Cư dân mạng nổi sóng trước quan điểm bỏ, gộp Tết Ta thành Tết Tây

Những ngày vừa qua, một loạt ý kiến về việc bỏ Tết Âm, ăn Tết Dương đã trở thành chủ đề nóng được cư dân mạng xôn xao bình luận.

Những ngày gần đây, dư luận đang bàn nhiều về ý kiến bỏ Tết Âm lịch, ăn Tết cổ truyền theo lịch Dương như người Phương Tây. Có nghĩa rằng, Việt Nam vẫn sẽ ăn Tết cổ truyền, giữ nguyên các phong tục ăn Tết truyền thống nhưng sẽ theo lịch Dương. Ngày 1 tháng 1 Âm lịch sẽ không đón Tết nữa, thay vào đó sẽ là ngày 1/1 Dương lịch. Ý kiến này này xuất phát từ bài viết rất tâm huyết của Giáo sư - Tiến sĩ, Nhà giáo Nhân dân Võ Tòng Xuân có tên “Tết hội nhập” của ông đăng tải lên mạng vào ngày 2/1/2013 vừa qua. 
 
Quan điểm này của Giáo sư đã được ông nêu ra từ ngày 14/2/2005. Ngày đó sự đồng tình ít, phản bác thì nhiều nhưng sau 7 năm giữ vững quan điểm, ở bài viết “Tết hội nhập” của Giáo sư đăng vào ngày 2/1/2013 vừa qua, lượng ý kiến đồng tính tăng lên mạnh, nhiều, mặc dù phản đối vẫn chiếm phần lớn.  

Nói về việc này, Giáo sư cho rằng, phản đối nhiều là điều dễ hiểu, vì Tết Âm lịch đã trở thành điều thiêng liêng trong lòng người dân Việt Nam. Vì vậy khi nói bỏ thì chưa quen, chưa thích nghi được. Những xét vào những cái lợi của việc ăn Tết Ta theo lịch Dương, thì rõ ràng nên cần cân nhắc việc gộp Tết Ta vào Tết Tây vì sự phát triển của đất nước. 

Cư dân mạng nổi sóng trước quan điểm bỏ, gộp Tết Ta thành Tết Tây 1
Giáo sư - Tiến sĩ, Nhà giáo Nhân dân Võ Tòng Xuân là nhà khoa học thuộc lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là ngành trồng lúa. Ông được tặng nhiều giải thưởng cao quý trên thế giới, được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động. 

Theo bài viết của mình, Giáo sư Võ Tòng Xuân chỉ ra những cái lợi của việc bỏ Tết Âm, ăn Tết Ta theo lịch Dương như: Hội nhập với nhịp sống của thế giới (Hiện nay Việt Nam chỉ là 1 trong 6 nước đón Tết Âm trên thế giới cùng Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore, Triều Tiên, Mông Cổ. Trước đây Nhật Bản ăn Tết Âm nhưng đã chuyển sang ăn Tết Dương); Trong khi thế giới làm việc, lao động thì Việt Nam mất gần 1 tháng chỉ để nghỉ lễ, khiến lao động bị trì trệ, đình đốn; Tránh lãng phí thời gian, của cải, tiền bạc cho việc nghỉ Tết rông dài, tiêu tốn của cải vật chất mà không sản xuất. Giáo sư nhấn mạnh, việc bỏ Tết Âm, ăn Tết Ta theo lịch Dương hoàn toàn có lợi. 

Trước quan điểm này của Giáo sư, dư luận đã chia ra 2 luồng ý kiến trái chiều khá gay gắt, 1 bên phản đối quan điểm này và 1 bên đồng tình với nhận định của Giáo sư:

Những ý kiến đồng tình tiêu biểu có lập luận giống như quan điểm của Giáo sư Võ Tòng Xuân: 

"Ban đầu nghe qua thật khó chấp nhận, nhưng rõ ràng trong nhịp sống nhanh, hiện đại của thế giới hiện nay, đôi khi đi chậm lại 1 ngày thôi đã thấy tụt hậu rồi , còn đây trong dịp Tết Âm, chúng ta lại nghỉ đến gần 1 tháng. Rõ ràng, khi các nước đang đua nhau sản xuất, tăng trưởng thì nước mình lại dậm chân tại chố chỉ để nghỉ ngơi rông dài" - FBer Hà Quyên nói

"Ngày Tết cổ truyền vẫn được giữ nguyên các phong tục, tập quán đẹp, vẫn bánh chưng, dưa hành, câu đối đỏ... Chỉ là chuyển ngày "ăn Tết" theo lịch Dương mà thôi. Như thế vừa song song nghỉ Tết cùng thế giới vừa tiết kiệm thời gian, tiền bạc.  Hơn nữa, xét về khía cạnh Văn hóa, chọn ăn Tết tây còn là cách thoát khỏi sự chi phối của văn hóa Trung Quốc, nhằm xác lập một tư thế chủ động hơn về văn hóa cho Việt Nam." - Xuân Sơn (Đh Y tế Công cộng) nói

