Một góc khu nhà vườn nhìn từ trên cao
Đến nhà số 6 Đinh Liệt chưa, nhà vườn duy nhất ở phố cổ Hà Nội đấy. Mà nhà lại nằm trong con ngõ chứ không phải ngoài đường đâu” - nghe chị Trần Thị Lan (Ban quản lý phố cổ Hà Nội) giới thiệu, người nghe rất ngạc nhiên, bởi ở cái thời buổi tấc đất tấc vàng này, nhất là lại trong ngõ nhỏ phố cổ, tìm đâu ra nhà vườn mấy trăm mét vuông!
Nhà vườn xuyên phố cổ
Xuyên qua con ngõ nhỏ, nơi phía cuối con đường, mắt tôi chạm vào màu xanh từ tàng cây cao vượt qua khỏi bờ tường, cổng vào; xanh từ những dây leo mềm mại bò dưới đất. Ánh nắng vàng tươi của một buổi sáng đầu đông Hà Nội như dịu đi trước mảng màu xanh mướt mắt bao quanh khu vườn. Ngôi nhà vườn hiện ra sau những tầng lá xanh ngắt.
Ông Phạm Ngọc Giao, 71 tuổi - con trai thứ của cụ Phạm Thị Tề, chủ nhân ngôi nhà vườn cổ - nhiệt tình dẫn khách tham quan vườn, chỉ từng cây một và giới thiệu về lai lịch, tuổi đời của nó: cây si này đã 80 tuổi, cây móng rồng kia đã 70 năm, cây cau đây đã 60 tuổi đời... Bên phải từ ngoài cổng phố Đinh Liệt đi vào là cây liễu, tượng trưng cho người nữ. Bên trái là cây trúc quân tử, tượng trưng cho người nam. Hai bên là cây mộc hương. Giữa vườn cạnh tiểu đảo là cây hoa sứ champa, ngày trước là khóm hồng. Chạy dọc bờ tường là nơi bức phù điêu Chiêu Quân cống Hồ từng ngự trị, giờ đã bị một gia đình lấn chiếm phá đi để xây nên một nhà bếp mọc lên rất lạc điệu, kỳ cục trong thần thái cổ và thiên nhiên này.
“Ngày mới giải phóng gia đình tôi cho người ta ở nhờ rồi dần dần họ không chịu đi - ông Giao nói như giải thích - Chỉ riêng phần sân vườn này là 180m2, còn tổng diện tích đất nhà chúng tôi rộng 560m2”.
“Điều đặc biệt là vườn nhà tôi vẫn giữ được không gian hài hòa giữa thiên nhiên và kiến trúc với tỉ lệ 1, tức vườn sân - nhà tỉ lệ là 1:1. Nhà cao bao nhiêu, rộng bao nhiêu (chiếu đứng) thì sân vườn phía trước nhà (chiếu bằng) phải tương ứng. Đây là tỉ lệ lý tưởng”, ông Giao tự hào nói.
Gần tiểu đảo giữa vườn là chiếc giếng cổ. Ngay cả những con cháu trong gia tộc họ Phạm ở căn nhà này cũng không biết giếng cổ có tự bao giờ. Chỉ biết rằng khi bố mẹ ông Giao về đây ở và từ đời chủ cũ trước đó đã có giếng cổ. Tính ra tuổi của nó chí ít phải 100 tuổi vì năm nay cụ Tề, mẹ ông Giao, đã bước sang tuổi 98. Giếng miệng tròn, rộng 70-80cm, sâu 3m. Nước rất mát, trong vắt, mạch đứng. Xét về phong thủy, giếng cổ như mắt ngọc của thế đất, là hồn của mảnh đất. Xưa không có nước máy, gia đình ông Giao dùng nước giếng rửa mặt, ăn uống, tắm giặt... hằng ngày.
“Bạn tôi là nhạc sĩ Vĩnh Lai từng ở nhà này và rất thích tắm bằng nước giếng cổ - ông Giao kể - Trước không có tủ lạnh, ngày hè chúng tôi lấy nước nhân trần, cam thảo, vối... đóng chai thả xuống giếng để lấy độ mát âm thay cho làm đá. Chỉ mấy tiếng đồng hồ là mát lạnh”.
Một góc khu nhà vườn nhìn từ trên cao
Nói đoạn, chủ nhà thân mật mời khách lên ban công trên gác hai của ngôi biệt thự cổ uống trà. Trên bờ tường của dãy hành lang dài ngập nắng nhìn ra khu vườn xanh, không gian yên tĩnh dường như chỉ để cho tiếng chim hót bởi ngay cả bước chân đi cũng rất nhẹ nhàng, tiếng cười cũng trở nên từ tốn, ý nhị. Những ồn ào, xô bồ của cuộc sống sôi động ngoài kia như đã rơi rớt lại ngoài đầu ngõ..
Đi qua hai cuộc chiến tranh, gia tộc họ Phạm của ngôi nhà vẫn giữ được chiếc bình gốm pháp lam thời Nguyễn (hiện được đặt cạnh bàn thờ gia tiên) và bộ bàn ghế cổ hơn 100 năm bằng gỗ núp. Trên gác ba (gác thượng), nơi cao nhất của căn biệt thự là điện thờ mẫu Liễu Hạnh. Chỉ thêm một bước chân thôi là ra khỏi cửa, đến bancông nơi có chín giếng trời. Chín luồng ánh sáng từ nắng trời xuyên thẳng xuống chín giếng trời tạo nên không gian vừa lạ lẫm, vừa huyền ảo thú vị.
