Trung Quốc sắp bỏ hộ khẩu


Hệ thống quản lý dân cư theo hộ khẩu ở Trung Quốc đang gây ra nhiều vấn đề xã hội
Hệ thống quản lý dân cư theo hộ khẩu ở Trung Quốc đang gây ra nhiều vấn đề xã hội
Các nhà lãnh đạo mới của Trung Quốc sắp trình kế hoạch áp dụng giấy phép cư trú trên cả nước để thay thế hệ thống đăng ký theo gia đình, hay còn gọi là “hộ khẩu”.
Hệ thống hộ khẩu được áp dụng từ năm 1958 đã chia 1,3 tỷ dân  Trung Quốc thành hai phần, nông thôn và thành thị, từ đó cản trở gần 800 triệu dân nông thôn không được ra cư trú ở thành thị và hưởng các phúc lợi và dịch vụ ở thành phố.
Hệ thống này vấp phải nhiều ý kiến chỉ trích vì gây ra quá nhiều vấn đề. Vì thế, hệ thống giấy phép cư trú thống nhất trên cả nước có thể sắp được đưa ra trong kế hoạch đô thị hóa 10 năm dự kiến được trình trong phiên họp đang diễn ra của quốc hội Trung Quốc.
Trong bài diễn văn trước quốc hội hôm 5/3 đề cập đến những vấn đề lớn mà thế hệ lãnh đạo mới đặt trọng tâm, Thủ tướng sắp mãn nhiệm Ôn Gia Bảo nói rằng việc cải cách hệ thống hộ khẩu nên được thúc đẩy để tạo động lực cho quá trình đô thị hóa.
 Zhang Ping, chủ nhiệm Hội đồng cải cách và phát triển quốc gia, nói rằng kế hoạch đô thị hóa sẽ được thực hiện ngay từ nửa đầu năm 2013.
 - 1
Ông Tập Cận Bình (trái), ông Ôn Gia Bảo (giữa) và ông Lý Khắc Cường (phải) trong phiên họp của ĐCS Trung Quốc đang diễn ra
Trung Quốc dự tính sẽ chi 40.000 tỷ nhân dân tệ (6.000 tỷ USD) để đưa 400 triệu người ra thành phố trong vài thập kỷ tới khi thế hệ lãnh đạo mới và Chủ tịch sắp được bổ nhiệm Tập Cận Bình và Thủ tướng sắp chính thức Lý Khắc Cường nỗ lực đưa Trung Quốc trở thành cường quốc thế giới với tầng lớp thị dân có sức tiêu thụ mạnh.
 Ông Ôn Gia Bảo nói rằng tiêu dùng là yếu tố cốt lõi để phát triển thị trường tiêu dùng trong nước, tránh dư thừa hàng hóa, hiệu suất thấp và bất bình đẳng. Điều đó cũng sẽ giúp Trung Quốc đạt được mức tăng trưởng 7,5% trong năm 2013, khi Trung Quốc phải vất vả lắm mới đạt được mức 7,8% năm 2012 – tốc độ tăng thấp nhất trong 13 năm qua.
Cải cách hệ thống hộ khẩu cũng sẽ giải phóng cho khoảng 200 triệu dân nông thôn đang sống ở thành thị nhưng phải chi rất nhiều cho các dịch vụ xã hội như y tế, giáo dục, trong khi người thành thị lại được miễn phí.
Theo các nhà phân tích, nếu các nhà làm chính sách có thể xử lý tốt vấn đề nhân khẩu, Trung Quốc sẽ tiếp tục đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh. Nếu không, sự phân biệt đối xử đó sẽ dẫn tới bất ổn xã hội và chính trị.
Trúc Quỳnh (theo Reuters)