"Tết đến, giá cả leo thang, mà phải lo nghĩ, tính toán rất nhiều. Việc nghỉ ngơi thì ít mà thực hiện lễ nghi thì nhiều. Thực tế, các ngày nghỉ Tết, mình cũng chỉ loanh quanh ở nhà, hàng xóm, bạn bè, không làm được gì có ích. Trong khi việc sum vầy bạn bè, gia đình đâu có phải Tết mới làm được, miễn có lòng thì còn nhiều dịp, nhiều ngày trong năm cũng có thể làm được." - Trung Hiếu ( Học viện Ngân hàng)

"Có đi làm, có bước vào thực tế rồi mới biết các bạn ạ, các hợp đồng làm ăn, kinh doanh, rồi các dự án đầu tư không chờ chúng ta nghỉ Tết xong đâu. Nghỉ ngơi dài, hết tết Dương rồi sang Tết Âm khiến tâm lý đủng đỉnh, ăn chơi hưởng thụ xuất hiện nhiều. Mà việc ăn chơi đó cũng không đích thực mà chỉ rông dài rất mất thời gian. Đất nước ngày càng phải phát triển, Tết cốt ở tinh thần chứ đâu phải ở thời gian, theo lịch Âm hay lịch Dương không quan trọng, miễn là tinh thần hướng về Tết cổ truyền của dân tộc, về cội nguồn là được cơ mà." - FBer Hoài Thu Nguyễn. 
 
Tuy nhiên, chỉ cần nghĩ đến việc mất đi một dịp lễ Tết truyền thống từ hàng ngàn năm nay đã khiến cho rất nhiều người bức xúc và phản đối gay gắt.

"Ngày Tết đem lại cho người Việt Nam nhiều cảm xúc trong năm. Đây không chỉ là việc nghỉ ngơi sau một năm dài lao động mà còn là cảm xúc, nếp tinh thần đã hình thành từ xa xưa. Mất đi Tết Việt, mình nghĩ sẽ trống vắng lắm. Nhiều người bảo rằng, thay đổi vài năm rồi sẽ quen nhưng đã trở thành văn hóa, ngày Tết Ta nếu không còn thì mình thấy đó là một mất mát lớn về văn hóa. Còn việc ý kiến cho rằng Tết Nguyên Đán là văn hóa Trung Quốc vậy mình không rõ, mình chỉ biết Bánh chưng, bánh giày là của Việt Nam". - Hồng Anh (SV Đại học RMIT)

Cư dân mạng nổi sóng trước quan điểm bỏ, gộp Tết Ta thành Tết Tây 2
"Nếu bạn bảo với tôi rằng ngày Tết càng trở nên nhạt, nhàm chán và không còn hào hứng như xưa thì việc giữ lại ngày Tết Ta càng phải được đẩy mạnh hơn bao giờ hết. Có biết bao phong tục đẹp của ngày Tết đang trở nên mờ nhạt, việc của chúng ta cần làm bây giờ đã giữ gìn và làm sống lại những nét đẹp đó. Nếu chuyển thành Tết Tây thì các phong tục ấy sẽ ngày càng mai một, dần dần Tết Việt phai mờ, trở thành một cái Tết chung chung khi nào không hay." - Công Chí (ĐH Kiến Trúc Hà Nội)

"Ở nước ta, quen dùng lịch Âm, ngày giỗ, đám cưới, đám ma đều theo lịch âm. Tết cổ truyền - dịp lễ chào năm mới, chẳng lẽ lại được diễn ra vào ngày lưng chừng không đầu không cuối ở lịch Âm? Nếu nói rằng, để phát triển đất nước mà chỉ cần ăn Tết theo lịch Dương thì có lẽ đã quá "lạc quan". Hàn Quốc, Trung Quốc ăn Tết theo lịch Âm nhưng nước họ vẫn giàu đấy thôi. Kinh tế đất nước phát triển là ở việc quản lý vĩ mô chứ không phải nằm ở ngày Tết" - Xuân Hà (ĐH Kinh doanh và Công nghệ) nói. 

Điều bất ngờ là rất đông trong số những ý kiến phản đối lại chính là các bạn học sinh, sinh viên - những người thuộc thế hệ trẻ. Một lớp thế hệ luôn bị cho là có lối sống quá hiện đại, Tây hoá, sính ngoại, đang lãng quên dần những giá trị văn hoá truyền thống...

Kể cả đó từng là những bạn trẻ từng, đang sống, học tập ở nước ngoài lâu năm. Vì với họ, càng xa nhà lâu, càng đi nhiều biết nhiều, lại càng thấm thía những ý nghĩa tinh thần không thể thay thế của ngày Tết Nguyên đán.

Đăng Khoa - Idol, một người khá quen mặt với giới trẻ Việt - hiện đang sống và học tập tại Mỹ, thậm chí đã thẳng thắn bày tỏ quan điểm trên Facebook cá nhân của mình.

