"100 triệu đỗ công chức chỉ là dư luận"



Ông Đỗ Văn Chinh, Phó phòng tổ chức cán bộ, Sở GD - ĐT Hà Nội
Ông Đỗ Văn Chinh, Phó phòng tổ chức cán bộ, Sở GD - ĐT Hà Nội
"Nguồn tuyển công chức bằng chính quy ở Hà Nội đang dư thừa, chưa phát hiện trường hợp nào đỗ công chứng bằng tiền... là khẳng định của ông Đỗ Văn Chinh, Phó phòng tổ chức cán bộ, Sở GD - ĐT Hà Nội.

- Xin ông cho biết quan điểm của Sở GD - ĐT Hà Nội về tuyển công chức sau phát ngôn của Giám đốc Sở Nội Vụ về việc chỉ tuyển dụng công chức với người có bằng chính quy?

- Từ năm nay, Hà Nội đã áp dụng việc không tuyển giáo viên có bằng tại chức và tiếp tục triển khai trong thời gian tới. Ở các vị trí khác như: văn phòng, kế toán, thư viện, cán bộ thiết bị thì vẫn tuyển bằng tại chức.
- Xin Ông cho biết lý do “đóng cửa” với bằng tại chức đối với giáo viên?

- Số lượng giáo viên nguồn chính quy của Hà Nội rất nhiều. Đợt vừa rồi ngành GD Hà Nội tuyển hơn 800 chỉ tiêu mà lượng đăng ký hơn 2.000 người.

Hơn nữa, hiện nay trong tất cả các trường sư phạm không đào tạo tại chức. Số nguồn tại chức dự thi công chức là ở các ngành nghề khác, có chuyên môn gần giống sư phạm sau đó học thêm cái chứng chỉ sư phạm. Trong đó, đa số sinh viên học tại chức là những thành phần trượt ĐH chính quy. Do đó, chắc chắn những trường hợp đó đào tạo không thể bằng những người học hệ chính quy để ra giảng dạy. Công tác tuyển giáo viên rất quan trọng, quyết định sự nghiệp phát triển giáo dục đào tạo nên tuyển dụng những người đào tạo chính quy ra giảng dạy chắc chắn là sẽ tốt hơn.

Quan trọng nhất, theo nghị định 29, cho phép những đơn vị tuyển dụng lao động được đưa ra những tiêu chuẩn, điều kiện tham gia tuyển dụng đáp ứng yêu cầu của ngành nghề.
 - 1
Ông Đỗ Văn Chinh, Phó phòng tổ chức cán bộ, Sở GD - ĐT Hà Nội
- Ông nghĩ gì khi có ý kiến cho rằng việc tẩy chay bằng tại chức, tạo điều kiện cho xu hướng coi trọng bằng cấp?

- Bản chất của hệ tại chức là mình đang làm công việc được tuyển dụng rồi mới đi học thêm để củng cố chuyên môn của mình. Theo tôi, sắp tới Bộ GD – ĐT nên đào tạo hệ học này theo hướng trên để đảm bảo chất lượng đào tạo cũng như nguồn nhân lực.

- Vậy trong những năm trước ngành giáo dục Hà Nội có tuyển khoảng bao nhiêu phần trăm công chức có bằng tại chức?


- Hiện chưa ai tổng kết nên không có số liệu cụ thể. Vài năm trước, một số môn thiếu nguồn tuyển nên cũng có tuyển bằng tại chức như môn ngoại ngữ nhưng hiện nay nguồn tuyển hệ chính quy ở các bộ môn này đã đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng nên không tuyển nữa.

- Trong phiên họp ngày 7/2, Hội đồng nhân dân thành phố, ông Trần Trọng Dực, Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra thành ủy Hà Nội nói “dưới 100 triệu không có chuyện thi đỗ công chức”, ông có ý kiến gì về phát ngôn này?


- Thực ra, đây cũng chỉ là dư luận, chưa có kiểm chứng nên chưa biết đúng sai thế nào. Tôi chưa thể xác nhận điều gì vì không biết rõ nguồn thông tin thế nào. Bản thân tôi chưa nghe, chưa xử lý trường hợp cụ thể nào đỗ công chức nhờ tiền. Quy trình thi tuyển rất chặt chẽ nên đó chỉ là dị nghị giống như kiểu “con cá trượt là con cá to”, suy nghĩ như thế trong xã hội là bình thường. Hoặc có chăng, trường hợp thí sinh đương nhiên đỗ nhưng do không nắm được thông tin, bị người ngoài “gợi ý” nên vẫn chạy.

- Vậy theo ông, công tác thi tuyển công chức hiện nay có kẽ hở gì tạo điều kiện cho tiêu cực xuất hiện?

Thực ra tìm kẽ hở cũng khó vì trong công tác tuyển dụng có nhiều hình thức: phỏng vấn, xét tuyển, thi tuyển. Mỗi cái đều có quy định, đơn vị tuyển dụng cứ áp dụng đúng như thế.

Ngoài quy trình tuyển dụng chặt chẽ, mỗi lần tuyển dụng đều có thanh tra: thanh tra của hội đồng thanh tra ngành, của thành phố … Tất cả đều theo quy chế, làm chặt chẽ, hội đồng nào cũng có thanh tra cắm chốt, thanh tra lưu động của sở Nội vụ, sở Giáo dục.

Lần nào tuyển dụng không có thanh tra, kỳ tuyển dụng sẽ không có giá trị pháp lệnh.

- Vậy kế hoạch tuyển công chức cho ngành giáo dục của Hà Nội thời gian tới thế nào, thưa ông?
 
Chúng tôi sẽ làm theo đúng quy định pháp luật, nghị định chính phủ, văn bản hướng dẫn một cách chặt chẽ, khách quan, công khai, công bằng, dân chủ. Sau này các ngành sở Giáo dục, sở Nội vụ tham mưu các quy trình thật chặt chẽ cho thành phố. Như vậy công tác tuyển dụng sẽ đảm bảo tốt.
Theo Khánh Tường (Kiến Thức)