Hạn chế tăng mức phạt ô tô, xe máy


Dự thảo nghị định xử phạt vi phạm giao thông sẽ rà soát lại các hành vi vi phạm (Ảnh minh họa)
Dự thảo nghị định xử phạt vi phạm giao thông sẽ rà soát lại các hành vi vi phạm (Ảnh minh họa)
Dự thảo nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt hạn chế việc tăng mức xử phạt và xác định các hành vi cho phù hợp thực tiễn.
Ông Nguyễn Văn Thuấn, Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông (Bộ GTVT) - đơn vị chủ trì soạn thảo, cho biết việc sửa đổi, bổ sung nghị định xử phạt giao thông đường bộ, đường sắt lần này nhằm phù hợp với quy định Luật Xử lý vi phạm hành chính (thay thế Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính) có hiệu lực từ ngày 1/7/2013.
Phạt cao: Phải được HĐND TP chấp nhận
Theo ông Thuấn, nghị định xử phạt mới dự kiến sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2013. Khi đó, quy định cho phép xử phạt một số hành vi (chạy quá tốc độ, đi vào đường cấm, đi không đúng phần đường hoặc làn đường; uống rượu bia, vượt đèn đỏ,…) cao gấp 2 lần so với địa phương khác tại khu vực nội thành Hà Nội, TPHCM sẽ hết hiệu lực.
“Trước đây, Chính phủ quyết định việc xử phạt cao đối với một số hành vi nhằm nâng cao tính răn đe. Tuy nhiên, Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định các TP trực thuộc Trung ương được quyền quyết định khung phạt tiền đối với một số hành vi trong khu vực nội thành nhưng không được cao hơn 2 lần mức phạt chung nên các quy định hiện hành về việc này sẽ phải bãi bỏ” - ông Thuấn nói.
 - 1
Theo dự thảo nghị định mới, sẽ rà soát lại các hành vi vi phạm giao thông để có tính khả thi hơn. Ảnh: HỒNG THÚY
HĐND các TP trực thuộc Trung ương (Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ) muốn áp dụng xử phạt cao hơn gấp 2 lần đối với một số hành vi vi phạm giao thông ở khu nội thành thì phải họp thông qua nghị quyết về việc này.
Việc tước quyền sử dụng giấy phép lái xe, chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ cũng sẽ quy định cứng trong 1, 2 hoặc 24 tháng. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi điều khiển mô tô, xe máy (kể cả xe máy điện), ô tô, máy kéo hoặc xe tương tự ô tô sẽ chỉ bị phạt cảnh cáo. Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi điều khiển mô tô có dung tích xi lanh từ 50 cm3 trở lên sẽ bị phạt tiền từ 600.000-800.000 đồng.
Sửa quy định “xử” xe không chính chủ
Theo ông Nguyễn Văn Thuấn, trọng tâm của lần sửa đổi lần này tập trung vào việc thay đổi về trình tự, thủ tục, mức phạt, thẩm quyền xử phạt,… “Ngoài hạn chế việc tăng mức xử phạt, chúng tôi sẽ rà soát lại những hành vi vi phạm với mức xử phạt như hiện nay đã hợp lý hay chưa để có điều chỉnh.
Sau sự việc lùm xùm của Nghị định 71 vừa rồi với quy định, xử phạt hành vi không sang tên đổi chủ phương tiện theo quy định, chúng tôi sẽ phải bảo đảm nghị định mới phù hợp và khả thi hơn” - ông Thuấn nói.
Dự thảo lần này quy định người không thực hiện việc đăng ký, đăng ký lại phương tiện khi mua, bán, được thừa kế, tặng cho phương tiện xe máy theo quy định sẽ bị xử phạt tiền từ 800.000 đến 1,2 triệu đồng (ô tô là 6-10 triệu đồng).
Việc giao xe hoặc để cho người không đủ điều kiện theo quy định của pháp luật điều khiển xe tham gia giao thông hoặc không mua/nộp phí cho phương tiện khi tham gia giao thông theo quy định cũng bị xử phạt trong khung 800.000 đến 1,2 triệu đồng. Chủ ô tô không mua hoặc nộp phí cho phương tiện khi tham gia giao thông theo quy định sẽ bị phạt tiền từ 6-10 triệu đồng.
Đối với hành vi tụ tập để cổ vũ, kích động hành vi điều khiển xe chạy quá tốc độ, lạng lách, đánh võng, đuổi nhau trên đường hoặc đua xe trái phép; đua xe đạp, đua xe đạp máy, đua xe xích lô, đua xe súc vật kéo, cưỡi súc vật chạy đua trái phép trên đường giao thông... sẽ bị phạt tiền từ 1 - 2 triệu đồng. Phạt tiền từ 4 - 6 triệu đồng đối với người cổ vũ, kích động đua xe trái phép mà cản trở hoặc chống người thi hành công vụ.
Phạt tiền từ 10-20 triệu đồng đối với người đua mô tô, xe máy, xe máy điện trái phép; phạt tiền từ 20-30 triệu đồng với người đua ô tô trái phép. Người đua ô tô, mô tô, xe máy, xe máy điện, xe đạp máy mà chống người thi hành công vụ có thể bị phạt tiền từ 30-40 triệu đồng.
Phạt nặng xe nhồi nhét khách
Dự thảo cũng quy định phạt tiền từ 300.000 - 500.000 đồng trên mỗi người vượt quá quy định được phép chở của phương tiện đối với người điều khiển ô tô chở hành khách, ô tô chở người (trừ xe buýt) vi phạm hành vi: Chở quá từ 2 người trở lên trên xe 9 chỗ ngồi, chở quá từ 3 người trở lên trên xe 10 chỗ ngồi đến xe 15 chỗ ngồi, chở quá từ 4 người trở lên trên xe 16 chỗ ngồi đến xe 30 chỗ ngồi, chở quá từ 5 người trở lên trên xe trên 30 chỗ ngồi.
Theo Thế Kha (Người lao động)