Thủ tướng: Thua lỗ tiền tỉ ai không xót


Doanh thu của Tổng công ty Thép giảm 8,9% so với năm 2011
Doanh thu của Tổng công ty Thép giảm 8,9% so với năm 2011
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nói như vậy tại hội nghị Chính phủ với các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước ngày 16/1.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh đóng góp của các tập đoàn, tổng công ty trong nền kinh tế là “không ai có thể phủ nhận”. Thủ tướng nêu ví dụ về công trình thủy điện Sơn La, từ thiết kế đến thi công đều do doanh nghiệp nhà nước làm, vượt tiến độ ba năm, nếu tính sản lượng điện hơn 10 tỉ kWh/năm thì tương đương mỗi năm vào khoảng 500-700 triệu USD. Nếu như trước đây thủy điện Hòa Bình lúc cao điểm có hàng nghìn chuyên gia Liên Xô thì thủy điện Sơn La tất cả đều do kỹ sư, lao động Việt Nam thực hiện.
Người dân có quyền hỏi còn Vina nào nữa?
Thủ tướng khẳng định chủ trương doanh nghiệp nhà nước là lực lượng nòng cốt của nền kinh tế nhà nước, là lực lượng vật chất quan trọng, là công cụ hỗ trợ để Nhà nước điều tiết nền kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô...
Thủ tướng nói vụ việc Vinalines vừa qua đã ảnh hưởng đến hình ảnh doanh nghiệp nhà nước, vậy nên người dân có quyền hỏi còn Vina nào nữa? “Nhân dân phê phán là đúng, làm ăn tiêu cực thua lỗ như thế, tiền tỉ như thế ai mà không xót ruột. Tuy rằng đa số là tốt, nhưng các biểu hiện như thế không thể coi thường” - Thủ tướng nói.
 - 1
Doanh thu của Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản Việt Nam trong năm 2012 chỉ bằng 85,5% so với năm 2011 - Ảnh: Đàm Duy
Liên quan đến việc tái cơ cấu các tập đoàn, tổng công ty, Thủ tướng nhấn mạnh khâu thoái vốn phải có lộ trình, phải có phương án.
“Đầu tư ngoài ngành là làm không trái pháp luật, không trái chủ trương của Đảng, nhưng từ thực tiễn thấy hiệu quả không tốt thì thu hẹp lại, tập trung vào ngành nghề chính. Nhưng khi tiến phải có phương án, mà rút lui cũng phải có trật tự, có phương án sao cho không để xảy ra tiêu cực, thất thoát. Mỗi tập đoàn, tổng công ty phải có phương án. Rút lui mà vứt cả súng đạn bỏ chạy là không được” - Thủ tướng nói.
Về giá điện, xăng dầu, than, nước sạch ở các thành phố lớn, Thủ tướng yêu cầu phải làm minh bạch hơn, rõ ràng hơn nữa. Ví dụ như giá than, hiện bán cho sản xuất điện dưới giá thành (chỉ bằng 70% giá thành), quyết tâm theo lộ trình là than bán đủ không thấp hơn giá thành, nhưng đi liền với đó bản thân ngành than phải tính toán giảm giá thành, minh bạch, công khai giá thành.
Phải nghiêm túc xem lại các yếu kém
Thủ tướng nhấn mạnh đến việc hoàn thiện thể chế, cơ chế để tạo ra môi trường cạnh tranh quốc gia thuận lợi cho các tập đoàn, tổng công ty hoạt động, qua đó nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, đóng góp nhiều hơn nữa vào việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
 - 2
Tổng công ty Thép doanh thu năm 2012 đạt 29.400 tỉ đồng, giảm 8,9% so với thực hiện năm 2011, công ty mẹ ước lỗ 500 tỉ đồng, hợp nhất toàn tổ hợp ước lỗ 150 tỉ đồng (Trong ảnh: Trụ sở của Tổng công ty Thép Việt Nam tại Hà Nội)
Thủ tướng lưu ý các tập đoàn, tổng công ty không hoàn thành kế hoạch hoặc việc sản xuất kinh doanh giảm so với năm 2011, hiệu quả thấp cần phải nghiêm túc xem lại các yếu kém của mình, “lỗ là do các yếu tố vĩ mô hay do chính mình”.
Đề cập đến nhiệm vụ năm 2013 của các tập đoàn, tổng công ty, Thủ tướng nêu rõ phải bám sát các mục tiêu tổng quát về kinh tế - xã hội mà Đảng, Quốc hội đã đề ra, cụ thể như xây dựng kế hoạch sao cho không thấp hơn năm 2012, vì nếu thấp hơn thì làm sao góp phần vào việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng năm 2013 cao hơn 2012.
Thủ tướng cho rằng xã hội hiện nay yêu cầu công khai, minh bạch, dân chủ ngày càng cao, do vậy bản thân các tập đoàn, tổng công ty cũng như bộ quản lý ngành phải có trách nhiệm cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời về hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Kết quả sản xuất kinh doanh hằng năm phải kiểm toán, công bố công khai, không che giấu, nói rõ mặt được cũng như mặt chưa được để nhìn nhận một cách khách quan.
Hạn chế thành lập mới tập đoàn, tổng công ty
Theo dự thảo nghị định về tập đoàn kinh tế nhà nước, tổng công ty nhà nước vừa được Bộ Kế hoạch - đầu tư công bố lấy ý kiến nhân dân, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước sẽ phải giải thể, chuyển đổi nếu không đáp ứng điều kiện theo quy định.
Theo đó, Nhà nước chủ trương hạn chế việc thành lập mới tập đoàn kinh tế, tổng công ty và chỉ xem xét thành lập khi đáp ứng đủ các điều kiện về hiệu quả kinh doanh, tình trạng tài chính, nguồn nhân lực, trang thiết bị…
Dự thảo quy định tổng công ty nhà nước được lựa chọn làm nòng cốt hình thành tập đoàn kinh tế phải bảo đảm kinh doanh có lãi trong ba năm liên tiếp liền kề năm được lựa chọn. Bên cạnh đó phải có tình trạng tài chính lành mạnh, trình độ nguồn nhân lực và năng suất lao động cao hơn các doanh nghiệp hoạt động trong cùng ngành...
(Chinhphu.vn)
Theo V.V.Thành (Tuổi trẻ)