi, để lại đứa con nhỏ bốn tuổi, ánh mắt ngơ ngác của bé khiến nhiều người chứng kiến không khỏi xót lòng. Bé vẫn chưa thể cảm nhận được nỗi đau, bi kịch của gia đình mình.
Cái chết thương tâm của người phụ nữ
Trong mấy ngày qua, ấp Xóm Vó, xã Phú Cần, huyện Tiểu Cần, Trà Vinh không ngớt xôn xao về cái chết của chị La Thị Thu Hương (24 tuổi, người địa phương) và kẻ ra tay sát hại không ai khác chính là người từng đầu ấp tay gối với chị là Thạch Phai Ly (tức Linh, 29 tuổi). Buồn bã ngồi trong căn phòng trống, cha mẹ của chị Hương là ông La Cốc Sủng và bà Sơ Sa Ren buồn bã kể lại cuộc đời con gái mình.
Tối ngày 5/1/2013, sau khi chị Hương đi làm về, Linh rủ vợ đi sắm đồ tết. Lúc này, đứa con chỉ mới bốn tuổi khóc nằng nặc đòi theo. Tuy nhiên, do trời tối, nên bà Sa Ren không đồng ý và bảo con gái để cháu lại ở nhà. Hai vợ chồng chở nhau trên chiếc xe đạp cũ, trước khi đi họ vẫn cười nói bình thường.
Hơn 22h cùng ngày, vẫn không thấy hai vợ chồng con gái về, bà Sa Ren cảm thấy vô cùng lo lắng. Bà Sa Ren ngậm ngùi kể lại: “Từ trước đến nay bọn chúng đi đâu cũng sợ con ở nhà không ai chăm sóc nên lúc nào cũng về sớm. Trời lại tối, nên tôi lại càng lo lắng hơn”.
Suốt đêm hôm đó, bà Sa Ren không thể nào chợp mắt. Đứa cháu thơ thì luôn miệng khóc đòi cha mẹ. Trong thâm tâm, bà Sa Ren nghĩ là đã có chuyện gì đó không may xảy ra với hai vợ chồng Linh. Tuy nhiên, bà vẫn hy vọng, những điều mình cảm nhận là không đúng.
Đến trưa hôm sau, hai vợ chồng Linh vẫn không trở về. Lòng người mẹ già rối như tơ vò. Khoảng 14h chiều ngày 6/1/2013, nhiều người bàn tán về chuyện một người dân phát hiện ở ao cách nhà bà chừng một cây số có cái xác phụ nữ.
Lo lắng cho con gái, lại hiếu kỳ, bà Sa Ren cũng chạy đến xem. Lúc này, thi thể của người phụ nữ đó đã được vớt lên. Bà Sa Ren ra đến, chen vào đám đông và chết lặng khi phát hiện đó chính là con gái của mình. Bà chỉ kịp thét lên một tiếng thất thanh rồi bất tỉnh. Khi thức dậy, bà cùng thi thể con gái đã được đưa về nhà.
Sự việc nhanh chóng được trình báo đến cơ quan công an. Nhiều điều tra viên đã được điều đến khám nghiệm hiện trường. Theo kết quả khám nghiệm pháp y, nạn nhân tử vong do bị ngạt nước. Cùng chiều hôm đó, nạn nhân đã được đưa về gia đình để mai táng. Khi đưa thi thể chị Hương về nhà, đứa con 4 tuổi vẫn chưa hiểu chuyện gì đang xảy ra, thấy nhiều người đông vui, cháu chạy nhảy cười đùa. Chính điều này khiến cho những người có mặt thêm quặn lòng.
Trong khi vụ việc đang được thu thập chứng cứ, điều tra kẻ sát nhân thì bất ngờ Linh đến công an đầu thú, khai nhận, mình chính là người đã gây ra cái chết của vợ. Nỗi đau mất con gái khiến trái tim người mẹ già vụn vỡ, nhưng khi biết kẻ giết người chính là Linh thì bà lại càng đau đớn hơn gấp bội lần. “Đến bây giờ tôi vẫn không thể nào tin được, chính Linh lại ra tay sát hại vợ của mình”, bà Sa Ren đau buồn chia sẻ.
Theo điều tra ban đầu, hôm xảy ra vụ án, hai vợ chồng Linh chơ nhau đi mua sắm đồ tết. Sau khi mua xong đồ, trên đường về, Linh rủ vợ dừng lại ở một cánh đồng để nói chuyện. Trong lúc tâm tình, thủ thỉ, hai người lại xảy ra mâu thuẫn, cãi vã nhau.
