CMND mẫu mới với tên cha và mẹ khiến nhiều người phản ứng
Đề án cấp CMND mới có quy mô, ảnh hưởng tới hàng chục triệu người dân nhưng biện pháp thực hiện chưa khoa học nên cần phải được xem xét, đánh giá lại.
Trước ý kiến của TS Nguyễn Ngọc Kỷ, nguyên phó trưởng Phòng Thí nghiệm mô phỏng - Tích hợp hệ thống (Cục Tin học nghiệp vụ, Tổng cục Hậu cần và Kỹ thuật, Bộ Công an - Báo Người Lao Động ngày 12/12), TS - đại tá Trần Thế Quân, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Công an, khẳng định việc nâng số CMND từ 9 lên 12 là có cơ sở pháp lý.
12 số có tốt hơn 9 số?
Đại tá Trần Thế Quân cho biết khi xây dựng kế hoạch thực hiện đề án cấp CMND mẫu mới, Tổng cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội (Tổng cục VII) đã nghiên cứu, đánh giá về hiện trạng quản lý, cấp CMND cũ. “Phải có cơ sở hợp lý thì họ mới đưa vào đề án việc nâng số CMND từ 9 lên 12” - ông Quân nhận xét. Ông thừa nhận thực tế sẽ có nhiều người gặp rắc rối với CMND mới khi thực hiện các giao dịch nhưng điều này sẽ được khắc phục khi Tổng cục VII có văn bản “nhắc nhở” các cơ quan, ban, ngành.
Lấy dấu vân tay bằng máy quét để cấp CMND mẫu mới. Ảnh:Hoàng Đồng
Trong khi đó, TS Nguyễn Ngọc Kỷ vẫn quả quyết: “Tôi đố ai chứng minh được việc cấp CMND 12 số thì tốt hơn 9 số”. Theo ông Kỷ, để bảo đảm tính duy nhất của CMND, từ năm 1976, nước ta đã dùng hệ thống tàng thư vân tay toàn dân. “Nhờ đó mà chúng ta không chỉ cấp cho từng người dân CMND duy nhất (không trùng với người khác) mà còn bảo đảm cấp lại được số gốc ngay cả khi họ cố tình che giấu danh tính hay vì tai nạn mà mất khả năng cung cấp” - TS Kỷ nhận định.
Ông Kỷ cho biết số CMND hiện nay về thực chất là số căn cước. Việt Nam hiện đang có 63 hệ thống tàng thư (lẽ ra là 64, vì Hà Nội có cả hệ thống tàng thư của tỉnh Hà Tây cũ). Việc điện tử hóa 63 tàng thư vân tay và đưa vào hoạt động như một hệ căn cước điện tử hóa quy mô cả nước sẽ giúp tính ưu việt của CMND cao hơn nhiều lần. Rất nhiều nước trên thế giới do không sử dụng dấu vân tay nên khi cần xác định danh tính một người dân sẽ mất nhiều thời gian hơn.
CMND mẫu mới với tên cha và mẹ khiến nhiều người phản ứng. Ảnh: Hoàng Đồng
“Dù lãnh đạo Tổng cục VII nói rằng đã có văn bản đề nghị các cơ quan, ban, ngành không làm khó người dân trong các giao dịch khi họ xuất trình CMND mới nhưng việc này không hề đơn giản. Họ sẽ yêu cầu người dân phải làm giấy xác nhận của cơ quan công an về việc 2 số CMND (9 số cũ và 12 số mới) là của một người. Do đã ăn sâu vào tất cả các giấy tờ, giao dịch nên những tác động làm cho công dân có thể có nhiều số CMND khác nhau đều làm cho hệ căn cước bị suy thoái, gây hiệu ứng “loạn căn cước” trong thời gian dài” - TS Kỷ nhận xét.
Hệ lụy nguy hiểm
Theo TS Kỷ, việc thu thập vân tay 10 ngón bằng máy quét trong đề án cấp CMND mới cũng có vấn đề về tính tương thích với hệ thống chỉ bản cũ. Hệ tàng thư CMND và căn cước can phạm của nước ta đang dùng chỉ bản vân tay lăn, còn phương pháp thu nhận mới hiện nay lại dùng vân tay ấn. Nếu kéo dài tình trạng nửa CMND cũ nửa CMND mới thì không thể dùng chỉ bản vân tay ấn để tra cứu trên tàng thư thủ công CMND và căn cước can phạm (đơn giản là thiếu phần vân 2 phía, không có tam phân điểm nên phân loại không được). Việc tra cứu dấu vết trên cơ sở dữ liệu vân tay ấn không đầy đủ nên kém hiệu quả so với vân tay lăn.
Hơn nữa, Nghị định 136/2007 về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam lại quy định “hộ chiếu quốc gia được sử dụng thay thế CMND” nhất thiết phải xem xét lại. Theo nghị định này, đã có hàng loạt biểu mẫu tờ khai thu thập thông tin công dân đã thay thế mục “Số CMND/ngày cấp/nơi cấp” bằng mục “Số CMND hoặc số hộ chiếu”.
“Việc người dân “ngẫu hứng” sử dụng số hộ chiếu và số CMND không thống nhất sẽ gây ra một hệ lụy nguy hiểm với việc kết nối thông tin sau này và trực tiếp phá vỡ mong muốn kiểm soát thông tin công dân qua tàng thư, căn cước” - TS Kỷ cảnh báo. Theo ông, lẽ ra, trước khi triển khai cấp CMND mới, những bất cập này phải được khắc phục bên cạnh việc cập nhật, điện tử hóa hệ thống tàng thư cũ đang lưu trữ tại công an các tỉnh, TP. “Trang bị máy móc, hiện đại hóa hệ thống tàng thư trước vài năm rồi cấp CMND mới là khoa học và sẽ giúp đời sống người dân không bị xáo trộn” - TS Kỷ khẳng định.
Công trình khoa học bị bỏ quên Tháng 11/2012, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam đã ký bằng khen và trao giải thưởng cho TS Nguyễn Ngọc Kỷ do có ý kiến đóng góp về quản lý công dân qua hệ thống CMND trong cuộc thi “Chung tay cải cách thủ tục hành chính”. TS Kỷ cũng là chủ nhiệm công trình phần mềm nhận dạng vân tay tự động C@FRIS đã được Hội đồng Khoa học Bộ Công an đánh giá xuất sắc, được áp dụng tại Cuba và nhận Giải thưởng Sáng tạo khoa học - công nghệ Việt Nam năm 2008. Lúc đó, công an nhiều tỉnh, TP đã đề nghị Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật áp dụng công nghệ của TS Kỷ. Tuy nhiên sau đó, công trình này đã bị quên lãng dù thí nghiệm thành công tại Công an TP Hà Nội và hoàn thành việc tạo lập cơ sở dữ liệu của 200.000 chỉ bản đạt hiệu quả cao. |
Theo Thế Kha (Người lao động)