Doanh nghiệp xăng dầu đang lãi lớn, khoảng 1.000 đồng/lít xăng và 800 đồng/lít dầu do giá xăng dầu thành phẩm trên thế giới những ngày qua giảm 5-7%.
Lãi 37 tỷ đồng/ngày
Tính theo chu kỳ giá 30 ngày, hiện nay, giá cơ sở của mặt hàng xăng A92 đã giảm 1.200 đồng/lít so với thời điểm 25-2 và giá bán lẻ chỉ còn thấp hơn giá cơ sở khoảng 1.000 đồng/lít. Riêng mặt hàng dầu đã ở điểm hòa vốn.
Trong khi đó, liên Bộ Tài chính - Công Thương vẫn cho xả quỹ bình ổn 2.000 đồng/lít xăng và 800 đồng/lít dầu khiến các doanh nghiệp lãi lớn. Doanh nghiệp có thị phần càng lớn, mức lãi càng cao vì số tiền xả quỹ tính tương ứng với mỗi lít xăng, dầu bán ra.
Các chuyên gia kinh tế nhẩm tính, giả sử mỗi ngày Việt Nam tiêu thụ 37 triệu lít xăng dầu các loại, và tính lãi ở mức độ khiêm tốn nhất, trung bình các doanh nghiệp thu lời 37 tỷ đồng/ngày. Đó là con số khổng lồ bởi khoản tiền này do người tiêu dùng móc túi ra giữ giá ổn định trong lúc khó khăn.
Từ ngày 26-2-2013 đến nay, mức xả quỹ bình ổn 2.000 đồng/lít xăng và 800 đồng/lít dầu vẫn được duy trì. Nhiều doanh nghiệp đã âm quỹ vì nếu với mức trích quỹ 300 đồng/lít, phải trích liên tục trong khoảng 6 tháng mới đủ xả quỹ 2.000 đồng/lít trong vòng 1 tháng. Nhưng đáng chú ý, quỹ âm thì doanh nghiệp vẫn được treo lỗ vì vẫn được trích quỹ đề bù đắp về sau.
Phủ nhận mức lãi khủng này, ông Nguyễn Tấn Phát- Giám đốc Công ty CPTM Nam Sài Gòn (một đơn vị bán lẻ xăng dầu) chia sẻ, công ty vừa nhận được thông báo từ phía đầu mối Petrolimex, tăng mức chiết khấu hoa hồng lên 500 đồng/lít xăng.
Tất cả các chi phí quản lý, bán hàng đã lên tới 400 đồng/lít. “Báo chí nói doanh nghiệp lãi khủng, nhưng đơn vị bán lẻ chúng tôi chỉ được lãi 100 đồng/lít mà thôi” - ông Phát nói.
Phản biện lại doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng không thể có chuyện doanh nghiệp chỉ trả hoa hồng 500 đồng/lít xăng cho nhà bán lẻ. “Trước kia, khi doanh nghiệp khó khăn đã mạnh tay chi đến 700 đồng/lít. Giai đoạn này, giá xăng thế giới giảm từ đà hơn 132 USD/thùng về quanh mức 117-120 USD/thùng thì hoa hồng phải lên đến 1.200 đồng/lít. Còn có nhiều “hộp đen” khác ở phía sau câu chuyện xăng dầu?”- ông Long nghi vấn.
Thực tế này có thể gây xáo trộn trong phân phối bởi doanh nghiệp có thể từ bỏ mối cũ, nhập hàng mối mới vì hoa hồng cao hơn.
Tại cơ chế điều hành
Trước diễn biến giá cả xăng dầu như trên, liên Bộ Tài chính - Công Thương cho biết vẫn đang tiếp tục theo dõi sát diễn biến giá thế giới để làm sao sử dụng các công cụ giá, thuế, quỹ bình ổn phù hợp.
“Khi chênh lệch giữa giá cơ sở và giá bán lẻ xăng dầu đang thấp dần do giá thế giới giảm thì liên Bộ Tài chính - Công Thương sẽ điều hành hợp lý đảm bảo quyền lợi 2 bên: doanh nghiệp, người tiêu dùng và quyền lợi của Nhà nước”.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, cần nhìn nhận diễn biến giá xăng dầu dưới góc độ quản lý giá chứ không phải đổ lỗi cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng xăng dầu hay bất cứ mặt hàng nào luôn luôn vì lợi nhuận của mình, nếu cơ quan quản lý cho phép chưa giảm giá và giảm xả quỹ thì vẫn được phép duy trì giá xăng.
“Cơ quan quản lý cần phải xem xét lại cơ chế điều hành trong điều hành giá. Lỗ lãi của doanh nghiệp đã rõ ràng như ban ngày. Chậm điều chỉnh giá ngày nào thì càng chứng minh sự trì trệ của bộ máy quản lý ngày đó” - ông Long phân tích.
Còn theo TS. Nguyễn Minh Phong, khiếm khuyết của cơ chế điều hành hiện nay là doanh nghiệp muốn tăng thì phải làm đơn và muốn giảm cũng phải làm đơn, khiến doanh nghiệp cố tình trì trệ giảm giá.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng- Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng cho hay: “Cần sòng phẳng hơn với người tiêu dùng, tránh tăng nhanh, giảm chậm”.