“Giếng trời thu được ánh sáng của trời, lấy được âm khí mặt đất - ông Giao cho hay - Đi qua khu vực thờ là nơi âm dương giao hòa làm cho cảm giác của con người luôn biến đổi tự nhiên, làm cho tâm hồn con người khi bước vào đây trở nên thanh thoát, nhẹ bẫng”. Đặc biệt, phần mái nhà có một đỉnh là đầu rồng kép rất độc đáo, để giải thế đất không vuông vức (bị vát cạnh ở phía tây và nam).
Trước đây, căn biệt thự vốn là nhà hình ống, có trước năm 1920, được bố mẹ ông Giao mua năm 1945. Lúc đó ngôi nhà mang số 103 Hàng Bạc (sau đổi thành 115 Hàng Bạc). Ngôi nhà được sửa lại từ năm 1945 nhưng đến năm 1949 mới hoàn thành do chiến tranh nổ ra. Kiến trúc sư Phạm Khắc Hệ đã biến ngôi nhà ống đơn thuần thành biệt thự hai tầng với 16 phòng.
Ngôi nhà là sự kết hợp hài hòa giữa kiến trúc Pháp và đình làng Việt với hành lang, cầu thang, bờ tường cao thoáng, mái nhà lợp ngói; đầu rồng cách điệu ở đỉnh mái nhà... Sau những lần vật đổi sao dời, khu nhà vườn tổng diện tích gần 600m2 nay chỉ còn gần 300m2.
Níu giữ Hà Nội xưa
“Người Tràng An không thích nghỉ ngơi khi còn có thể làm việc có ích cho con cháu, cho xã hội. Tôi là kỹ sư điện, đã nghỉ hưu nhưng vẫn làm nghề bốc thuốc gia truyền. 40 năm nay tôi vẫn làm việc tất cả các buổi chiều, sáng làm thuốc. Chị tôi là họa sĩ, đã 73 tuổi nhưng một ngày vẫn dành 4-5 tiếng vẽ. Chị cả tốt nghiệp kỹ sư hóa Trường ĐH Bách khoa có nghề sang sợi Triều Khúc. Em gái Lan Hương nghề thêu...” - ông Giao tâm sự.
Những con người trong ngôi nhà vườn cổ này như sợ nếp sống, gia phong, thần thái và tính cách của người Hà Nội sẽ mai một dần trong thời buổi quá xô bồ này.
“Người Tràng An sống, sinh hoạt, gắn kết với nhau bằng sự khiêm nhường, cần cù, tôn trọng người khác. Chúng tôi luôn nhớ lời dặn của ông bà: trong nhà có quy định không đổi là luôn coi trọng tính công bằng và tính nhẫn, ứng xử không gì bằng khiêm tốn, mềm mại như cành liễu. Ở nhà chúng tôi người lớn rất thích chăm chút con cháu. Trong đêm giao thừa khi cậu tôi còn sống, ông luôn đến thăm các con cháu. Bây giờ thì mợ tôi làm việc này. Sáng mồng 1 con cháu mới đến thăm chúc mừng. Đó là phong tục bao đời nay của gia tộc”, bà Nguyệt Nga, chị gái ông Giao, cho biết.
Chìa chiếc nhẫn vàng trên ngón tay, ông Giao bảo: “Mợ vừa đánh tặng tôi cái nhẫn vàng này. Mợ bảo: con phải nhận đi, đứa nào mợ cũng tặng mà con thì sao lại không nhận. Mợ tôi được coi là điểm tựa về tinh thần của đại gia đình. Mợ sống rất mẫu mực, công bằng”.
Bà Nguyệt Nga nói thêm: “Gia đình tôi từ đời ông bà nội có truyền thống không phân biệt con trai - con gái, cháu dâu - cháu rể. Đến cậu mợ tôi rồi đời chúng tôi cũng vậy. Chú Giao là con trai trưởng nhưng cũng như những người con khác: chỉ được phân hai phòng. Hằng ngày chúng tôi đều vấn an mợ sớm hoặc trước khi đi làm, đi học và sau khi trở về nhà. Chúng tôi xem việc chăm sóc bố mẹ là niềm vui, hạnh phúc nhất cuộc đời. Tôi lo việc ăn uống của mợ. Chú Giao cho cụ uống vitamin E phục hồi trí nhớ và một viên chống lão hóa mắt. Cô em gái lo việc đầu tóc, quần áo. Chị cả lo quà cáp sáng...”.
Những thế hệ con cháu của họ Phạm khi lập gia đình phải ra ngoài ở riêng, không được phạm đến một tấc đất của khu vườn.
“Cậu mợ tôi có tám người con. Hiện ở đây có bảy gia đình, năm thế hệ. Khi con cháu lớn lên, chúng muốn chia nhỏ khu vườn ra để xây nhà. Chúng tôi đã trải qua nhiều cuộc họp đại gia đình căng thẳng, đấu tranh để giữ cho được sự nguyên vẹn của khu vườn. Từng cái cây, viên gạch trong vườn này đều do các thành viên trong gia đình nâng niu, bảo vệ qua hai cuộc chiến tranh. Chỉ cần trồng một cây thôi, chúng tôi cũng hỏi ý kiến, tham khảo nhau. Cho nên con cháu gia đình này không ai được phép đụng đến mảnh đất của tổ tiên để lại”.
Thế nên qua bao dâu bể của cuộc đời, khu vườn cổ kính ở số 6 Đinh Liệt vẫn rợp bóng xanh mát và ríu rít tiếng chim ca...
Theo My Lăng (Tuổi Trẻ)