Trong lúc không kìm nén được cơn tức giận, Linh bóp cổ, dìm vợ xuống sông. Khi phát hiện người từng đầu ấp tay gối của mình đã chết, hắn hoảng loạn bỏ chạy với ý định tẩu thoát. Tuy nhiên, biết không thể nào trốn tránh mãi được, lại hối hận về hành động đã gây ra nên hắn quyết định ra tự thú. Theo một điều tra viên, suốt mất ngày qua, Linh thất thần, ăn uống rất ít, khuôn mặt lúc nào cũng buồn bã, nhiều lúc ngồi khóc một mình.
Bi kịch lấy phải chồng cuồng ghen
Ông La Cốc Sủng, cha của chị La Thu Hương sinh ra tại thành phố Hồ Chí Minh. Thống nhất đất nước, nghe lời kêu gọi của chính quyền đi tìm nơi định cư mới, ông về tỉnh Trà Vinh lập nghiệp. Cuộc sống khó khăn, không mảnh đất cắm dùi, ông chọn nghề phụ hồ làm kế sinh nhai.
Cùng thời gian này, ông gặp bà Sa Ren. Cảm mến nhau cái tình cái nghĩa, hai người yêu và kết hôn. Ba đứa con lần lượt ra đời. Thấy gia đình ông Sủng quá khổ nên chính quyền địa phương đã hỗ trợ xây dựng một căn nhà tạm trên mảnh đất nhà nước. Thời gian cứ thế trôi qua, dù cơ cực nhưng gia đình luôn sống trong hạnh phúc.
Chị Hương là con gái thứ hai trong gia đình. Mặc dù cố gắng, muốn con cái được học hành đến nơi đến chốn nhưng tiền học phí không có nên khi chị Hương học đến lớp 10 thì phải dở dang đèn sách. Nghỉ học, chị lên thành phố Hồ Chí Minh rồi xin vào làm cho một cửa hàng phế liệu.
Mỗi tháng, sống tằn tiện, chị cũng tích góp được vài trăm nghìn gửi về cho gia đình. Cùng trong thời gian này, chị gặp và yêu Linh. Cách đây năm năm, chị đưa Linh về nhà, ngỏ ý xin cha mẹ cho hai người được lấy nhau.
Thấy con gái đã lớn, hai người đến với nhau tự nguyện nên ông bà tác duyên, không một lời phản đối. Đám cưới nghèo diễn ra chỉ vài bàn tiệc, nhưng đôi trẻ lại ngập tràn hạnh phúc. Cưới nhau xong, hai người dắt nhau lên tỉnh Bình Dương làm công nhân. Sau đó cùng lên Tây Nguyên để hái cà phê, cạo mủ cao su. Tuy nhiên, rừng thiêng nước độc khiến chị Hương thường xuyên bệnh tật. Sau nhiều đêm trăn trở, hai người quyết định trở về quê nhà.
Cùng thời gian này, chị Hương sinh được đứa con đầu lòng. Nhà không có, công việc cũng không, hai vợ chồng cứ sống bên nội vài hôm, lại chuyển đến nhà ngoại. Linh thương vợ cũng đi làm thợ hồ, nhưng chán nản vì công việc không ổn định, chỉ làm được vài ngày thì nghỉ. Sau đó, hắn đi cắm câu kiếm con tôm, con tép sống tạm qua ngày.
Mặc dù mới sinh, nhưng thấy cảnh nghèo túng, đứa con thơ khóc nằng nặc đòi sữa không có, chị Hương đau lòng bàn tính với chồng để mình đến công ty giầy da gần nhà làm công nhân. Nơi làm việc chỉ cách nhà khoảng hai km, nhưng do tính hay ghen, Linh không cho vợ tự đi xe đạp đi một mình ma mỗi ngày lại đưa đón. Làm công nhân thường xuyên tăng ca, Linh đến đón trễ, đêm về lại cằn nhằn, chị Hương cố gắng chịu đựng nhưng cũng không thể chịu được sự gò bó của chồng. Cuối cùng chị quyết định nghỉ việc.
