Chiếc đinh vít là thủ phạm gây nên cái chết thương tâm của cậu bé 2 tuổi (Ảnh minh họa: Tuổi Trẻ)
Nhập viện trong tình trạng tím tái ngưng tim ngưng thở. Dù bác sĩ đã tận sức cứu chữa nhưng bệnh nhi không qua khỏi.
Thủ phạm gây ra cái chết thương tâm cho bé trai N.T.Đ. (2 tuổi, ngụ tại Tp.HCM) chỉ là chiếc đinh vít bé xíu có chiều dài 5mm và dày 6mm.
Trước nhập viện ít ngày, khi chơi trong nhà, bé Đ. có biểu hiện ho sặc sụa. Dù người nhà phát hiện nhưng không chú ý vì cho rằng bé chỉ bị ho bình thường.
Những ngày sau đó, bé có biểu hiện khó thở và mệt mỏi. Ngày 10/12, trong lúc được người nhà cho ăn cháo, cháu bị ho sặc dẫn đến tím tái. Gia đình chuyển bé đến bệnh viện cấp cứu trong tình trạng ngưng tim ngưng thở, ngay lập tức bé được đặt nội khí quản trợ thở, tiến hành hồi sức tích cực.
Chiếc đinh vít là thủ phạm gây nên cái chết thương tâm của cậu bé 2 tuổi (Ảnh minh họa: Tuổi Trẻ)
Tiến hành chụp X-quang, bác sĩ nhận thấy phế quản bên trái của bệnh nhi có chiếc đinh vít nhỏ nằm chắn ngang khiến phổi gần như bị xẹp hoàn toàn. Thời gian từ khi bé bị ho sặc lần cuối đến lúc nhập viện khá lâu nên bệnh nhi bị thiếu ô xy nghiêm trọng dẫn đến chết não. Dù các bác sĩ đã tận tâm cứu chữa nhưng một ngày sau khi nhập viện cháu bé đã không qua khỏi.
Qua sự việc thương tâm trên, các bậc phụ huynh cần chú ý hơn tới sức khỏe con em mình. Không nên chủ quan khi thấy con trẻ bị ho sặc. Ngoài ra, phụ huynh cũng nên cẩn trọng khi lựa chọn đồ chơi cho những trẻ nhỏ ở độ tuổi tập bò, tập đi. Không cho trẻ chơi những vật nhỏ, sắc nhọn cũng như để trong tầm với của trẻ.
Theo các BS, trẻ mắc dị vật thường biểu hiện như ho sặc sụa, tím tái đột ngột, có thể ngạt hoặc khó thở, trong tiếng thở có tiếng rít thanh quản đặc trưng… Trong trường hợp này cần đưa các bé đến bệnh viện để được kiểm tra và can thiệp kịp thời tránh tình huống đáng tiếc có thể xảy ra.
Một vài cách sơ cứu khi trẻ bị sặc phụ huynh có thể tham khảo: Khi trẻ bị sặc, trước tiên cần giữ trẻ trong tư thế mặt úp, đầu chúc xuống thấp hơn thân, sau đó vỗ mạnh nhiều lần vào giữa hai xương bả vai của trẻ. Với các em bé có thể nắm lấy hai mắt cá chân của bé để bé chúc đầu xuống đất. Nếu bé vẫn còn bị sặc, hãy đặt nằm nghiêng và hơi ngửa đầu ra sau, một tay bạn đỡ lấy lưng của bé, dùng hai ngón tay kia ấn vào khoảng giữa rốn và phần cuối của xương sườn (chú ý ấn vào trong, lên phía trên) một cách nhanh và mạnh.
Theo Khánh Chi (VOV Giao thông)