Barca không cần HLV cũng thành công?



Barca vẫn đang chơi tốt
Barca vẫn đang chơi tốt
5 năm trước, Jordi Roura bị sa thải sau khi để đội bóng hạng Ba mà ông dẫn dắt bị... xuống hạng. Bây giờ, ông đã ngồi trên ghế HLV trưởng của đội bóng mạnh nhất thế giới, và vừa chiến thắng "trận đấu quyết định đầu tiên của mùa giải".
* Từ trường hợp đặc biệt của Roura
Đó không hề là một chiến thắng dễ dàng. Cho dù Barca đã triệt tiêu gần hết hy vọng của Malaga bằng thời lượng cầm bóng khủng khiếp (73%), nhưng đội chủ nhà vẫn tạo ra ít nhất 4-5 cơ hội rõ rệt, và ghi hai bàn thắng từ những tình huống phản công sắc nét.
Cũng đừng quên là Barca đã mở tỉ số từ một pha bóng mà cầu thủ tạt bóng Daniel Alves đã rơi vào thế việt vị, và bàn thứ hai là một miếng đánh mà đội bóng xứ Catalunya rất hiếm khi sử dụng: Trung vệ Gerard Pique dâng lên, di chuyển, hãm bóng rồi ghi bàn như một tiền đạo.
Đó mới là trận thứ hai mà ông Roura trực tiếp chỉ đạo Barca, và cũng là chiến thắng thứ hai, thậm chí là thắng lợi thứ hai trên sân khách (trước đó là màn vượt qua Valladolid 3-1 tại Liga), trước đối thủ đã đánh bại Real Madrid một tháng trước đó.
 - 1
Barca vẫn chơi tốt dù không có Pep hay Tito
Trận này với Barca, sơ đồ chiến thuật và hệ thống thi đấu, cũng như nhân sự không có gì thay đổi. Cho đến khi Barca bị gỡ hòa 2-2, không có chỉ đạo rõ rệt nào từ khu kỹ thuật, và 3 sự thay đổi người của Roura chỉ đến sau khi Barca đã dẫn đến hai bàn, và thời gian thi đấu chỉ còn 10 phút.
Ông HLV ấy không hề là một người đặc biệt: Năm 2007, Roura bị L'Hospitalet sa thải chỉ sau vài tháng nắm quyền và để đội này... tụt xuống hạng Tư. Công việc chính của ông trong thời kỳ Pep Guardiola còn nắm quyền là thu thập băng hình về đối thủ trước trận đấu.
Từ đó, một câu hỏi rất cũ lại nảy sinh: Barca hiện tại có thực sự cần một HLV giỏi để thành công?
* "Barca thực sự là giấc mơ cho mọi HLV"
Đó là nhận xét của HLV Alex Ferguson sau trận chung kết Champions League vào tháng 5/2011, nơi Barca đã đăng quang ngay trên thánh địa Wembley của người Anh.
Đó là một trận đấu mà Xavi Hernandez, trái tim của Tiki-taka, đã thực hiện tổng cộng 148 đường chuyền, và chỉ hỏng 7 lần, một kỷ lục của Champions League. Cầu thủ nhỏ bé ấy chạy tổng cộng 12 cây số, tham gia vào hầu hết các ý tưởng tổ chức tấn công của Barca.
Không chỉ có anh. Các tổ hợp đường chuyền nổi bật của họ được thực hiện xoay quanh bộ tứ Xavi- Busquets-Iniesta-Messi. Trong 77 đường chuyền của Busquets, cầu thủ đá thấp nhất, 44 đến chân 3 người còn lại. Để tiện so sánh: Michael Carrick, người phân phối bóng cho M.U trong 5 năm qua, chỉ thực hiện 29 đường chuyền trong trận ấy, và 17 trong số đó liên kết được với 3 cầu thủ tấn công hiệu quả nhất trận của M.U là Ryan Giggs, Wayne Rooney và Javier Hernandez.
Cách Barca chiến thắng từ đó đến nay không thay đổi. Diễn đạt một cách đơn giản, thì chẳng qua là Barca thắng bằng cách giữ bóng tốt hơn, với chất liệu là chuyền bóng. Nhưng để lối chơi đó trở thành trường phái có thể đem lại thành công và thậm chí khiến mọi toan tính chiến thuật của đối thủ phải bất lực, thì có lẽ chỉ Barca mới làm được.
"Chúng tôi chỉ huấn luyện cầu thủ trẻ tối đa 1 tiếng rưỡi mỗi ngày, trong khi Barca có thể huấn luyện họ bất kỳ khi nào họ muốn. Triết lý tuyệt vời của họ là một lợi thế tuyệt vời", Sir Alex phân tích.
