Thành công bóng đá: Mua sao hay "ươm mầm"?

Bóng đá Đức đang rất thành công nhờ công tác đào tạo trẻ
Bóng đá Đức đang rất thành công nhờ công tác đào tạo trẻ
Một câu hỏi lớn được đặt ra với các đội bóng là nên phá két cho những bản hợp đồng lớn hay chú trọng phát triển các tài năng trẻ?
Với nhiều người hâm mộ, sẽ là hợp lý nếu có sự kết hợp giữa một vài ngôi sao lớn với các sản phẩm cây nhà lá vườn. Tuy nhiên trong con mắt của các nhà đầu tư, các ông chủ lắm tiền nhiều của, họ chỉ hướng tới việc kí những bản hợp đồng lớn nhằm đảm bảo đạt thành công tức thì. Cũng từ đó dẫn tới những xung đột xuất hiện. Trong một tập thể quá nhiều sao, cái Tôi luôn lấn át. Và đó thực sự là cơn ác mộng với bất kì HLV nào.
Hãy làm phép so sánh giữa các phiên bản Galacticos của Real và Barca. Trong khi Los Blancos trung thành với chiến lược dùng tiền, rất nhiều tiền để mua sao thì Blaugrana xây dựng lối chơi xoay quanh sản phẩm mà họ đào tạo ra. Barca đã từng có những bản hợp đồng lớn như Eto’o, David Villa hay Ibrahimovic nhưng Xavi, Iniesta luôn là người có tiếng nói trong mỗi trận đấu. Kết quả đối lập: Real không thể hoàn thành giấc mơ Decima trong suốt 1 thập kỷ qua còn Barca đã có tới 3 lần vô địch Champions League vào các năm 2006, 2009 và 2011.
Có thời điểm Barca tung ra đội hình toàn sản phẩm cây nhá lá vườn
Nhìn sang Bundesliga, tất cả các đội bóng đều theo chính sách phát triển tài năng trẻ (LĐBĐ Đức (DFB) đã bắt buộc các đội bóng phải mở học viện đào tạo cầu thủ trẻ). Sau 10 năm “nằm gai nếm mật”, bây giờ bóng đá Đức chiếm vị thế rất cao. ĐTQG Đức là một trong những đội tuyển đáng sợ nhất thế giới. Bayern thống lĩnh châu Âu, đi vào lịch sử với cú “ăn ba” vĩ đại. Tất nhiên họ đã phải chi tiền cho những bản hợp đồng lớn với Ribery, Robben, Martinez nhưng lối chơi của “Hùm xám” vẫn xoay quanh Schweinsteiger (được Bayern nuôi dưỡng và phát triển từ thuở thiếu niên). Ngoài ra, họ còn có Alaba, Lahm, Troos và Muller – tất cả đều tốt nghiệp từ học viện của Bayern.
Nhắc đến Bayern cũng không thể không nhắc đến Dortmund. Công tác “trồng cây, hái quả” của Dortmund thực sự khiến bất kì CLB nào cũng phải ngưỡng mộ. Hàng năm cứ đến mỗi kì chuyển nhượng, Dortmund luôn sẵn sàng bán đi mọi trụ cột. Thế nhưng họ không suy yếu. Đơn giản lứa cầu thủ này ra đi đã có lứa cầu thủ khác kế cận. Man City hay Real ở Champions League mùa này đã bị một tập thể trẻ của Dortmund khiến cho bẽ mặt. 2 chức vô địch cộng với thành tích lọt vào trận CK Champions League trong 3 năm là quá đỗi tuyệt vời với Dortmund.
Ở Anh 10 năm qua, các đội bóng thay đổi chóng mặt nhờ sự đầu tư của những ông chủ giàu có. Roman Abramovich tới Chelsea, mời Mourinho, đổ cả “núi tiền” và cũng tìm thấy thành công rất nhanh chóng. Nhưng với Abramovich, mọi thứ chưa bao giờ là đủ. Ancelotti bị sa thải dù giúp Chelsea giành cú đúp đầu tiên trong lịch sử đội bóng này. Di Matteo bị tống ra đường không thương tiếc sau chức vô địch Champions League danh giá. Và tương tự là số phận của Benitez (giúp Chelsea giành Europa League mùa này). Một sự lộn xộn, thiếu ổn định. Abramovich đã “trảm” tới 8 “tướng” trong kỉ nguyên của mình.
Man City đi trên đúng con đường của Chelsea. Các ông chủ người Ả Rập rót tiền, mua sao và lập tức giải cơn khát danh hiệu (giành FA Cup đầu tiên kể từ năm 1969, giành chức vô địch nước Anh sau 44 năm hay liên tiếp dự Champions League). Ấy vậy Mancini rốt cuộc vẫn phải ra đi. Rất dễ hiểu, khi HLV này không còn mang về chiến thắng, họ tìm tới một nhân tố khác. Cách làm bóng đá “ăn xổi” là vậy.
 - 2
Man City "ăn xổi" và bây giờ gặp khó
MU có thể coi là hình mẫu của bóng đá trong vòng 2 thập kỷ qua. Họ đầu tư có chọn lọc ở thị trường chuyển nhượng nhưng chưa bao giờ lơi là đào tạo trẻ. Họ lên kế hoạch cho tương lai trong đầu những năm 90 và đã gặt hái vô số thành công. Thế hệ anh em nhà Neville, Beckham, Scholes, Giggs là những “ngọn đuốc”. Bây giờ Welbeck, Cleverley đang tiếp tục phát triển. Dù Rooney, Anderson, Chicharito, Nani, Phil Jones, Smalling, Evans không trưởng thành từ lò đào tạo của MU nhưng họ cũng đến Old Trafford ở độ tuổi “măng non”.
Về chính sách phát triển tài năng trẻ, có lẽ HLV Wenger là số 1 tại xứ sở sương mù. Ở mùa giải thành công vang dội 2003/04, Arsenal với đa số cầu thủ được nuôi dưỡng bởi Giáo sư. Hiện những Theo Walcott, Jack Wilshere, Alex Chamberlain sẽ dẫn đường cho tương lai của “Pháo thủ”. Dù vậy Arsenal nên tìm sự cân đối trong chuyển nhượng. Họ đã bán sao quá nhiều trong những năm qua. Vụ Persie chuyển sang đầu quân cho MU rồi góp công lớn giúp đội bóng này đăng quang là bài học đắt giá và khiến HLV Wenger mãi đau đáu.
Trong quá khứ, Liverpool cũng từng thu vén thành công với những sản phẩm cây nhà lá vườn mang tên Steven Gerrard, Michael Owen và Jamie Carragher. Đáng nhớ nhất chính là danh hiệu Champions League năm 2005.
Ở Pháp, các nhà đầu tư Qatar đang mặc sức tung hoành. PSG đã có kết quả ngoài mong đợi. Lối đi của Monaco cũng đang như vậy. Họ vừa vung tiền mua Falcao, Rodriguez, Moutinho và có lẽ chưa dừng lại ở đó.
Lời kết
Thành Rome không thể xây xong trong một ngày. Dẫu biết rằng mỗi thời mỗi khác nhưng trong bóng đá, các ông chủ cần nhận ra rằng thành công không bao giờ đến sau một đêm chợp mắt. Nó phải được vạch ra chiến lược, phải được mơ ước, phải được trải qua những thử thách. Thời gian và sự kiên nhẫn là vô cùng quan trọng.
Hà Linh