“Mười nhà như chục” nhà nào cũng gói nấu nồi bánh tét.
Ngày 29 tết Quý Tỵ, tại hẻm 5, phường 2 (TP Tuy Hòa, Phú Yên), tổ chức cúng làng… giữa phố, gắn kết yêu thương những người trong khu phố nhỏ. Còn người dân miền núi hùn vốn…cúng tất niên
Gác chuyện đồng áng, cúng tất niên ngày cuối năm, gia đình khá giả thì làm con heo, nhà nào kinh tế eo hẹp hùn vốn mua heo giết thịt. Còn người túng thiếu, cùn năm mãn tháng nấu mâm cơm canh, cúng ông bà tổ tiên.
Sửa soạn tất niên
Năm nay, nhà chị Lê Thị Thủy, ở xã Xuân Phước (huyện Đồng Xuân, Phú Yên) “ăn” tất niên sang trọng. “Sẵn con heo nuôi trong chuồng tôi làm thịt, trước cúng ông bà, sau mừng thằng con vừa rồi thi đậu đại học”,- chị Thủy nói. Sau khi cúng xong chị Thủy gởi cho cha mẹ hai bên (bên chồng, bên chị) cùng mấy anh chị em dòng họ mỗi người cân thịt nạc và nửa ký thịt xương về ăn lấy thảo.
Năm nay, nhiều người ở quê không mua thịt heo ở chợ mà rủ 2-3 người hùn tiền mua con heo ở địa phương rồi làm thịt. Con heo nặng 47kg, được anh Trần Văn Dũng và anh Phạm Hòa, ở xã Xuân Quang 3 (Đồng Xuân) mua giá tiền 2,1 triệu đồng. “Hai anh em trong xóm “dang tay” (hùn vốn) mua con heo làm thịt có đầu, có lòng, có nọng nấu cháo.Con cháu xúm xít ăn một bữa, rẻ hơn mua chợ lại đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm”,- anh Dũng cho hay.
Hùn tiền mua con heo ở địa phương rồi làm thịt cúng tất niên
Tất niên năm nay nhà anh Trần Sâm, ở xã Sơn Định (huyện Sơn Hòa, Phú Yên) cúng mâm cơm dâng lên gia tiên. Sắp trên bàn thờ là đĩa thịt heo luộc, tô canh bí ngô và đĩa xào. “Tết năm nay không sắm sữa gì nhiều chỉ ít trái cây, chậu hoa trưng bày cho ra không gian ba ngày tết. Trong nhà ấm cúng, hạnh phúc”.
“Mười nhà như chục” nhà nào cũng gói nấu nồi bánh tét.
Sáng sớm, anh Sâm hì hục gác cây cày (loại cày bò) sau mé hè, còn vợ anh lục đục nấu nướng bưng đặt lên bàn thờ ông bà tổ tiên cúng tất niên. Theo anh Sâm, mấy ngày qua anh tất bật cày đất gò đồi trồng sắn vừa thu hoạch, mới nghỉ tay sáng nay. Cạnh đó những nhà mua máy cày, sắm xe tải nhỏ cũng được lau chùi sạch sẽ đậu một góc cuối san tủ bạt sợ mưa nắng hoen gỉ, sau đó cùng cúng tất niên.
Đặc biệt năm nay người dân ở vùng miền núi “mười nhà như chục” nhà nào cũng gói nấu nồi bánh tét. Khói bếp quyện vào không gian lan tỏa vào khắp xóm nhà thật là ấm cúng.
Cúng làng… giữa phố
Sáng 29 tháng Chạp, tại hẻm 5, khu phố 4, Lê Thành Phương, Phường 2 (TP Tuy Hòa), người dân tổ chức cúng làng năm thứ 2. Ông Tám Lợi (75 tuổi), một người cao niên khu phố 4, cho biết: “9g sáng bày mâm cổ cúng ở khúc cua giữa hẻm, sau đó mang vô nhà tôi ăn uống. Một năm dài, mạnh ai nấy lo làm ăn, ngày cuối năm ngồi lại chung bàn chúc mừng ly rượu, tạo sự gắn kết yêu thương bà con xóm láng giềng gần. Cùng nhau giữ vững an ninh trật tự khu phố”.
Sáng 29 tháng Chạp, người dân hẻm 5, khu phố 4, phường 2, TP Tuy Hòa cúng làng …giữa phố
Cúng tất niên
Cúng làng năm nay có hơn 60 người trong khu phố tham dự. Trên mâm cúng đầy đặn nào là heo quay, trái cây…đều do mọi người góp công sức làm nên. Phụ nữ tổ chức gói bánh chưng nấu từ chiều hôm qua (28 tháng Chạp). Sau khi cúng, mọi người trong hẻm ngồi lại như một gia đình lớn đoàn viên, dành khoảng thời gian hàn huyên ăn một bữa tiệc thịnh soạn. Vui cười trò chuyện với nhau cảm thấy cái tết ấm áp, hạnh phúc.
Anh Trần Văn Khánh, một cư dân ở hẻm 5, cho biết: “Tổ chức như thế này rất vui, đoàn kết. Ai có nhiều góp nhiều, có ít góp ít tùy lòng hảo tâm trên tinh thần tự nguyện”. Theo nhiều người ở đây, đa số người đang sống ở hẻm 5 là dân nhập cư có “gốc gác” từ các miền quê ở huyện Đồng Xuân, Sơn Hòa, Tuy An đến cư ngụ.
Tổ chức cúng làng là ôn lại truyền thống cha ông từ thời xưa, đây cũng là nét văn hóa riêng của khu phố. Ông Nguyễn Minh Sang, khu phố phó khu phố 4, cho biết: “Hẻm 5 nhiều năm qua giữ vững an ninh trật trự, không xảy ra mất cắp. Tình làng nghĩa xóm thắt chặt”.
Theo Mạnh Hoài Nam (Vietnamnet)