 - 2
Những hạt nhân của Tiki-taka
La Masia, nơi huấn luyện cầu thủ từ năm lên 6 tuổi của Barca, giải thích tại sao chỉ có đội bóng này mới vận hành được lối chơi đang thống trị bóng đá hiện tại: Những gì mà Xavi, Iniesta, Messi .v.v làm được hôm nay là kết quả của hàng ngàn giờ mài dũa, thực hành trong một "trại tập trung" hình thành tính cách bóng đá lẫn nhân cách của họ, thống nhất và liên tục.
Nền tảng của đội bóng này dễ làm người ta phủ nhận vai trò của các HLV. Thành công của Pep Guardiola trong 4 năm nắm quyền vẫn luôn bị gièm pha rằng ông chẳng qua là một tay nài vớ phải con ngựa quá hay.
* Nhưng không phải ai cũng thành công
Bằng chứng? Tito Vilanova lên nắm quyền, và khởi đầu thậm chí còn ấn tượng hơn Pep. Khi Tito phải nghỉ để dưỡng bệnh, thì Barca vẫn chơi tốt dưới bàn tay Roura.
Nhưng chúng ta cũng cần đặt ngược vấn đề: La Masia đã được xây dựng cách đây 4 thế kỷ (1702), được Barca tiếp quản vào năm 1954, cải tạo để bắt đầu nuôi dưỡng tài năng từ năm 1966. Tức là nền tảng này có thể được thụ hưởng bởi gần 30 HLV được bổ nhiệm trong vòng nửa thế kỷ qua.
Nhưng người thật sự thành công thì rất ít, và thành công như Guardiola thì chưa từng. "Triết gia bóng đá" Cesar Menotti, từng vô địch thế giới cùng Argentina năm 1978, đã đến đây vào đầu năm 1983, và ra đi chỉ sau một năm nắm quyền. Rinus Michels, cha đẻ của bóng đá tổng lực, chỉ giành được một Cúp Nhà Vua trong hai năm dẫn dắt Barca. Danh sách thất bại có cả Terry Venables, Louis van Gaal, hay thậm chí là Bobby Robson.v.v
Nền tảng vững vàng ấy mới chỉ sản sinh ra hai kỷ nguyên vĩ đại là "Dream Team" của Johan Cruyff những năm 90 thế kỷ trước, và kỷ nguyên của Pep. Frank Rijkaard, từng giành 2 danh hiệu Liga và 1 Champions League trong 5 năm nắm quyền, cũng được xem là thành công, nhưng chưa vĩ đại, vì Barca của ông không tạo ra một phong cách rõ nét được nâng lên thành trường phái như bóng đá dưới thời Cruyff, hay Pep Guardiola.
* Barca cần hơn cả một HLV
Các HLV người Anh như Robson hay Venables muốn thêm vào Barca chút gia vị thể lực, hay những người Hà Lan như van Gaal "cấy" vào đó sự ích kỷ của các ngôi sao, đều thất bại.
Những người thành công nhất đều đã lựa chọn được con đường đúng đắn nhất để khai thác nền tảng mà Barca và La Masia đã tạo ra: Bóng đá là câu chuyện của kiểm soát bóng, bằng kỹ thuật, khả năng chuyền bóng, và tính đồng đội.
Cruyff tạo ra "Dream Team" bằng cách ấy. Rijkaard chỉ cần "manh nha" xây dựng xương sống của đội bóng dựa trên tinh thần ấy cũng đã thành công: Khi ông nắm quyền, thì ảnh hưởng của Xavi trong lối chơi đập nhả đã được gia tăng rõ rệt, Iniesta bắt đầu đặt dấu ấn, và Messi cũng xuất hiện.
Nhưng Pep là người lựa chọn được con đường đúng đắn nhất, bằng cách tổng hợp các triết lý phù hợp với nền tảng Barca: Bóng đá tổng lực, kiểm soát, di chuyển và cơ động của Cruyff, và lý thuyết của lối chơi pressing do Marcelo Bielsa phát triển. Không có gì ngạc nhiên, khi ông là người thành công nhất.
Nếu như một HLV giỏi là người hiểu rõ nhất đội bóng của mình, thì Barca thậm chí luôn cần hơn cả một HLV để thành công. Pep, Tito, Roura, đều được đội bóng này nuôi dưỡng từ khi còn là những thiếu niên, cho đến khi trở thành cầu thủ chuyên nghiệp, và thành viên ban huấn luyện. Quá trình này kéo dài thậm chí hàng chục năm.
Jose Mourinho, người sẽ dẫn dắt Real Madrid chạm trán Barca ở bán kết Cúp Nhà Vua mùa này, là một HLV rất giỏi, nhưng không bao giờ có thể trở thành (và thành công) với Barca. Đội bóng này luôn cần một người đồng nhất cá tính lẫn phong cách, và HLV giỏi nhất, bao giờ cũng là người biết cách phù hợp với Barca nhất.
Phạm An