Đũa dùng một lần được dùng phổ biến
Sẽ không quá hại cho người dùng nhưng nếu là loại đũa dùng một lần có mùi hăng hắc thì không nên dùng.
Thông tin cư dân Trung Quốc đang xôn xao lo ngại vì loại đũa sử dụng một lần có chứa các chất độc hại, bị cấm sử dụng như Sulphur, hydrogen peroxide, sodium sulfite và chất ngăn nấm mốc đã làm nhiều gia đình lo lắng bởi đũa dùng một lần đang quá phổ biển ở các nhà hàng, quán ăn tại các thành phố lớn ở Việt Nam.
Người dân dùng nhiều
Bởi tính tiện lợi nên những năm gần đây, loại đũa dùng một lần bằng tre hoặc gỗ ép hầu như ai cũng biết đến và đã từng sử dụng ở mức độ ít hoặc nhiều.
Chị Nguyễn Thu Trang, một nhân viên văn phòng tỏ ra lo lắng: “Không biết có hại nhiều hay không, tôi thấy lo quá, cả cơ quan tôi gọi cơm văn phòng buổi trưa nên trung bình mỗi ngày dùng loại đũa này một lần”.
Chị Xuân Anh, (Cầu Giấy, Hà Nội) đang phân vân lo ngại không biết thông tin thực hư thế nào bởi cả gia đình chị bao gồm cả hai cháu nhỏ 5 tuổi và 8 tuổi đi ăn hàng, quán khá nhiều lần, toàn dùng đũa tre dùng một lần, không biết mức độ nguy hại ra sao.
Về mặt cảm quan, đũa dùng một lần được đánh giá là khá sạch sẽ, nhất là đối với các hàng ăn, quán ăn, lượng khách lớn và những bữa tiệc như đám cưới hỏi, tiệc tùng…. nhiều người không thích ăn đũa chung hoặc dùng đũa cũ.
Do người tiêu dùng có nhu cầu nên hiện, hầu hết các nhà hàng, quán ăn đã sử dụng loại đũa này vì tính tiện lợi, chi phí lại không cao.
Chị Minh, chủ một nhà hàng trên phố Giảng Võ, quận Ba Đình, Hà Nội cho hay: “Quán ăn của tôi đã sử dụng loại đũa này được mấy năm nay. Tiện lợi vì không phải rửa nhiều, khách dùng xong một lần là bỏ đi, cảm giác lại sạch sẽ so với các loại đũa kia nên khách cũng thích dùng hơn”. Vì là nhà hàng dùng số lượng nhiều nên có nhân viên tiếp thị đến tận nơi rao bán. Mỗi lần chị Minh nhập cả nghìn đôi. “Nghe họ bảo có công ty sản xuất ở Hòa Bình, còn ở Hà Nội chỉ là trụ sở giao dịch thôi, tôi cũng không rõ vì họ toàn mang đến tận nơi”, chị Minh nói.
Đũa dùng một lần cũng được bán phổ biến ở siêu thị, cửa hàng tạp hóa. Giá rất rẻ, chỉ từ 12.000 đồng - 20.000 đồng/bó 50 đôi. Loại thì cò nhãn mác, nhà sản xuất, địa chỉ liên hệ, nhưng có nơi thì không nguồn gốc, xuất xứ.
Đũa dùng một lần được dùng phổ biến ở các hàng quán (Ảnh: Thu Hoài)
Sử dụng khá phổ biến trong cuộc sống hàng ngày nhưng không mấy người biết rõ, phương thức sản xuất loại đũa này như thế nào, có ảnh hưởng gì khi sử dụng hay không. Nhiều người khi thử ngâm và rửa loại đũa này một lúc sẽ thấy nước biến thành màu vàng.
Phóng viên đã liên hệ với các chuyên gia ngành công nghệ sinh học và thực phẩm để tìm lời giải.
Phóng viên đã liên hệ với các chuyên gia ngành công nghệ sinh học và thực phẩm để tìm lời giải.
Tẩy mốc quá liều sẽ có hại
PGS TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội) cho hay, quy trình sản xuất đũa sẽ qua công đoạn diệt khuẩn và nấm mốc. Thông thường người ta dùng oxy già hoặc xông khí SO2.
Ở cách thứ nhất là dùng oxy già thì theo PGS TS Thịnh không gây độc hại gì đến người dùng. Tuy nhiên, phương pháp này ít nhà sản xuất dùng vì đắt tiền.
Công nghệ rẻ hơn là xông khí SO2 để chống mốc. Người ta sẽ dùng lưu huỳnh xông, đốt. Lưu huỳnh cháy sẽ thành S02 là chất khử rất mạnh, diệt nấm mốc rất tốt. Tuy nhiên, SO2 không để lại tàn dư trên đũa nhiều, vì là khí nên chỉ cần để quạt cũng bay hết. SO2 dùng nhiều trong công nghệ xử lý đồ mây tre, đan, các loại võng đay, cói để nằm, hoặc bao bì sợi gai đựng thóc lúa, đay. Nếu dùng với liều lượng cho phép thì SO2 bám vào đũa ít, khi dùng gắp thức ăn không hại cho người dùng.
PGS – TS Thịnh nói: “SO2 là chất được dùng trong thực phẩm nên không đáng ngại với người dùng mà chỉ hại cho người trực tiếp sản xuất. Tuy nhiên, cùng cần lưu ý là nếu hàm lượng quá lớn sẽ có hại. Trong trường hợp này khi bóc lớp nilong bao gói đũa ra, người tiêu dùng nên ngửi trước, nếu thấy mùi hăng hắc là SO2 đã bị sử dụng quá liều, không nên dùng”.
Trong trường hợp ngâm phôi ra nước màu vàng nếu có thì theo PGS – TS Thịnh không phải là SO2 nếu không ngửi mùi hắc. “Nước màu vàng hoặc là người ta dùng tre non, chất hòa tan trong cây tre khi ngâm có thể gây ra màu như vậy. Dạng thứ hai có thể người ta dùng chất khác để tiệt trùng mà tôi chưa biết”, PGT – TS Thịnh nói.
Tương tự, ông Chu Đình Kính - nghiên cứu viên cao cấp Viện Hóa học, Viện KHCN cho hay, với nồng độ thấp các hóa chất như lưu huỳnh, sunfur, oxy có thể không gây ảnh hưởng gì nhiều cho con người, nhưng nếu khống chế không đúng, chỉ cần hơi quá một chút các hóa chất đó sẽ mang tính nguy hiểm rõ rệt, có thể ăn mòn gây viêm loét đường tiêu hóa.
Thu Hoài (Theo Khampha.vn)