Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đối thoại với thanh niên
“Chúng ta cũng đã có những người như GS Ngô Bảo Châu, dù không trực tiếp nhưng hàng năm vẫn dành 3 tháng quý giá để về Viện cao cấp toán học để nghiên cứu và giảng dạy… Đó chính là những cố gắng đáng ghi nhận của các nhà khoa học, nghiên cứu sinh khi đất nước còn trong giai đoạn khó khăn”.
Ngày 14/12, tại Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ X, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có buổi đối thoại với đại biểu thanh niên xung quanh các vấn đề lao động, việc làm, giáo dục đào tạo thanh niên...
Thiếu cả thầy lẫn thợ
Vấn đề đào tạo và hướng nghiệp cho thanh niên là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm hơn cả. Đặt câu hỏi đầu tiên với Thủ tướng, đại biểu Đào Xuân Yên (đoàn Thanh Hóa) nêu: Vấn đề về cơ cấu nguồn nhân lực của VN đang gặp nhiều bất cập, thừa thầy thiếu thợ, cơ cấu đào tạo không hợp lý vừa gây tình trạng lãng phí vừa tạo cơ chế dễ phát sinh tiêu cực trong việc tuyển chọn. "Vậy Thủ tướng nghĩ sao về vấn đề này?".
Trả lời thắc mắc này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định rằng đây là vấn đề lớn và khó đang đặt ra cho cả xã hội. “Nền kinh tế, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ tổ quốc của VN hiện nay là thiếu cả thầy và thợ chứ không phải "thừa thầy thiếu thợ" như nhiều bạn trẻ suy nghĩ”, Thủ tướng nhận định.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đối thoại với thanh niên
Dẫn số liệu, Thủ tướng cho biết đến năm 2012 dân số nước ta là 88 triệu người, trong độ tuổi lao động chiếm 60 triệu (66%) người. Trong số được đào tạo này thì chỉ có 8% có trình độ ĐH-CĐ trở lên, trong khi đó các nước công nghiệp thì hầu hết những người lao động đều được đào tạo và trình độ CĐ trở lên đều cao hơn nước ta rất nhiều. Ví dụ: Thái Lan: 14%; Hàn Quốc: 33%; Malaysia 20%..
Đến cuối năm 2011, nếu tính theo tiêu chí số có trình độ/số vạn dân thì VN chỉ có 250 sinh viên/1 vạn dân trong khi Thái Lan là 374, Hàn: 674, Nhật: 316. Trong chiến lược phát triển thì con số này ở VN đến năm 2015 là 300, năm 2020 là: 350-400. Thủ tướng nhấn mạnh, tỉ lệ này của nước ta còn thấp, tỉ lệ có trình độ cũng còn thấp, số lượng SV cũng thấp nhiều so với các nước.
“Nói như vậy để thấy rằng con đường lập thân, lập nghiệp của các bạn là rất rộng mở. Cả nước hiện nay có 2,2 triệu số sinh viên CĐ trở lên, con số này rất cần thiết cho sự nghiệp xây dựng đất nước”, người đứng đầu Chính phủ nói.
Đảng, Nhà nước, Chính phủ tạo mọi điều kiện để tất cả sinh viên được học tập tốt. "Bản thân chúng tôi đều đặt ra quyết tâm không để bất cứ bạn nào thi đậu ĐH, CĐ mà không thể đi học vì lý do khó khăn kinh tế" - Thủ tướng khẳng định.
Chia sẻ khó khăn với đất nước
Thắc mắc về chính sách ưu đãi với du học sinh đang học tập và công tác ở nước ngoài, Phó Giáo sư Bùi Thế Duy - Phó Giám đốc Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam hỏi: “Thủ tướng, Chính phủ có chính sách gì để thu hút lưu học sinh về nước làm việc. Thực tế cho thấy hiện có một bộ phận lưu học sinh muốn ở lại nước sở tại làm việc khi kết thúc khoá học, ngoài trở ngại về thu nhập ở trong nước, nhiều lưu học sinh còn e ngại có được trọng dụng, có được giao việc không hay về nước để trưng bày, để cắt vào ngăn tủ... Xin Thủ tướng cho ý kiến về vấn đề này”?
PGS Bùi Thế Duy, một trong những PGS trẻ nhất Việt Nam
Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, trong hơn 4 triệu người Việt Nam đang sinh sống, định cư ở nước ngoài, có khoảng 100.000 học sinh, sinh viên Việt Nam đang học ở các nước. Đảng, Nhà nước đã có nhiều chính sách khuyến khích đồng bào, thanh niên đang định cư học tập ở nước ngoài về làm việc trong nước.
“Thực tế, những chính sách đó chưa thoả mãn nhu cầu của các bạn được đào tạo sâu ở các chuyên ngành khác nhau. Chính phủ sẽ tạo điều kiện phù hợp để thanh niên có trình độ cao ở các nước về làm việc. Chính phủ đang rà soát bổ sung các cơ chế chính sách thu hút lưu học sinh”, Thủ tướng nói.
Mặt khác, người đứng đầu Chính phủ cũng bày tỏ niềm mong muốn, mọi công dân Việt Nam, đồng bào đang định cư ở nước ngoài, thanh niên đang học ở nước ngoài cũng chia sẻ với khó khăn đất nước mình…. “Chúng ta cũng đã có những người như GS Ngô Bảo Châu, dù không trực tiếp về nước giảng dạy nhưng hàng năm vẫn dành 3 tháng quý giá để về Viện cao cấp toán học để nghiên cứu và giảng dạy… Đó chính là những cố gắng đáng ghi nhận của các nhà khoa học, nghiên cứu sinh khi đất nước còn trong giai đoạn khó khăn như hiện nay”, Thủ tướng nói.
Trả lời về vấn đề nhà ở của SV, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho biết khi năm 2009 làm việc về vấn đề này, Thủ tướng đặt yêu cầu phải làm sao tăng quỹ chỗ ở ký túc xá cho sinh viên. Tới nay, với nguồn kinh phí ban đầu nhà nước đã xây thêm 300.000 chỗ ở cho sinh viên, nâng tỷ lệ ở ký túc xá lên 34%. Phó Thủ tướng khẳng định chỉ tiêu 2020 sẽ cố gắng đạt mức 60% sinh viên ở ký túc như các nước. Về việc cho sinh viên vay vốn, Phó Thủ tướng cho biết: "Dù có khó khăn nhưng Thủ tướng vẫn kiên quyết sẽ duy trì đầy đủ mức vay hỗ trợ này và tăng quy mô thêm. Tuy nhiên, trong tình hình khó khăn hiện nay thì mức vay 1,05 triệu đồng/tháng sẽ còn tính toán thêm". |
Tuyết Mai(khampha.vn)