Cư dân mạng nổi sóng trước quan điểm bỏ, gộp Tết Ta thành Tết Tây 3
Đăng Khoa Idol viết status bức xúc về việc thay đổi ngày Tết, gộp Tết Ta vào Tết Tây
 
Và anh chàng sinh sống nhiều năm tại Mỹ này đã thể hiện những suy nghĩ rất sâu sắc, tình cảm về ngày Tết ta:  "Mình ở nước ngoài nhiều năm, ăn Tết Tây nhiều lần và tiếp xúc nhiều với văn hoá phương Tây nên mới càng quý Tết Ta của nước mình hơn.

Giá trị các ngày lễ ở các nước khác nhau không thể đặt ngang bàn cân Tết Ta bằng Tết Tây được. Ở các nước phương Tây, Giáng Sinh mới ngang bằng Tết Ta, chứ không phải giao thừa. Học sinh, sinh viên được nghỉ 2-4 tuần để về nhà sum họp và đón Giáng Sinh cùng gia đình và thăm người thân, tặng quà cho nhau để bày tỏ sự quân tâm. Như vậy mới tương đương với giá trị Tết Âm lịch, con cháu tứ phương quay về ăn mâm cỗ cùng gia đình, lì xì, biếu quà cho nhau. Giao thừa dương lịch chỉ là cái mốc thời gian quan trọng mà mọi người thích liên hoan mà thôi.

Cư dân mạng nổi sóng trước quan điểm bỏ, gộp Tết Ta thành Tết Tây 4
Đăng Khoa Idol

Vậy nếu muốn dời lịch Tết ta cho đúng với giá trị tinh thần các nước phương Tây, để “hội nhập tinh thần quốc tế” thì chẳng phải là phải theo ngày lễ Noel? Như thế thì lại càng không logic.  Hơn nữa, mình nghĩ mọi người đừng nhầm Tết với Năm mới.

Hơn nữa đến đón Tết vào 1/1 dương lịch, nhưng cây Đào, cây Mai, những loài hoa hoa nở vào tháng Giêng âm lịch liệu có nở kịp để đón Tết cùng người?

Linh hồn của Tết nằm trong mỗi con người. Tiêu hao, lãng phí cũng nằm trong mỗi người. Không ai ép bạn phải ăn rông chơi dài, nhậu nhẹt say xỉn hết 10 ngày, không ai ép bạn cờ bạc cả. Thay vì tự kiểm điểm bản thân, sao lại đổ lỗi cho truyền thống bao nhiêu năm nay?

Là một người con xa xứ, Tết là một thứ gì đó thiêng liêng mà những người như Khoa mong ngóng khi ở nước họ. Vì không trùng lịch nghỉ nên đa số du học sinh không về ăn Tết hàng năm được, nhưng Khoa dùng nó làm cột mốc, động lực để tự nhắc có ngày sẽ lại được ăn Tết ở Việt Nam".

Còn cô bạn Lan Chi Vũ, đang học tập và sinh sống tại Pháp thì chia sẻ suy nghĩ:

"Đối với mình và rất nhiều bạn bè ngưởi Việt của mình ở Pháp đều coi Ngày Tết Âm lịch như là một cái gì đó "rất thiêng liêng" và "rất Việt Nam". Dù ở bên này đã nhiều năm, nhưng cái Tết trong lòng bọn mình vẫn là Tết Âm lịch. Đón Năm mới ở Pháp thế thôi, hòa chung không khí vui vẻ chứ không nhiều cảm xúc khi đón Tết Âm. 

Cư dân mạng nổi sóng trước quan điểm bỏ, gộp Tết Ta thành Tết Tây 5
 Lan Chi Vũ

Ở Việt Nam đón Tết Âm lịch thì ở bên này, bọn mình cũng nấu những món ăn thuần Việt, cũng trang trí phòng ốc để tạo cảm giác Tết Việt trong căn phòng. Thèm lắm cảm giác, hương vị khó đặt tên vào ngày Tết ở Việt Nam lắm. Mỗi khi đến dịp Tết bọn mình tụ tập bạn bè, cộng đồng người Việt ở Pháp để cùng nhau trò chuyện, sum vầy. Ấm áp lắm. 

Ở bên này, những người bạn người Pháp của mình cũng thích thú cái Tết của Việt Nam lắm. Tết Dương ở đâu chẳng có, Tết Âm của nước mình mới đặc biệt, mang một phong vị không thể trộn lẫn được".

Chỉ còn đúng một tháng nữa là tới Tết Quý Tỵ, nên càng dễ hiểu vì sao chủ đề này lại được quan tâm và bàn tán xôn xao đến thế. Hai luồng ý kiến trái ngược này chắc chắn chưa thể ngã ngũ. Và có thể cuộc tranh luận cũng sẽ chỉ dừng lại ở việc thể hiện những quan điểm của mỗi người. Nhưng có như thế mới biết, dù đôi khi chúng ta vẫn buột miệng than: "Tết chán quá", "Tết chẳng có gì", nhưng hoá ra, ngày Tết đã trở thành cái gì đó thân quen lắm, mà cũng thiêng liêng lắm...
------------------------------------------------------------------------------------
hinh anh dep, gsm modem, phan mem nhan tin