Thất nghiệp, lại trắng tay, chị Hương không thể nào chịu đựng được cảnh con thơ khóc đòi sữa, chị nhờ mẹ ruột khuyên chồng cho mình đi làm phụ quán cơm ở trước ngõ. Linh lại cho rằng, quán cơm là nơi đông người, vợ có thể ngoại tình bất cứ lúc nào nên hắn giám sát kỹ lưỡng. Hắn thường xuyên xuất hiện đột ngột ở quán, lấy điện thoại của vợ để kiểm tra tin nhắn, cuộc gọi. Chỉ mới được ba tháng, Linh lại nổi cơn ghen và yêu cầu vợ ở nhà. Sợ mất hạnh phúc gia đình, một lần nữa, chị ngậm ngùi trở về nhà trong tình trạng thất nghiệp không tiền.
Mới đây, chị Hương lại xin chồng được đi phụ ở một quán cà phê. Linh lại cho rằng, ở đó phức tạp nên không chấp nhận. Hai vợ chồng thường xảy ra cãi cọ. Từ trước đến nay, bà Sa Ren để mọi chuyện của vợ chồng Hương cho hai người tự tính. Tuy nhiên, lần này, bà không chịu đựng nổi cơn ghen điên cuồng vô lý của con rể nên bà đưa tay bạt tai.
Cũng nhờ đó, Linh im lặng, để vợ đi làm. Chị chỉ mới phụ quán cà phê được một ngày thì xảy ra sự việc đau lòng trên. “Tôi không thể hiểu tại sao Linh lại ghen tuông nhiều đến thế. Vợ con không có cái ăn, cái mặc, không lo kiếm công ăn việc làm, mà nó cứ chực chờ ghen tuông làm khổ vợ con. Và bây giờ, chính nó đã hạ sát đứa con gái tội nghiệp của tôi”, bà Sa Ren lau vội dòng nước mắt.
Day dứt người ở lại
Thắp nén hương cho người con gái mệnh yếu, ông Sủng buồn rười rượi cho biết, trong thời gian sống với nhau, nếu bỏ qua tính hay ghen thì Linh là một người hiền lành, tốt bụng. Từ khi con nên vợ chồng, ông chỉ mới nghe con gái tâm sự là bị chồng đánh một bạt tai duy nhất. Còn riêng về Hương, lúc còn nhỏ đã phải chịu đựng biết bao thiệt thòi so với bạn bè.
Lớn lên, lấy chồng, chị vẫn phải lao động vất vả để nuôi chồng con. Trong khi đó, người chồng lại quá ghen tuông càng khiến cho chị đau buồn hơn. Lắm lúc, chị về nhà rủ rỉ tâm sự không hiểu vì sao chồng lại hay ghen đến vậy. Vợ chồng ông ngao ngán lắm, nhưng vẫn cố khuyên con: “con buồn bã làm gì. Nó có thương, có yêu thì mới ghen chứ”. Mỗi lần như vậy, chị chỉ lặng thinh không phản bác.
Ông đau buồn hối hận, hôm xảy ra vụ án, đứa cho xin đi sắm tết cùng nhưng vợ chồng ông cho đi vì sợ trời tối: “nếu hôm đó, chúng tôi không ngăn cản con nó đi cùng thì có lẽ đã không có chuyện buồn như thế này xảy ra”, ông Sủng chia sẻ. Trong cuộc trò chuyện, ông lo lắng cho tương lai của đứa cháu lên bốn tuổi của mình.
Không biết rằng, khi cháu lớn lên có chịu đựng nổi dư luận, mình chính là conn của một kẻ giết vợ hay không. Ông sẽ cố gắng nuôi đứa cháu nhỏ của mình nên người. Tuy nhiên, ngẫm lại những vết nhăn co rúm trên gương mặt ông: “nhưng tuổi chúng tôi cũng đã quá già, không biết có thể nuôi dạy cháu đến lúc nào nữa”.
Trong khi chúng tôi đang trò chuyện, con chị Hương thấy người lạ đến cũng lén tới gần. Cháu còn quá nhỏ, chưa biết chuyện gì đang xảy ra, vẫn chưa cảm nhận được tương lai muôn vàn trắc trở đang đón đợi mình. Khói nhang trên bàn thờ của người phụ nữ xấu số vẫn trôi lơ lửng. Phía dưới nhà, đứa con thơ vẫn tươi cười nói chuyện luôn miệng.
Nhìn cảnh này, chúng tôi không nén được lòng xúc động. Thấy không có cha mẹ bên mình, nhưng cháu bé không hề đòi khóc, trái lại còn nhoẻn miệng cười khoe: “Mẹ con đi làm. Cha con đi chở mẹ về”. Sự trong trắng, trẻ thơ của cháu có còn không khi lớn lên biết bi kịch của chính gia đình mình?
gsm modem, phan mem nhan tin