Mách người dùng cách chọn mũ bảo hiểm “xịn”


Nên chọn những mũ có thương hiệu uy tín
Nên chọn những mũ có thương hiệu uy tín
Mũ phải vừa nhẹ, đẹp lại vừa cứng… đảm bảo cả tính an toàn và thẩm mỹ.
15/4 tới đây, người đội mũ bảo hiểm kém chất lượng sẽ bị phạt ở mức 100.000 – 200.000 đồng. Nhiều người nháo nhào đi mua mũ bảo hiểm “xịn”. Những thông tin dưới đây sẽ giúp mọi người dễ dàng lựa chọn được chiếc mũ bảo hiểm vừa “xịn” vừa đẹp phù hợp với quy định của pháp luật.
Quy định chuẩn của Bộ Khoa học và Công nghệ
Trong quy chuẩn về mũ bảo hiểm dành cho người đi mô tô, xe máy do Bộ Khoa học và Công nghệ quy định, mũ phải đạt các yêu cầu về: khối lượng, phạm vi che chắn, khả năng chịu va đập và hấp thụ xung động, độ bền đâm xuyên, độ bền của quai đeo, yêu cầu về tầm nhìn, kính chắn gió và yêu cầu chung đối với vật liệu sản xuất mũ.
- Kiểu mũ: mũ che nửa đầu; che cả đầu và tai; che cả đầu, tai và hàm.
- Mũ phải đủ 3 bộ phận: vỏ mũ; lớp đệm hấp thụ xung động bên trong vỏ mũ; quai đeo. 
- Đều phải có tem: Tất cả mũ bảo hiểm lưu hành trên thị trường (gồm cả trong nước và nhập khẩu) đều phải dán tem CR và tem “đã kiểm tra” đối với hàng nhập khẩu.
 - 1
Không dễ dàng để chọn mua một chiếc mũ vừa xịn vừa tiện dụng (Ảnh minh họa)
- Thông tin sản phẩm: Kiểu dáng mũ phải đáp ứng yêu cầu như ghi tên sản phẩm là mũ bảo hiểm dùng cho người đi mô tô, xe máy, ghi tên và địa chỉ các tổ chức, cá nhân nhập khẩu, phân phối, xuất xứ hàng hóa, ngày tháng năm sản xuất.
- Các loại mũ bảo hiểm có lưỡi trai: Đối với các loại mũ bảo hiểm có lưỡi trai mềm gắn liền với vỏ mũ hoặc lưỡi trai rời tháo lắp được thì độ dài của lưỡi trai (tính từ điểm kết nối với vỏ mũ đến điểm xa nhất của lưỡi trai) không quá 70mm, góc nghiêng của lưỡi trai không được làm ảnh hưởng đến góc nhìn của người sử dụng. Mũ bảo hiểm có lưỡi trai cứng gắn liền với vỏ mũ thì độ dài của lưỡi trai cứng (tính từ điểm kết nối với vỏ mũ đến điểm xa nhất của lưỡi trai) không được lớn hơn 50mm.
Kinh nghiệm khi mua thực tế
- Càng kín càng tốt: Một trong những tiêu chuẩn và kinh nghiệm của người sử dụng mũ bảo hiểm để đạt được độ an toàn tối đa là mũ càng kín càng tốt. Hiện nay trên thị trường có ba loại mũ bảo hiểm: loại mũ che nửa đầu, che cả đầu, tai và mũ che cả hàm. Để đảm bảo an toàn cho người sử dụng, tốt nhất nên chọn loại mũ che chắn cả đầu, tai và hàm. Tuy nhiên, loại mũ này thích hợp nhất khi sử dụng đi đường dài, xa và tốc độ cao, nếu hay phải đi trong điều kiện như vậy thì tốt nhất bạn nên có sẵn trong nhà một chiếc. Nếu bạn thường xuyên đi trong nội thành hoặc đường ngắn, lại là chị em phụ nữ thì loại mũ che cả tai và hàm này tuy an toàn nhất nhưng lại không tiện dụng nên có thể chọn loại mũ che nửa đầu. Nhưng dù là loại nào thì ngoài những tiêu chuẩn kỹ thuật mà Bộ Khoa học và Công nghệ quy định ở trên, khi đi mua mũ bạn nên đội vào tháo ra vài lần và chọn chiếc mũ vừa khít với đầu, không được lỏng cũng không được chặt quá.
 - 2
Nên chọn những mũ có thương hiệu uy tín (Ảnh minh họa)
- Nhẹ và không gây mỏi cổ: Cỡ mũ được khuyến nghị là 520 mg, 540 mg, 560 mg, 580 mg và 600 mg (6 lạng). Trọng lượng mũ càng nhẹ càng tốt, đặc biệt đối với người dùng là các chị em. Không nên chọn loại mũ nặng quá 1 kg sẽ gây mỏi cổ, khó chịu khi điều khiển xe máy, ảnh hưởng đến an toàn khi tham gia giao thông.
- Lưu ý chọn lớp xốp bảo vệ: Lớp đệm bảo vệ thường được dùng là mút xốp. Mút xốp càng mềm càng chịu được sự va đập cao. Khi xem mũ, bạn có thể kiểm tra bằng cách để ngược mũ và dùng ngón tay đẩy nhẹ miếng mút xốp bên trong, mút xốp mềm sẽ bị xẹp.
- Vỏ, quai đeo và khóa mũ: Vỏ mũ cần có bề mặt nhẵn, không có vết nứt hoặc gờ cạnh sắc đồng thời phải cứng, chịu được sự va đập và đâm xuyên vừa đảm bảo tính thẩm mỹ. Quai đeo tốt là quai không giãn quá nhiều, bạn có thể thử bằng cách dùng tay co thử. Khi thử quai, nên thử luôn khóa mũ để chọn chiếc có khóa vừa nhạy khi mở, đóng, vừa có độ giữ chắc khi đóng.
Thu Hoài(khampha.vn)